Tháng 3 nhục nhã: 100 NĂM HIỆP ƯỚC BREST-LITOVSK

Thứ tư - 07/03/2018 05:36

(NCTG) Ngày 3-3-1918, chính phủ Bolsheviks do Lenin đứng đầu của nước Nga-Xô-viết đã ký Hiệp ước hòa bình Brest-Livovsk với phe Liên Minh (Đức, Áo-Hung, Bulgaria và Ottoman). Tác giả Hoàng Đàm từ Ukraine nhắc lại một số sự kiện lịch sử cách đây tròn một thế kỷ.

Lễ ký kết Hiệp ước Brest-Litovsk - Ảnh tư liệu

Lễ ký kết Hiệp ước Brest-Litovsk - Ảnh tư liệu

Đại đa số các nhà sử học Nga về sau đều gọi hiệp định này là một trang nhục nhã và xấu hổ nhất trong lịch sử nước Nga. Bằng hiệp ước này, Nga, vốn tham dự Thế chiến Thứ nhất trong phe Hiệp Ước (Anh, Pháp, Nga, và sau đó là Mỹ, Brazil) từ những ngày đầu tiên, đã chấp nhận thua trận và rút ra khỏi cuộc chiến.

Trớ trêu là phe Hiệp Ước đang dành thế thắng một cách rõ rệt vào thời điểm đó!

Theo nội dung hiệp ước, nước Nga mất hơn một phần tư dân số và những vùng lãnh thổ phía Tây phát triển nhất của mình. Hơn thế nữa, bằng hiệp ước ký riêng lẻ với phe Liên Minh, nước Nga đã phản bội các đồng minh, làm mất uy tín của mình một cách nặng nề .

Vì sau lại như vậy?

Như chúng ta đều biết, ngày 7-11-1917, bằng cuôc đảo chính vũ trang (đây là cách gọi chính thức tại Nga hiện nay, mặc dù ở đâu đấy trên thế giới vẫn còn gọi là “cuộc cách mạng tháng 10 Nga vĩ đại”) tại Saint Peterburg, phe Bolseviks do Lenin đứng đầu lật đổ Chính phủ Lâm thời và lên nắm chính quyền tại Nga, lập ra nhà nước Xô-viết.

Vào thời điểm đó, Nga đã tham dự Đệ nhất Thế chiến được hơn 3 năm, chịu nhiều tổn thất nặng nề, kinh tế kiệt quệ (đó cũng là lý do chính khiến chính quyền Sa Hoàng sụp đổ) nhưng phe Hiệp Ước đang dành thế thắng, đặc biêt là từ khi Hoa Kỳ tham dự vào cuộc chiến bên phe này từ tháng 4-2017.

Lenin cho rằng, nếu vẫn tiếp tục tham chiến cho đến thắng lợi cuối cùng đang gần kề thì phe Bolseviks sẽ không giữ được chính quyền. Vì vậy ông ta đặt ra mục đich phải kết thúc chiến tranh, dù phải chịu bất cứ giá nào.

Sau khi lời kêu gọi chấm dứt chiến tranh vô điều kiện của chính quyền Bolseviks mới lập vào ngày 8-11-1917 bị các quốc gia tham chiến từ chối, Lenin quyết định đàm phán trực tiếp với nước Đức. Về phía Đức, đang thất thế và nhìn thấy sự thất bại trước mắt kể từ khi Mỹ tuyên chiến với họ, cũng mong muốn đình chiến với Nga để rảnh tay chuyển quân sang mặc trận phía Tây đối phó với liên quân Anh-Pháp-Mỹ.

Cuộc đàm phám kéo dài hơn 3 tháng vì gặp nhiều phản đối trong nội bộ chính quyền Xô-viết, trong khi điều kiện hòa bình của phía Đức ngày càng siết chặt, phía Nga thì luôn nhượng bộ. Mãi cho đến tháng 2-1918, thấy đàm phán ko đi đến đâu, quân Đức mở cuộc tấn công tổng lực trên mặc trận phía đông tiến vào chiến trường Nga. Cuộc tấn công hầu như không gặp bất cự sự kháng cự nào. Quân Nga tháo chạy tán loạn, người Đức chiếm vùng Baltic, Kiev, Minsk, Gomel, Pskov và uy hiếp trực tiếp thủ đô Petrograd.
 
Lo ngại thủ đô thất thủ, Lenin đe dọa từ chức và ép các đồng chí của ông chấp nhận tất cả các điều kiện ngừng chiến ngặt nghèo của Đức.
 
Mất đất những giữ được chế độ: bản đồ nước Nga - Xô-viết sau Hiệp ước hòa bình Brest-Litovsk
Mất đất những giữ được chế độ: bản đồ nước Nga - Xô-viết sau Hiệp ước hòa bình Brest-Litovsk

Theo điều kiện của hiệp ước hòa bình (hay đầu hàng), nước Nga phải bồi thường cho Đức 6 tỷ Mark vàng và 500 triệu rúp vàng, mất gần 800 ngàn km2 lãnh thổ của mình, trong đó có Phần Lan, Ukraine, Crimea, ba nước Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania), một phần của Ba Lan, miền Tây Belorus và một phần lãnh thổ Kavkaz cũng phải nhường cho Thổ.

Tổng cộng Nga mất 56 triệu dân, chiếm 26% dân số lúc bấy giờ và gần một phần ba tổng sản lượng quốc gia. Nước Nga bị cắt rời ra khỏi biển Đen và biển Baltic.

Cũng đồng thời với việc ký hiệp ước, để tránh bị thất thủ, Nga dời thủ đô về Moscow.

Chỉ với một hiệp ước, nước Nga quay lại về với lãnh thổ của mình vào thế kỷ 17, mất gần hết những vùng đất đã giành được trong suốt 3 thế kỷ chinh chiến và nỗ lực của các đời Sa Hoàng.

Hiệp ước tạo lên một sự phản kháng rất lớn trong nội bộ nước Nga và là tiền đề để xảy ra cuôc nội chiến đẫm máu tại Nga cho đến năm 1922.

Nhờ hiệp ước này, phe Bolseviks đã giữ được chính quyền Xô-viết và rảnh tay quay sang trấn áp với các lực lượng đối lập, nhưng cái giá phải đánh đổi là mất mát rất nhiều quyền lợi quốc gia của Nga.

Tại sao Lenin lại làm như vậy? Có thể chấp nhận ký một hiệp ước “nhục nhã” như vậy cho nước Nga? Ngoài mục đích bằng mọi giá để giữ được chính quyền Xô-viết, nhiều nhà sử học nghi ngờ rằng, Lenin đã hành động như vậy để thực hiện cam kết mật trước đó với Đức, vốn đã tài trợ rất nhiều tiền của cho người Bolseviks để lập đổ chính quyền Sa Hoàng và Chính phủ Lâm thời của Nga.

Tháng 11-1918, nước Đức và phe Liên Minh bại trận, tuy nhiên, nước Nga, vì đã rút ra khỏi chiến tranh từ trước, đã không được hưởng lợi gì. Máu xương của hàng triệu người Nga đổ xuống trong chiến tranh này là vô ích.

Sau khi Đức bại trận, nước Nga - Xô-viết tuyên bố xóa bỏ Hiệp ước Brest-Litovsk và bắt đầu quá trình đánh chiếm lại những vùng đất đã mất. Kết quả là một phần đất họ thu hồi lại được, một phần thì hoàn toàn mất đi, một phần khác thì nằm trong vùng tranh chấp, tạo tiền đề cho Thế chiến Thứ hai và cả những hệ lụy về sau này.

Rốt cục, Ukraine chỉ dành độc lập được hơn một năm rồi lại bị sáp nhập vào Liên bang Xô-viết cho mãi đến năm 1991 mới tách được ra, ba nước Baltic thì tồn tại cho đến khi bị Liên Xô chiếm đóng vào năm 1939 rồi đến năm 1991 lại giành lại được độc lập. May mắn nhất là Phần Lan, thoát được khỏi “thế giới Nga” và nay là một quốc gia phát triển thịnh vượng vào bậc nhất thế giới!

Hoàng Đàm, từ Kiev (Ukraine)


 
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 2 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn