Hai tuần liền, tôi chịu đựng những cuộc hỏi cung bất tận ở Bahrein, và còn tàn nhẫn hơn thế nữa trong tám ngày sau ở Hán Thành. Tôi tập trung hết trí óc và dối trá để trung thành với Lãnh tụ Vĩ đại của chúng tôi. Và tôi phải nói dối để che lấp những sự dối trá khác. Nhất là, tôi đã nói dối để cứu vãn gia đình tôi khỏi kết cục không thể tránh khỏi đang chờ họ.
Nhưng tất cả đã kết thúc. Tôi không còn chống cự nổi nữa. Các điệp viên Nam Hàn đã chiến thắng! Không phải bằng vũ lực như tôi từng tính đến, mà bằng sự kiên nhẫn và tỉnh táo vô hạn. Tôi bảo họ rằng tôi là một cô gái người Hoa mồ côi. Rằng ông bác Hachiya Shinchi tốt bụng đã nhận tôi làm con nuôi một cách không chính thức, và hai chúng tôi du ngoạn khắp Châu Âu. Nhưng tôi đã không đánh lừa được họ. Ngay từ khi chưa khai báo, họ đã biết tôi là gián điệp Bắc Triều Tiên. Họ cũng biết tôi phải chịu trách nhiệm về cái chết của 115 con người vô tội và vì thế, sẽ không bao giờ tôi được tha thứ.
Đúng vậy, họ đã thắng. Và cuối cùng, thành phố Hán Thành đã hoàn toàn khiến mọi sự kháng cự của tôi tan tành. Tôi được nuôi dạy với suy nghĩ rằng dân Nam Hàn là thứ bù nhìn khốn cùng, là nô lệ cho thể chế tư bản không kìm hãm. Và khi mới đặt chân tới Hán Thành, tôi cố tìm cách tin tưởng một cách mù quáng vào những gì được dạy dỗ.
Nhưng, tôi đã phục sinh! Đứa trẻ trưởng thành như một đệ tử của Kim Nhật Thành, đã chết ở phi trường Bahrein. Dần dà, từng bước, một con người khác đã thay thế nó. Và trước hết, Hán Thành là cái nôi của đứa trẻ này.
Trước ngày tôi khai báo, những nhân viên hỏi cung tôi cho biết hôm ấy, sẽ không có thẩm vấn: họ đưa tôi đi dạo và ngắm thành phố.
Tôi được nhận một bộ vét hai phần màu đen. Mặc nó vào, tôi có cảm tưởng mình như một cô trò nhỏ lần đầu tới trường và tôi không hiểu người ta tử tế với tôi như thế làm gì.
Khi ra khỏi căn cứ cảnh sát, chúng tôi đi lên một quả đồi. Cỏ cây đều thân thuộc với tôi, những vách đá hoa cương, đất đỏ… tất cả đều thật hài hòa. Trên đầu tôi là bầu trời xanh đậm với những áng mây hệt như bầu trời của chúng tôi ở Bình Nhưỡng. Nhưng khi đó chúng tôi lên tới đỉnh đồi và trung tâm Hán Thành tọa lạc ở phía dưới như một điều kỳ diệu thực sự! Tôi không còn cảm thấy tôi ở trên xứ Hàn đã quá quen thuộc.
Trên những con lộ rộng rãi, xe hơi chạy như mắc cửi. Ngay ở Tây Âu tôi cũng không thấy có lắm xe như ở đây. Tôi sững sờ nhìn các tài-xế: họ đều là dân Hàn, không phải người ngoại quốc.
Một phút liền, tôi không nói nên lời. Cảnh tượng này khác hẳn những gì tôi hình dung, khiến tôi không biết nói sao.
- Không thể tin được! - rốt cục, tôi cũng thì thầm.
Một điệp viên chỉ làn xe đang chạy.
- Tất cả những xe hơi này đều sản xuất tại Đại Hàn – anh ta nói. - Thời nay, đa số các gia đình đều có xe rồi. Người ta hay nói rằng đến ăn mày cũng đi xe hơi để xin tiền. Tất nhiên, như thế thì hay tắc đường và khó tìm chỗ đậu xe. Đây là những vấn đề xã hội nan giải.
Chiếc xe chúng tôi len lỏi giữa biết bao xe cộ. Tôi vừa kịp hiểu nội dung câu nói cuối cùng của người điệp viên, nhưng những câu trước đó cũng ăn sâu vào óc tôi. Ở Bắc Triều Tiên, chỉ các cán bộ đảng cao cấp và các bộ trưởng mới được đi xe; chúng tôi, lũ học sinh, luôn phải cúi đầu chào mỗi khi xe họ đi ngang qua. Đối với giới trẻ, đặc biệt là con trai, thì nghề lái xe là được chuộng nhất. Phụ nữ chả bao giờ dám mơ đến lái xe. Lái tàu cần thì may ra, nhưng không thể hơn thế!
Còn ở Hán Thành, tôi thấy có nhiều phụ nữ lái xe. Cảnh ấy hấp dẫn tôi đến mức tôi cứ dựa đầu vào cửa xe và ngắm nhìn…
Trần Lê chuyển ngữ - Còn tiếp
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn