20 năm trước: CÁCH MẠNG NHUNG TIỆP KHẮC, CUỘC CÁCH MẠNG 10 NGÀY

Thứ sáu - 13/11/2009 21:42

Cuộc cách mạng nhung của Tiệp Khắc, diễn ra cách đây tròn 20 năm và đưa Tiệp Khắc trở thành những quốc gia dân chủ, sẽ không thể có diễn tiến hòa bình và trọn vẹn như thế nếu xứ sở này chưa từng có một Mùa thu Prague 1968, một Hiến chương 77, hay một “Vài câu” 1989.


Václav Havel

Nhưng trước hết, cần một đội ngũ những trí thức yêu nước và có tầm nhìn xa, trước hết là Vaclav Havel.

Người thức tỉnh lương tâm

Mới đây, trong phiên họp của Nghị viện Châu Âu, khi các dân biểu hồi tưởng lại các sự kiện 2 thập niên trước, ông Jerzy Buzek, cựu thủ tướng Ba Lan, hiện là chủ tịch Nghị viện Châu Âu, đã tôn vinh Václav Havel là “người bạn của những chiến sĩ đấu tranh cho tự do và nhân quyền”.

Ông Buzek có nói thêm rằng, “chủ nghĩa cộng sản đã bị đánh đổ bởi những con người bình thường: những nhà văn, công nhân, viện sĩ, tức hàng triệu người sống sau Bức màn sắt và không bao giờ chấp nhận sự áp bức”.

Những nhận định của ông Buzek đặc biệt đúng với trường hợp Vaclav Havel, một nhân vật kỳ vĩ của Tiệp Khắc thế kỷ XX. Không đơn thuần là một nhà ly khai rồi một chính khách lớn, trong ông, chúng ta có thể thấy được sự tổng hòa những nét của một trí thức Đông Âu: yêu tự do và công bằng xã hội, sự minh triết trong các vấn đề lớn lao và trong cuộc sống hàng ngày.

Cuộc đời của Havel rất điển hình cho hình mẫu một trí thức vùng Đông Trung Âu với những hệ lụy của lịch sử. Ra đời trong một gia đình khá giả, nên tại nước Tiệp Khắc cộng sản, ông không được vào đại học vì lý lịch “tư sản”. Vừa làm trợ lý trong một phòng thí nghiệm, vừa lái taxi, ông vẫn cố theo học Đại học Kỹ thuật Prague hệ buổi tối.

Từ năm 1960, ông làm việc tại một nhà hát và được diễn vở kịch đầu tiên năm 1963. Trong thời gian ấy, ông đã không giấu giếm quan điểm Tiệp Khắc phải trở về với những truyền thống dân chủ và tự do giữa hai cuộc Thế chiến.

Sau thất bại của Mùa xuân Prague 1968, ông bị cấm viết và phải kiếm sống bằng lao động chân tay. Trở thành một nhân vật ky khai, phát ngôn viên của Hiến chương 77, ông bị tù 5 năm rưỡi.

Trong các biến cố 1989, ông là người phát ngôn của phe dân chủ và đấu tranh cho quyền con người ở Tiệp Khắc, và có vai trò hàng đầu trong Cách mạng nhung.

Giữa cương vị tổng thống đầu tiên của Tiệp Khắc, và Cộng hòa Czech dân chủ sau 1990, nhưng Vaclav Havel vẫn giữ những quan điểm về công bằng xã hội của mình, và phản đối việc tư bản hóa rừng rú trong nền kinh tế Đông Âu.

Không chỉ là một nhà văn, ông còn là một nhà tư tưởng với tác phẩm nổi tiếng “Quyền lực của không quyền lực” viết năm 1978, một tiểu luận có tầm ảnh hưởng lớn lao đến các phong trào chống toàn trị ở Đông Âu, góp phần tạo ra một làn sóng đương đại về xã hội dân sự mà ông vừa là lý thuyết gia, vừa là một tác nhân tích cực với hoạt động trong Hiến chương 77 và Diễn đàn Dân sự sau này.

Cái vĩ đại của Havel là không chỉ mô tả cơ chế của hệ thống cộng sản tại Đông Âu mà ông gọi bằng cái tên “hậu toàn trị”, mà Vaclav Havel còn chỉ ra sự tàn lụi tất yếu của nọ, khi ý thức công dân của mỗi người dân đưọc nâng cao và thể hiện để đòi chính quyền phải thực hiện những quyền lợi và nhu cầu cá nhân và xã hội của họ.

Được coi như lương tâm và đạo đức xã hội của đất nước, uy tín cá nhân của Vaclav Havel đã góp phần đáng kể để Cộng hòa Czech có được thiện cảm và vai trò trên trường quốc tế. Đồng thời, ông cũng có vai trò rất lớn trong việc tạo dựng một hình mẫu mới của nền văn hóa và tư tưởng Liên hiệp Châu Âu, trong đó, những tinh hoa Cộng hòa Czech và các quốc gia Đông Trung Âu được để tâm và đánh giá đúng mực.

Những tiền đề

Nhắc đến Cách mạng nhung, chúng ta thường nghĩ đến chuỗi biểu tình, tuần hành diễn ra một cách hòa bình trên diện rộng tại Tiệp Khắc, khởi đầu từ ngày 17-11 và trong vòng 6 tuần, đã cuốn đi thể chế cộng sản theo mô hình Stalinist ở xứ sở này.

Tuy nhiên, cội nguồn của Cách mạng nhung thì đã có từ đầu thập niên 60 thế kỷ trưóc, khi Tiệp Khắc bắt đầu cải tổ về kinh tế và dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng Hungary 1956, lãnh tụ Alexander Dubcek có những ý niệm đầu tiên về khả năng kiến tạo một chủ nghĩa xã hội mang bộ mặt nhân bản.

Những nỗ lực này xuất phát từ nhóm cải tổ trong nội bộ Đảng Cộng sản Tiệp Khắc và dần dần, thu hút được sự ủng hộ của đông đảo cư dân trong các biến cố được gọi bằng cái tên Mùa xuân Prague, nhưng cuối cùng đã bị Liên Xô đè bẹp bằng cuộc can thiệp quân sự ngày 20-8.

Tuy thất bại, nhưng Mùa xuân Prague lại là khởi điểm của phong trào đối lập dân chủ Tiệp Khắc, hoạt động âm ỉ và lên tới đỉnh cao với Hiến chương 77, biểu tượng quan trọng bậc nhất của cuộc chiến chống lại thể chế toàn trị không chỉ ở Tiệp Khắc, mà còn trong toàn vùng Đông Âu nửa cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 thế kỷ trước.


Mùa xuân Prague, 1968


Đặt căn bản trên những cam kết của Tiệp Khắc trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền Helsinki, Hiến chương 77 - với phát ngôn viên là Vaclav Havel - nhấn mạnh rằng Tiệp Khắc đã vi phạm dân quyền và quyền con người, rằng tại xứ sở này, pháp luật không hề được coi trọng.

Quy tụ những sáng lập viên nổi tiếng thuộc nhiều giai tầng xã hội (văn sĩ, nghệ sĩ, chính khách, nhà tư tưởng…), Hiến chương 77 tuyên bố không phải là một phong trào chính trị đối lập, mà là một tập hợp dân sự muốn đối thoại với chính quyền trước tình trạng những quyền căn bản của công dân bị vi phạm

Cho dù bị coi là “phản quốc”, “phản cách mạng”, các thành viên bị đàn áp, tù đày, trù dập, nhưng tinh thần Hiến chương 77 – cùng những nỗ lực dân chủ của Mùa xuân Prague – đã là động lực cơ bản cho biến chuyển 1989 ở Tiệp Khắc.

“Vài câu” làm rung chuyển Tiệp Khắc cộng sản

Trong năm 1989 đầy biến động ở Đông Âu, sau những biến cố lớn làm rung chuyển thể chế cũ tại Ba Lan và Hungary, vào tháng 6-1989, Tiệp Khắc cũng có sự biến chuyển của riêng mình với sự ra đời của lời kêu gọi mang tên “Vài câu” (Několik vět).

Đây là “sáng kiến” của Vaclav Havel, được coi là đề xướng đối lập đầu tiên kể từ khi Mùa xuân Prague bị dập tắt tại Tiệp Khắc, mà được sự hưởng ứng của đông đảo các giai tầng trong xã hội.

Vaclav Havel, khi ấy, vừa được trả tự do vào tháng 5, sau khi bị bắt vào tháng 1-1989 sau những cuộc biểu tình ở Prague nhân kỷ niệm 20 vụ tự thiêu của sinh viên Jan Palach để chống lại sự can thiệp quân sự của Khối Hiệp ước Warsaw vào Tiệp Khắc.

Thoạt tiên, “Vài câu” được đăng trên tờ báo “chui” “Lidové Noviny” ngày 22-6, và được biết đến rộng rãi sau đó 1 tuần khi Đài Châu Âu Tự Do đọc toàn văn lời kêu gọi và tên tuổi những người đầu tiên đã ký nó.

Hồi tưởng khung cảnh thời bấy giờ, Vaclav Havel cho biết: sau khi được trả tự do, ông được biết là rất nhiều người - đặc biệt là giới nghệ sĩ - ủng hộ phe dân chủ và họ đã tổ chức rất nhiều hoạt động phản đối và thu thập chữ ký. Vaclav Havel cảm thấy đây là cơ hội cần nắm bắt để đấu tranh cho dân chủ vì “trên bức tường phân cách phe đối lập và xã hội đã có vết rạn”.

“Vài câu” đã ra đời như thế và những người chấp bút lời kêu gọi này đã để tên tuổi và địa chỉ một cách công khai. Mục đích của họ là làm sao để lời kêu gọi không đi quá xa, để nó đi vào lòng thật nhiểu giai tầng trong xã hội.

Các tác giả của “Vài câu” đã kêu gọi Ban lãnh đạo Tiệp Khắc hãy thay đổi thể chế và xã hội một cách cơ bản với những đòi hỏi như trả tự do cho các tù chính trị, thừa nhận quyền tự tu hội họp và các đề xướng độc lập, thực hiện tự do báo chí và ngôn luận, thỏa mãn những nhu cầu hợp lý của các công dân theo tín ngưỡng, chấp nhận tranh luận cởi mở và công khai về Mùa xuân Prague…

Ngay trong tuần đầu, đã có 1.800 người ký tên vào lời kêu gọi, trong số đó, ngoài những nhân vật đối lập quen biết, còn có nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng, có địa vị trong xã hội đương thời. Cũng như đối với Hiến chương 77, Ban lãnh đạo Tiệp Khắc đã lập tức mở chiến dịch đàn áp nhiều nhân vật có tiếng đã đặt bút ký bản kêu gọi, nhưng con số ấy ngày một tăng và đạt mức 40 ngàn người cho đến thời điểm 17-11.

Tháng 9-1989, phe đối lập đã chính thức trao “Vài câu” cho chính phủ Tiệp Khắc, tuy nhiên, thủ tướng Ladislav Adamec, cho dù theo xu hướng cải tổ, cũng chỉ biết hứa hẹn mà không có được câu trả lời cho bản kêu gọi. Như vậy, về căn bản, đối thoại hòa bình giữa chính quyền và phe đối lập đã không diễn ra, đây là lý do khiến phải có một cuộc cách mạng để thay đổi thể chế.

10 ngày của Cách mạng nhung

Ngày 17-11-1989, sinh viên thủ đô Prague đã tiến hành một cuộc tuần hành ôn hòa trong im lặng để tưởng nhớ 1 sự kiện xảy ra trước đó nửa thế kỷ, khi một sinh viên Y khoa đã thiệt mạng trong cuộc biểu tình chống sự xâm lăng của phát-xít Đức. Xuất phát từ một lễ tưởng niệm hợp pháp, đoàn người đã chuyển sang cuộc biểu tình đòi tự do, dân chủ và đổi mới.

Vào thời điểm đó, Đông Đức vừa phá đổ bức tường Berlin, Hungary đang chuẩn bị cho kỳ trưng cầu dân ý đầu tiên của thời dân chủ, còn tại Ba Lan, phe đối lập và chế độ cũ đã thỏa thuận được về lộ trình của thời kỳ chuyển tiếp. Tuy nhiên, ở Tiệp Khắc, vẫn chưa hề thấy những dấu hiệu rõ rệt của sự thay đổi về phía Ban lãnh đạo cộng sản.
 

Cảnh sát đàn áp cuộc tuần hành ôn hòa - Ảnh: AFP


Có điều, hoảng hốt trước làn sóng biểu tình, cảnh sát đã được lệnh ra tay đàn áp. Dồn dập những thông tin được truyền miệng về con số thương vong, và đặc biệt là tin về cái chết của một sinh viên, sau này được kiểm chứng là thất thiệt, nhưng đã khiến dòng người biểu tình tăng hàng phút, hàng giờ. Các nguồn tin đương thời loan rằng “tất cả mọi người đã ra đường” tại hai đô thị lớn Prague và Bratislava, và khi đó, quân đội cũng nhận ra rằng tốt nhất là họ đừng can thiệp.

Một ngày sau, Diễn đàn Dân (Civil Forum) sự được thành lập với mục đích tổ chức phong trào đối lập và tiến hành đàm phán với chính quyền.

Bắt đầu từ ngày 19-11-1989, những cuộc biểu tình lớn của Tiệp Khắc diễn ra liên tiếp trên toàn quốc. Ngày 20-11, số lượng người tham gia biểu tình tại thủ đô Prague đã tăng từ 200.000 người ngày hôm trước lên tới nửa triệu người.

Ngày 27-11, tổng đình công được tuyên bố trên toàn quốc, khiến bộ máy chính quyền tê liệt. Hôm sau, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc tuyên bố từ bỏ quyền lực và giải tán chế độ độc đảng: Cách mạng nhung đã giành được thắng lợi vô cùng quan trọng trong vỏn vẹn 10 ngày!

Đầu tháng 12, Bức màn sắt trên biên giới Tiệp Khắc với Tây Đức và Áo được dỡ bỏ. Ngày 10-12, lãnh tụ bảo thủ Gustav Husak buộc phải chỉ định một chính phủ phần lớn là các thành viên không cộng sản, rồi đó từ chức.

Trong những diễn biến sau đó, Alexander Ducek, người anh hùng của Mùa xuân Prague được cử làm phát ngôn viên của Chính phủ Liên bang vào ngày 28-12 và Vaclav Havel được bầu làm tổng thống mới của Tiệp Khắc.

Cách mạng nhung kết thúc vào tháng 6-1990, khi một cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên từ năm 1946 đã được tổ chức tại Tiệp Khắc để thành lập chính phủ mới.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn