GIỌT LỆ TRONG HỒN (41)

Thứ hai - 05/11/2007 22:49

(NCTG) Xe ngừng lại. Tôi được nhấc ra khỏi xe và trước tôi, sừng sững chiếc máy bay của Korean Air như một con quái vật bằng thép. Lòng tôi tràn ngập một cảm giác sợ hãi đến tột cùng, khủng khiếp hơn nhiều so với những gì tôi đã từng cảm nhận.

Tôi gào thét và tìm cách vật lộn với nhóm lính canh, nhưng họ khỏe hơn tôi nhiều. Tay tôi bị xích, chân tôi cũng không thể cử động. Nhóm lính canh kéo tôi xềnh xệch về phía chiếc thang dẫn tới cửa máy bay. Dưới chân cầu thang là hai điệp viên Nam Hàn đứng chờ đợi, gương mặt không để lộ chút cảm giác nào. Họ khéo léo nhận tôi từ toán lính canh Bahren, nhét vào miệng tôi một thứ gì đó rồi dán miệng tôi bằng băng dính. Đó là một thứ dụng cụ gì đó bằng nhựa để tôi khỏi cắn lưỡi.

Hai điệp viên Nam Hàn tống tôi lên máy bay như một thứ lành lý. Họ lôi tôi đến đoạn giữa máy bay rồi ấn tôi xuống một chiếc ghế. Bên phải tôi là một nam điệp viên, bên trái là một nữ, và cả hai luôn khoác tay tôi. Tôi khóc nức nở và một người thứ ba thì lai nước mắt cho tôi. Anh này nói nho nhỏ gì đó để dỗ dành tôi, thấy vậy, người nữ điệp viên bên trái tôi bảo.

- Kệ cô ta, rồi cô ta sẽ tự khắc im thôi.

Giá mình có thể chết được!”, tôi nghĩ, không biết rằng những gì xấu nhất còn ở sau lưng tôi...

Trong những phút đầu của vụ giam cầm mới này, tôi đã phạm phải sai lầm đầu tiên và cũng mang tính quyết định. Lại một điệp viên nữa tới chỗ tôi và xem bàn tay tôi.

- Đây là tay của một điệp viên được huấn luyện bài bản – anh ta nói với người ngồi cạnh tôi. – Các cậu thấy cô ta để mở bàn tay không?

Lập tức, tôi nắm chặt tay. Bằng hành động này, tôi đã chứng tỏ - một cách vô ý thức - rằng tôi hiểu tiếng Cao Ly.

Chiếc máy bay cất cánh mà không hề có thông báo gì. Nó chỉ chở mình tôi, nên không hề có đội chiêu đãi viên. Tôi thấy hơi tức cười vì cả một chiếc máy bay chỉ chở một người Bắc Triều Tiên. Đại đa số dân Bắc Triều Tiên không bao giờ được ra nước ngoài. Muốn xuất ngoại, cần có ô dù, hoặc phải có quan hệ đặc biệt với gia đình họ Kim.

Ngoài trời đã tối mịt, trong ca-bin sáng đèn. Chuyến bay này không ai ngủ được, và tôi thì càng không.

Tôi tìm cách sắp xếp lại những gì người ta đã biết về tôi. Tôi dùng hộ chiếu Nhật giả mạo, tôi muốn tự sát, và tôi thạo võ thuật. Từ đó, cũng chưa có gì trực tiếp suy ra tôi có liên quan đến vụ nổ máy bay, tuy nhiên, đã hình thành một bức tranh cho phép kết luận về tội trạng của tôi một cách xác quyết.

- Cô thấy trong người thế nào? - người nữ điệp viên ngồi cạnh tôi hỏi, bằng tiếng Nhật.

- Nói với cô ta bằng tiếng Hàn ấy! - người điệp viên ngồi bên phải tôi nói xen vào.

Nhưng khi họ lên tiếng bằng tiếng Cao Ly, tôi giả bộ như không hiểu gì cả; vì vậy, người nữ điệp viên đôi lúc nói với tôi bằng tiếng Nhật.

Chuyến bay như dài vô tận. Tôi chìm đắm trong suy nghĩ không biết sẽ bị hành hạ như thế nào khi đến Hán Thành. Dìm trong nước, dùng kìm búa, hay thanh sắt nung nóng – hình như người Nam Hàn thường sử dụng những nhục hình như thế. Trên cả chặng đường, tôi run rẩy vì sợ hãi và khi được đắp lên vai một chiếc chăn, tôi cũng vẫn tiếp tục run như cầy sấy. Giữa đường, một điệp viên nói:

- Dù cô ta phạm phải tội ác tày trời như thế, nhưng các cậu có thấy cô ấy giống nàng công chúa ngủ trong rừng không?

Tôi thầm nghĩ “hội này chỉ nói nhảm”, và chỉ về sau tôi mới biết tay điệp viên muốn ám chỉ nàng Bạch Tuyết. Đối với tôi, “điển tích” ấy không nói lên điều gì cả, vì tại Bắc Triều Tiên văn học phương Tây bị cấm đoán, và sách vở dành cho trẻ em chỉ độc một đề tài ca ngợi Kim Nhật Thành. Một bận, một điệp viên mang trộm được vào trại huấn luyện cuốn “Ngàn lẻ một đêm” và chúng tôi đọc nó, vừa hồi hộp, vừa sợ hãi.

Để “tiêu” thời gian, và giữ được tinh thần quả cảm, tôi hát thầm nhiều lần bài “Hành khúc những đội xung kích”:

Các đồng chí, hãy chuẩn bị vũ khí
Tiêu diệt quân xâm lược đế quốc
Tiến lên, hãy dũng cảm chỉ tiến chứ không lùi
Dù phải liều thân, cũng phải cho quân xâm lược nếm mùi!

Hãy lao mình vào trận cuối cùng
Để cuộc chiến ngày mai mang lại thắng lợi
Hãy siết chặt vũ khí trong tay
Dù phải liều thân, cũng phải cho quân xâm lược nếm mùi!

Và tôi cũng nhớ đến gia đình. Tôi hồi tưởng lại cảnh bà ngoại đến thăm tôi, nhiều tháng trước khi tôi về thăm nhà lần cuối. Đã 15 năm tôi không được gặp bà và bà khóc òa khi rốt cục hai bà cháu cũng được thấy nhau.

- Ôi, Hyon Hee – bà ôm tôi vào lòng -, bà sống đến giờ cũng bõ vì đã được thấy lại cháu. Bao năm qua, bà luôn mường tượng khuôn mặt cháu!

Tối hôm ấy, chúng tôi ăn món “sinsullo” của Triều Tiên, ai nấy đều vui như hội và chúng tôi lại nhắc đến “những ngày xưa tháng cũ đẹp đẽ”. Hyon Ok, lúc đó vừa lấy chồng, cũng đến.

Trần Lê chuyển ngữ - Còn tiếp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn