20 năm trước: CHÍNH BIẾN ĐẪM MÁU TẠI ROMANIA (1)

Thứ tư - 23/12/2009 05:57

(NCTG) Tháng 12-1989. Chỉ trong vòng mươi ngày, thể chế của Nicolae Ceauşescu đã bị lật đổ với cái chết thảm thương và đến giờ vẫn gây nên nhiều tranh cãi của cặp vợ chồng nhà độc tài. Cách mạng hay đảo chính, âm mưu của nước ngoài hay ý nguyện của người dân…, đấy là những gì mà sau 20 năm, chúng ta vẫn chưa có câu trả lời thống nhất.


Cặp vợ chồng nhà độc tàiCeauşescu

Ngày 16-12-1989, tại Timişoara, đám đông đã ngăn cản việc chính quyền muốn cưỡng bức mục sư Tin lành (gốc Hungary) Tőkés László - người có quan điểm đối lập với chính quyền - phải rời nơi cư ngụ.

Trong những ngày sau, chính quyền tìm cách dùng bạo lực để đàn áp các cuộc biểu tình, nhưng vô hiệu: dần dần, cư dân các tỉnh thành trên toàn quốc và cả thủ đô cũng ồ ạt xuống đường.

Một cuộc khởi nghĩa, rồi cách mạng (hay đảo chính) đã cuốn đi sự ngự trị trong hơn ba thập niên của “Người chỉ đường” (Conducător) Nicolae Ceauşescu trong vòng chưa đầy 2 tuần lễ.

Câu hỏi được đặt ra: mọi sự đã diễn ra như thế nào? Tại sao Nicolae Ceauşescu thất bại và trong số các lãnh tụ cộng sản khu vực Đông Trung Âu, chỉ mình ông có kết cục bi thảm nhất? Bài viết 4 phần sau đây hy vọng sẽ đưa lại một số thông tin khách quan và đa chiều cho bạn đọc về biến cố cách đây hai thập niên tại Romania.

Khủng hoảng và chứng cuồng “hoàng tráng”

Những gì xảy ra vào tháng 12-1989 và sau đó tại Romania, cho đến nay, vẫn là đề tài cửa miệng và quan trọng của dân xứ này, và thường xuyên được truyền thông đả động tới. Không chỉ nhân dịp 20 năm nhìn lại, mà hầu như những hồi tưởng, phóng sự, những lời phân bua, giảng giải hoặc “phát hiện” động trời về cuộc cách mạng và những hậu quả của nó cũng luôn xuất hiện ở Romania.

Tuy nhiên, cho dù đã có vô số tư liệu, bài viết, hồ sơ… được công bố, những dấu hỏi liên quan tới sự kiện 1989 không giảm, mà chỉ tăng theo thời gian. Những nhận định được đưa ra - thường là mâu thuẫn nhau - chỉ càng khiến hình ảnh tổng thể trở nên nhiễu loạn hơn.

Đồng thời, sự đánh giá quá khứ cũng không đồng nhất: bởi lẽ, đối với một số giai tầng, lãnh tụ Nicolae Ceauşescu và thể chế của ông đồng nghĩa với biểu tượng của khủng bố, áp bức và đói nghèo, nhưng đối với không ít người lại là sự đảm bảo và ổn định tương đối về mặt xã hội.

Vì thế, rất cần thiết phải điểm lại một số thực tế, khi chúng ta muốn nhìn nhận hai thập niên trước một cách khách quan.

Cuối năm 1989, Nicolae Ceauşescu và những cận thần gần gũi nhất bắt đầu rơi vào cảnh khó khăn. Xét trên phương diện ngoại giao, vào thập niên 80 thế kỷ trước, Romania đã hoàn toàn bị cách ly với thế giới bên ngoài, cho dù trước đó, trên cương vị người đứng đầu một “thành viên bất trị” của khối XHCN, Nicolae Ceauşescu còn tương đối được ưa chuộng ở Phương Tây.

Tuy nhiên, với thời gian, những tiếng nói phê phán thể chế Ceauşescu đến từ nước ngoài ngày càng tăng, đặc biệt là khi Liên Xô thực hiện quá trình cải tổ và công khai, Romania đã đánh mất vị thế “đặc quyền” trong con mắt Phương Tây và kèm theo đó, sự ủng hộ của thế giới tư bản cũng ra đi.

Đến lúc mô hình CNXH nhà nước bắt đầu rạn nứt tại khu vực Trung Đông Âu, thể chế tân-Stalinist của Ceauşescu không thể tính đến sự cảm thông của Gorbachev (người có tư tưởng cải tổ) và với sự sụp đổ của những đồng minh lớn – các chính khách bảo thủ Tiệp Khắc và Đông Đức -, Ceauşescu chỉ còn lại đơn độc một mình. Thậm chí, tháng 11-1989, làn sóng đổi mới cũng bắt đầu thổi vào Romania.

Tuy nhiên, trong cảnh khối XHCN ở Đông Trung Âu đã đồng loạt tan rã, tại Romania dường như mọi sự vẫn yên ổn, cho dù chính sách kinh tế sai lầm của Ban lãnh đạo nước này đã đẩy nền kinh tế và người dân vào cảnh vô cùng tệ hại.

Lẽ ra phải cải tổ cơ cấu, thì Ceauşescu vẫn tiếp tục theo con đường công nghiệp hóa cưỡng bức, đồng thời, ông đưa ra biện pháp “chế ngự khủng hoảng” đặc biệt bằng cách đặt mục tiêu trả hết các khoản nợ nước ngoài bằng mọi giá.

Cho đến năm 1989, do tăng cường xuất khẩu và giảm thiểu nhập khẩu, mức sống của người dân Romania sụt giảm ở mức độ khủng khiếp. Đa số các cửa hiệu đều trống rỗng và nếu có chút hàng hóa được chở tới, chỉ trong nháy mắt người dân đã xếp hàng rồng rắn để chờ đến lượt.

Xăng dầu và các liệu nhiên liệu khác thường xuyên thiếu thốn, điện và nước cũng không có đều, tại những khu chung cư rộng lớn và cách nhiệt rất tồi tệ được xây hàng loạt trong quá trình đô thị hóa kéo dài mấy thập kỷ, người dân rét mướt vì không mấy khi có sưởi tử tế.

Trong khi đó, chứng cuồng “hoành tráng” của Ceauşescu không giảm. Việc xây dựng những “công trình thế kỷ” như kênh đào nối Danube và Hắc Hải, trung tâm mới của thủ đô – mà ở giữa là tòa Nhà Cộng hòa đồ sộ (nay là Nhà Quốc hội Romania) - chỉ càng làm tăng sự bất bình trong dân chúng.

Đồng thời, sự sùng bái cá nhân lãnh tụ lên tới cao điểm và trở nên lố bịch. Vô số những mỹ từ được sử dụng một cách chính thức và vô độ cho Nicolae Ceauşescu, còn vợ của ông, bà Elena, chỉ tốt nghiệp lớp 4 cũng được phong kỹ sư hóa học, rồi giữ chức chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Romania, bên cạnh những cương vị chính trị lớn khác.

Khủng hoảng càng được gia tăng khi Nicolae Ceauşescu không chấp nhận bất cứ lời phê bình nào, cho dù sự phản biện xã hội - nếu có ở Romania – cũng là rất nhỏ nhoi, không đáng kể. Với hệ thống chỉ điểm rất phát triển, cùng sự hoạt động hữu hiệu của cơ quan mật vụ chính trị khét tiếng Securitate, chính quyền có khả năng kiểm tra và “quản lý” cư dân một cách chặt chẽ nhất.

Một vài nhân vật đối lập (như các nhà văn Doina Cornea, Paul Goma, nhà thơ Mircea Dinescu) và một số đề xuất mang tính đối kháng (sách báo “chui”) đều bị cách ly và xóa sổ. Hành động phản kháng lớn nhất của giới công nhân - cuộc đình công của thợ thuyền Braşov năm 1987) bị đàn áp thẳng tay.

Cuối cùng, Đại hội Đảng Cộng sản Romania lần thứ 14 diễn ra cuối tháng 11-1989 cho thấy, Ceauşescu không hề có ý muốn thay đổi, cho dù thế giới quanh ông đã không còn như xưa…

Trần Lê – Còn tiếp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn