CÁCH MẠNG NHUNG 1989 VÀ NHỮNG CÂU HỎI LỊCH SỬ CÒN BỎ NGỎ

Thứ tư - 29/11/2017 22:41

Vào những ngày này đúng 28 năm trước, cuộc Cách mạng Nhung đang ở đỉnh điểm tại Liên bang Tiệp Khắc, với những biến cố chóng mặt và bất ngờ không ai tính trước nổi: ngày 27-11, tổng đình công diễn ra trên toàn quốc chứng tỏ thể chế cộng sản không còn chút chỗ dựa nào trorng mọi giai tầng xã hội, để đến ngày 28-11, thế độc tôn chính trị của Đảng Cộng sản xứ này sụp đổ sau hơn 40 năm.

Hình ảnh mang tính biểu tượng của cuộc Cách mạng Nhung: những người dân không tấc sắt trong tay, đối mặt với cường quyền - Ảnh tư liệu

Hình ảnh mang tính biểu tượng của cuộc Cách mạng Nhung: những người dân không tấc sắt trong tay, đối mặt với cường quyền - Ảnh tư liệu

Nghe bản audio tại đây.

Nói đến cách mạng, chúng ta không khỏi hình dung những sự kiện đẫm máu, những biến cố bạo lực kéo theo tính mạng nhiều con người. Cuộc Cách mạng Nhung của Tiệp Khắc, khởi đầu ngày 17-11-1989 bằng một cuộc tuần hành lớn ở Prague, và chấm dứt ngày 28-12 với sự đăng quang chính thức của những nhà dân chủ, những nhân vật đối lập hàng đầu, là một ngoại lệ vô tiền khoáng hậu trong lịch sử.

Sự kiện này còn mang tính bất ngờ ở chỗ, trong khi các thể chế cộng sản ở Ba Lan, Hungary và Đông Đức đã lần lượt sụp đổ dưới sức nặng của phong trào dân chủ và nguyện vọng người dân thì ở Tiệp Khắc, cho đến trung tuần tháng 11-1989, chính quyền nước này được coi như vẫn làm chủ tình thế trước các nhóm đối lập, và không có dấu hiệu đáng kể cho thấy nó sẽ cáo chung nhanh.

“Mùa hè đỏ lửa”

Dầu sao đi nữa, vào năm 1989, Liên bang Tiệp Khắc cũng đã có một mùa hè nóng bỏng với cuộc vận động dân chủ mới của phe đối lập dân chủ và xã hội công dân, đã manh nha từ phong trào “Hiến chương 77”, biểu tượng quan trọng bậc nhất của cuộc chiến chống lại thể chế toàn trị tại các xứ cộng sản Đông Âu. Và người nêu ra ý tưởng, không ai khác, ngoài Phát ngôn viên Václav Havel của Charta 77.

Nhà soạn kịch, nhà hoạt động được coi là đã tổng hòa những nét tiêu biểu của một trí thức Đông Âu ấy, khi đó vừa được trả tự do sau khi bị bắt vào tháng 1-1989 sau những cuộc biểu tình ở Prague nhân kỷ niệm 20 vụ tự thiêu của sinh viên Jan Palach để chống lại sự can thiệp quân sự của Khối Hiệp ước Warsaw vào Tiệp Khắc. Và “sáng kiến” của ông, chính là bản kiến nghị “Vài lời” (Několik vět).
 
Tháng 8-1989, những cuộc biểu tình tiếp nối truyền thống 1968 vẫn bị chính quyền đàn áp - Ảnh: Patrick Hertzog (AFP)
Tháng 8-1989, những cuộc biểu tình tiếp nối truyền thống 1968 vẫn bị chính quyền đàn áp - Ảnh: Patrick Hertzog (AFP)

Được đăng trên tờ báo “chui” “Lidové Noviny” ngày 22-6, và được biết đến rộng rãi sau đó 1 tuần khi đài Châu Âu Tự Do đọc toàn văn lời kêu gọi và tên tuổi những người đầu tiên đã ký nó, “Vài lời” được coi là đề xướng đối lập trực diện đầu tiên kể từ khi Mùa xuân Prague bị dập tắt tại Tiệp Khắc năm 1969, mà thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo các giai tầng trong xã hội.

Kiến nghị yêu cầu thả tự do cho các tù nhân chính trị, đề nghị chính quyền phải tôn trọng quyền tự do tụ tập, chấm dứt đàn áp, theo dõi các hoạt động độc lập của công dân, tôn trọng tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, v.v... Tới trung tuần tháng 11 năm đó, con số những người ký tên ủng hộ - trong đó có nhiều nghệ sĩ, nhân sĩ nổi tiếng - lên tới 40 ngàn, và được công bố trên các đài Châu Âu Tự do và Tiếng Nói Hoa Kỳ.

Theo hồi tưởng của Vaclav Havel, khi được trả tự do ông cảm nhận được sự vận động trong lòng xã hội: rất nhiều người - đặc biệt là giới nghệ sĩ - ủng hộ phe dân chủ. “Trên bức tường phân cách phe đối lập và xã hội đã có vết rạn”, ông nghĩ, và nhận thấy đây là cơ hội cần nắm bắt để đấu tranh cho dân chủ. Và dưới ảnh hưởng của kiến nghị, nhiều cuộc biểu tình đã được khởi động, từ tháng 8 tới tháng 10.

Và “Vài lời” chắc chắn cũng là động lực của nhiều thanh niên, sinh viên trong cuộc tuần hành ngày 17-11 được chính quyền cho phép, để biến một hoạt động tưởng nhớ nạn nhân của phát-xít Đức trong Ngày Sinh viên Quốc tế thành dịp để bày tỏ sự bất bình, và nguyện vọng tự do dân chủ. Việc chính quyền can thiệp “nặng tay” vào cuộc biểu tình đã khiến cuộc Cách mạng Nhung bùng nổ.
 
Ngày 6-10, vẫn chỉ có vài du khách vãng lai tại quảng trường Wenceslas, chưa có gì báo hiệu cơn bão sắp tới... - Ảnh: Pascal George (AFP)
Ngày 6-10, vẫn chỉ có vài du khách vãng lai tại quảng trường Wenceslas, chưa có gì báo hiệu cơn bão sắp tới... - Ảnh: Pascal George (AFP)

Tuy nhiên, gần ba chục năm đã trôi qua mà giới nghiên cứu và xã hội Czech hiện tại vẫn chưa có được câu trả lời xác quyết cho nghi vấn, phải chăng 17-11 là một sự sắp đặt đến từ cơ quan mật vụ cộng sản hoặc một số thế lực bên ngoài nào đó? Một chuyển biến quá ngoạn mục xảy ra vỏn vẹn trong vòng vài tuần, phải chăng chỉ là “tác phẩm” ngẫu nhiên của lòng dân, và phe đối lập chưa thật sự mạnh?

Cuộc tuần hành định mệnh

Với độ lùi của thời gian và việc bạch hóa một số tư liệu lịch sử, có thể bình tâm mà nói, cuộc biểu tình 17-11 hàm chứa nhiều khoảnh khắc mà ít nhất, có thể đặt dấu hỏi. Đó là một hoạt động được cấp phép của Đoàn Thanh niên Cộng sản Tiệp Khắc, với điều kiện giới trẻ không được lai vãng tại khu vực quảng trường Wenceslas, địa điểm truyền thống và “nhạy cảm” của các biến cố lớn trong lịch sử đất nước.

Chính quyền cũng ra chỉ thị cho cơ quan công lực, là nếu cuộc tuần hành biến thành biểu tình phản đối chính quyền, thì cũng không được sử dụng vũ lực. “Chúng tôi biết đây là một thời điểm rất nhạy cảm, nên bằng mọi giá muốn tránh bạo lực”, Tổng bí thư khi đó của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, ông Miloš Jakeš cho hay. Và điều ông lo ngại đã tới rất nhanh: chỉ trong ít phút, biểu tình chống thể chế bùng nổ.

Theo kịch bản được phép, lẽ ra đoàn người sẽ lên đặt hoa trước lăng mộ các anh hùng dân tộc Tiệp Khắc trên thành cổ Vysehrad và chấm dứt ở đó, nhưng rồi một sinh viên được biết với cái tên Ludvík Zifcák lại dẫn đoàn về phía trung tâm khu phố mới. Ở đây, tại đại lộ Národní trída gần Nhà hát Quốc gia, gần 15 ngàn thanh niên đã chạm trán với hàng rào cảnh sát và họ không giải tán ngay cả khi đã bị cảnh cáo.
 
Hàng chục ngàn người xuống đường với biểu ngữ đòi tự do. Praha, ngày 17-11-1989 - Ảnh: Lubomir Kotek (AFP)
Hàng chục ngàn người xuống đường với biểu ngữ đòi tự do. Praha, ngày 17-11-1989 - Ảnh: Lubomir Kotek (AFP)

Trái với chỉ thị được nhận, cảnh sát đã dùng vũ lực và cho tới giờ, vẫn chưa có lời lý giải xác đáng cho hành động đó. Chỉ huy cảnh sát hôm ấy cho hay, chỉ bằng cách ấy mới hy vọng chặn được dòng người, không cho họ tràn về quảng trường  Wenceslas mang tên vị thánh bảo hộ của Tiệp Khắc, địa điểm truyền thống của những cuộc “tụ tập đông người” của cư dân thủ đô vốn “nhạy cảm” đối với chính quyền.

Trong cuộc đụng độ, một lần nữa chàng thanh niên Zifcák lại đóng vai trò nổi bật: hoặc vì bị trúng dùi cui cảnh sát, hoặc giả bộ, người sinh viên này ngã lăn ra đất và nằm bất động trong vài phút. Chỉ vậy cũng đủ để một “tin nóng” nhanh chóng được lan truyền và thông qua hãng Reuters, cả thế giới được biết cảnh sát đã đánh chết, hoặc làm bị thương nặng một sinh viên trong một cuộc tuần hành ôn hòa.

Cần phải nói là mẩu tin thất thiệt này đã được “qua tay” những nhân vật có uy tín, về sau đều giữ những cương vị quan trọng như Tổng giám đốc Thông tấn xã Czech hay Phụ trách Báo chí cho Tổng thống Vaclav Havel. Không có bằng cứ cho thấy họ cố tình ngụy tạo tin, nhưng nguồn tin đã được loan không hề thông qua kiểm phối và góp phần đáng kể cho sự sụp đổ của thể chế cộng sản Tiệp Khắc.

Mặc dù chính quyền Tiệp Khắc đã cố gắng bác bỏ tin đồn này, nhưng khi đó không còn ai tin vào họ. Người dân Prague ồ ạt đổ ra đường phản đối vì cảm thấy không thể chấp nhận được chuyện cảnh sát đánh chết người tuần hành. Chuỗi biểu tình ngày một mạnh mẽ, có những nơi lên tới 750 ngàn người, khiến Đảng Cộng sản Tiệp Khắc tuyên bố từ bỏ quyền lực và giải tán chế độ độc đảng vào hôm 28-11!

Lòng dân tự phát hay âm mưu sắp đặt?

Sự nghi vấn lớn nhất đối với cuộc biểu tình sinh viên 17-11 nằm ở chỗ, chính Zifcák là một thành viên Cơ quan An ninh Quốc gia Tiệp Khắc (StB) được cài cắm vào giới học sinh từ trước đó, và theo lời đương sự, không thể có cuộc Cách mạng Nhung nếu cơ quan mật vụ chính trị không nhúng tay vào sự kiện 17-11. “Tất cả đều theo bài bản được chuẩn bị kỹ lưỡng trước”, ông ta nói với báo chí cách đây vài năm.
 
Václav Havel đặt hoa tưởng nhớ những nạn nhân của Mùa xuân Praha - Ảnh tư liệu
Václav Havel đặt hoa tưởng nhớ những nạn nhân của Mùa xuân Praha - Ảnh tư liệu

Mục đích của chúng tôi không phải là lật đổ thế chế cộng sản, mà là để có những đổi thay tạo nên đời sống khá giả cho người dân trong khuôn khổ chế độ lúc đó”, Zifcák hồi tưởng, và nói thêm rằng, chỉ những ai ngây thơ mới nghĩ rằng một nhóm đối lập chưa tới ngàn người có thể lật đổ hệ thống chính trị Tiệp Khắc. Và ông ta cũng cho rằng một số nhà ly khai, trong đó có Vaclav Havel, có biết kế hoạch này của cơ quan mật vụ.

Góc nhìn này của cựu mật vụ được nhiều người chia sẻ. Không ít ý kiến cho rằng, đứng sau tất cả là Rudolf Hegenbart, “sếp” trong thực tế của Cơ quan An ninh Quốc gia Tiệp Khắc thời đó, và mục tiêu của kế hoạch kể trên là hạ bệ Tổng bí thư Miloš Jakeš và các thủ hạ để ông trùm mật vụ có cơ hội lên nắm quyền trong kỳ Đại hội sau đó ít lâu. Và dự tính này, dường như cũng được điện Kremlin chấp thuận và gật đầu.

Bởi lẽ, Ban lãnh đạo đương thời của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc được Moscow đưa lên sau biến cố Mùa xuân Prague 1968, và theo năm tháng đã trở nên xơ cứng, bảo thủ và độc đoán, không còn hợp với đường lối “cải tổ” và “công khai” mang tính “trẻ trung” của Tổng bí thư CS Liên Xô Mikhail Gorbachev. Dù chưa có bằng cứ cụ thể, nhưng giả thuyết trên đây đã được nhiều nhà nghiên cứu cho là không phải vô lý.

Và đó cũng là quan điểm của cựu mật vụ Ludvík Zifcák, người mà vai trò và hành tung trong biến cố ngày 17-11 năm nào, tới giờ vẫn chưa được làm rõ. “Giá mọi thứ diễn ra theo kế hoạch, giờ đây chúng ta sống sướng hơn rồi. Trong vòng 48 tiếng, lẽ ra đã có thể làm tất cả, bởi lẽ quân đội, cảnh sát và lực lượng vũ trang chúng tôi đã nắm trong tay”, Zifcák chia sẻ với với truyền thông Czech sau hơn hai thập niên.
 
Biểu tình của giới sinh viên tại quảng trường Wenceslas - Ảnh: Lubomir Kotek (AFP)
Biểu tình của giới sinh viên tại quảng trường Wenceslas - Ảnh: Lubomir Kotek (AFP)

Ngay phe đối lập dường như cũng bất ngờ trước diễn biến ngày 17-11: Vaclav Havel về nhà ở quê, còn Alexander Dubcek, lãnh tụ “Mùa xuân Prague” thì ở lại thủ đô một cách ngẫu nhiên. Lãnh đạo cộng sản, trong đó có thủ lĩnh Miloš Jakeš, theo truyền thống, về quê nghỉ cuối tuần, bỏ ngỏ đại bản doanh Prague và có lẽ chính người biểu tình cũng không nghĩ họ đã châm ngòi cho một cuộc cách mạng.

17-11 và di sản của cuộc Cách mạng Nhung

Những sự kiện lịch sử bao giờ cũng có nhiều góc nhìn và cách tiếp cận, nhất là đối với những biến cố trọng đại như cuộc Cách mạng Nhung 1989. Cách đây 3 năm, chính Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman cũng bị nhiều người phản đối gay gắt, khi ông cho rằng cuộc tuần hành ngày 17-11 là một trong những buộc biểu tình bình thường thời đó, và nó không bị “tàn sát đẫm máu” như nhiều người nói.

Là một người có mặt trong tối 17-11, ông Zeman cho rằng một cuộc xuống đường mà không ai thiệt mạng, không ai bị thương nặng thì không thể nói quá lên, không thể “giả mạo lịch sử” (lời ông). Cho dù, nói như vậy, hẳn ông cũng ý thức được rằng, sẽ bị nhiều người phản đối, và sự thực đã không ít người phản đối và còn tổ chức biểu tình vì cho rằng vị nguyên thủ quốc gia đã làm giảm giá trị của cuộc cách mạng.

Tuy nhiên, lịch sử là thế, luôn đa dạng và không thể chỉ có một cách nhìn nhận. Cho dù khởi đầu 17-11 có nguyên do như thế nào đi nữa, thì cuộc Cách mạng Nhung, xét về toàn cục, vẫn là thành công của “những con người bình thường: những nhà văn, công nhân, viện sĩ, tức hàng triệu người sống sau Bức màn sắt và không bao giờ chấp nhận sự áp bức”, theo lời cựu Thủ tướng Ba Lan, cựu Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Jerzy Buzek.
 
Alexander Dubček, biểu tượng của Mùa xuân Praha 1968 và Václav Havel, lãnh tụ phong trào đối lập dân chủ. Praha, ngày 24-11-1989 - Ảnh: Lubomir Kotek (AFP)
Alexander Dubček, biểu tượng của Mùa xuân Praha 1968 và Václav Havel, lãnh tụ phong trào đối lập dân chủ. Praha, ngày 24-11-1989 - Ảnh: Lubomir Kotek (AFP)

Và sự tàn lụi của thể chế toàn trị ở Tiệp Khắc cũng như tại Đông Âu nói chung, xét cho cùng, cũng là tất yếu vì cuộc đấu tranh đòi dân chủ và nhân quyền ở đây được dẫn dắt bởi những gương mặt trí thức xuất chúng như Václav Havel, “người bạn của những chiến sĩ đấu tranh cho tự do và nhân quyền” (lời ông Jerzy Buzek), cùng hàng triệu con người nắm trong tay quyền lực của không quyền lực của xã hội dân sự.

Từ 17 năm nay, ngày 17-11 được gọi bằng cái tên Ngày Tranh đấu cho Dân chủ và Tự do. Những bó hoa, ngọn nến được mang tới đài kỷ niệm 17-11 tại hiện trường cuộc xuống đường năm nào, với những người trẻ hô vang “tự do”, cho thấy trong ký ức cộng đồng, mốc thời gian này đã vượt quá một khuôn khổ kỷ niệm một cuộc tuần hành nhất định, để trở thành chỉ dấu cho tâm nguyện tự do, dân chủ và nhân phẩm...

Và đó là điều mãi còn của Cách mạng Nhung, dù có nhìn ở góc độ nào đi nữa...

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 
 Từ khóa: Mùa xuân Praha, 17-11
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn