NGƯỜI ANH HÙNG CỦA HAI CUỘC KHỞI NGHĨA WARSZAWA QUA ĐỜI

Thứ hai - 24/12/2018 07:28

(NCTG) Simcha Rotem, thành viên cuối cùng còn sống sót của cuộc khởi nghĩa Do Thái ở Warszawa thời Đệ nhị Thế chiến đã qua đời hôm 22-12-2018 tại Jerusalem, hưởng thọ 94 tuổi, theo các nguồn tin từ Israel.

Simcha Rotem (1922-2018)

Simcha Rotem (1922-2018)

Cuộc khởi nghĩa Do Thái bùng nổ ngày 19-4-1943, khi Đức quốc xã tiến hành chiến dịch thanh toán biệt khu (ghetto) Do Thái tại thủ đô Warszawa của Ba Lan để đưa tất cả các cư dân Do Thái tại đây đi các trại tập trung và hủy diệt.

Trước đó, biệt khu Do Thái được thành lập tại một diện tích chừng 3,4 km2 trong khoảng thời gian từ ngày 6-10 tới 16-11-1940 tại Warszawa, sau khi hệ thống tường ngăn khu này với bên ngoài bắt đầu được dựng từ ngày 1-4-1940.

Hơn 400 ngàn người Do Thái (tức 30% cư dân Warszawa) đã bị dồn vào biệt khu đó, trong khi mảnh đất này chỉ bằng 2,4% diện tích của thủ đô. Những bức tường của khu ghetto cao chừng 3m, phía trên là hàng rào dây thép gai.

Bất cứ ai có ý định trốn khỏi biệt khu đều bị xả súng bắn chết. Trong thời gian tồn tại, tối thiểu đã có 300 ngàn người bị sát hại, trong số đó ít nhất 254 ngàn nạn nhân bị đưa đi trại tập trung Treblinka mùa hè 1942 trong vòng 2 tháng.

Đầu năm 1943, phát-xít Đức thực hiện thanh toán biệt khu Warszawa, được coi như trại tập trung lớn nhất của Đức quốc xã tại Châu Âu. Cư dân Do Thái đã đứng lên kháng cự anh dũng, khiến kế hoạch của phía Đức bị chậm lại.

Mặc dù hầu như không được trang bị vũ khí và không được tiếp tế, khởi nghĩa Do Thái kéo dài tới ngày 16-5-1943 và được xem như cuộc kháng chiến lớn đầu tiên nhằm chống lại ách chiếm đóng của phát-xít Đức trên toàn Châu Âu.
 
Simcha Rotem (trái) sau cuộc khởi nghĩa Do Thái tại Warszawa năm 1943 - Ảnh tư liệu
Simcha Rotem (trái) sau cuộc khởi nghĩa Do Thái tại Warszawa năm 1943 - Ảnh tư liệu

Tham gia khởi nghĩa trên cương vị thành viên của phong trào kháng chiến quân mang tên Tổ chức Chiến đấu Do Thái (ŻOB), Simcha Rotem thực hiện nhiệm vụ liên lạc chính giữa khu ghetto và các khu vực khác của thủ đô Warszawa.

Tướng SS Jürgen Stroop, kẻ chịu trách nhiệm việc thanh toán ghetto, đã ra chỉ thị phóng hỏa đốt cháy cả khu vực nơi các kháng chiến quân ẩn náu, khiến nhiều người Do Thái chết cháy trong các tòa nhà, hoặc chết ngạt vì khói.

Chạy thoát khỏi lưới truy lùng của phát-xít Đức, Simcha Rotem tiếp tục cuộc chiến đấu chống Đức quốc xã: ông hỗ trợ những người Do Thái còn lẩn trốn tại thủ đô Ba Lan và sau đó, tham gia cuộc khởi nghĩa Warszawa năm 1944.

Là đại diện cuối cùng của thế hệ những người Do Thái đã đứng lên làm cuộc khởi nghĩa năm 1943 khiến Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt phải quỳ gối chuộc lỗi vào ngày 7-12-1970, Rotem xứng đáng với sự ngưỡng mộ của người đời.

Sự ra đi của ông đã khiến Tổng thống Reuven Rivlin và Thủ tướng Benyamin Netanyahu của xứ sở Israel phải nghiêng mình, theo tường thuật của truyền thông quốc tế.

Trần Lê tổng hợp


 
 Từ khóa: Simcha Rotem
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn