20 năm trước: CHÍNH BIẾN ĐẪM MÁU TẠI ROMANIA (3)

Thứ sáu - 25/12/2009 14:05

(NCTG) Cho đến khi cặp vợ chồng Ceauşescu bị bắt giữ, gần như cả đất nước Romania đã vùng dậy. Thoạt tiên, những cuộc biểu tình, xuống đường lan từ Timişoara sang các đô thị lân cận, rồi các tỉnh khác, xa hơn.


Sức mạnh của nhân dân trong chính biến tháng 12-1989 tại Romania


Cuộc chiến “ma”

Đến ngày 21-12, biểu tình đã diễn ra hàng loạt tại các thành phố lớn như Oradea, Arad, Cluj-Napoca, Târgu Mureş, Braşov… Trong nhiều trường hợp, những cuộc tuần hành đã trở thành đụng độ với lực lượng an ninh, khiến nhiều người thiệt mạng.

Sau khi quân đội đứng về phe khởi nghĩa, tại nhiều nơi, quân khởi nghĩa đã phá các trụ sở của cảnh sát và mật vụ chính trị, cũng như của các tổ chức đảng địa phương. Không ít thành viên của chế độ Ceauşescu bị đám đông cuồng nộ “trừng trị”, thậm chí giết hại.

Tại thủ đô Bucharest, sau khi cặp vợ chồng Ceauşescu trốn chạy, câu hỏi lớn nhất là ai sẽ lên thay họ. Tác giả Peter Siani-Davies, trong cuốn sách về cách mạng Romania, đã điểm lại một số thử nghiệm lớn nhỏ trong vấn đề này. Chẳng hạn, ngay thủ tướng của chế độ cộng sản Dăscălescu cũng muốn lập nội các mới, nhưng khi ông vừa tuyên bố đã bị quần chúng la ó, huýt sáo phản đối nên đành bỏ ngay ý định đó và từ chức.

Dăscălescu chỉ là một trong hằng hà sa số các “nhà cách mạng” và “thủ lĩnh nhân dân” tự xưng: theo Peter Siani-Davies, trong những giờ khắc ấy, “tại mọi tầng và mọi góc” của tòa nhà Trung ương đảng đã bị chiếm, có tới 14 “nội các” được thành lập và một trong những “nội các” ấy có các thành viên là một tài xế taxi, 1 quân nhân, 1 diễn viên đóng vai phụ, 1 nhà xã hội học và 1 điêu khắc gia!

Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, trung tâm các sự kiện được chuyển về trụ sở Đài Truyền hình Romania. Tại đây, đã tập trung một nhóm nghệ sĩ, rồi các sĩ quan và các cán bộ đảng cũng gia nhập “ê-kíp” này. Tận dụng những phương tiện truyền hình, họ đã đưa được thông điệp tới toàn dân và sử dụng Đài Truyền hình – mà họ gọi bằng tên mới là Truyền hình Romania Tự do – làm công cụ để chứng tỏ tính hợp thức của mình.

Thời gian sau đó, một số nhân vật có ảnh hưởng trong cuộc chính biến 1989 đã xuất hiện tại đây: Ion Iliescu, Silviu Brucan, Petre Roman, Gelu Voican Voiculescu, v.v… Iliescu, một cựu cán bộ đảng cao cấp, bị thất sủng vì phê phán Ceauşescu, lúc đó nhân danh Mặt trận Cứu quốc - tổ chức tạm thời nắm quyền lực trong giai đoạn chuyển tiếp – tuyên bố rằng Ceauşescu là thủ phạm chính của cuộc khủng hoảng mà Romania gặp phải.

Ngay trong tối hôm đó, Hội đồng Mặt trận Cứu quốc được thành lập với mục đích tạm thời nắm quyền, với bản chương trình 11 điểm, đặt mục tiêu dân chủ hóa Romania, tái cơ cấu nền kinh tế và giáo dục, đặt ra đường lối đối ngoại mới, tôn trọng nhân quyền và quyền lợi của các sắc tộc thiểu số, v.v…

39 nhân vật có uy tín đã góp mặt trong Hội đồng: bên cạnh những nhà đối lập có tiếng (Doina Cornea, Tőkés László, Mircea Dinescu), có các sĩ quan quân đội (Stănculescu, Ştefan Guşă), các cựu cán bộ đảng (Iliescu, Brucan, Alexandru Bârlădeanu), các nhân vật mới xuất hiện trong biến cố cách mạng (Petre Roman)...

Tuy nhiên, quyền lực thực sự nằm trong tay bè đảng của Iliescu. Một trong những biện pháp quan trọng nhất của Ban lãnh đạo mới là xét xử và hành quyết cặp vợ chồng Ceauşescu. Ngày 24-12, một quyết định được đưa ra: phải lập tức đưa ra tòa hai vị lãnh tụ thất thế, đang bị giam giữ tại một doanh trại quân đội ở thành phố Târgovişte. Hôm sau, vào đúng dịp Giáng sinh, trong một “phiên tòa” kéo dài chừng 1 giờ, vợ chồng Ceauşescu bị buộc tội diệt chủng và các tội phản quốc khác.

Từ đầu đến cuối, Ceauşescu luôn phủ nhận tính hợp thức của phiên tòa và tuyên bố: ông chỉ hợp tác trước Quốc hội và rằng, ông là nạn nhân của một âm mưu phản trắc của nước ngoài. Bị kết án tử hình, hai vợ chồng nhà độc tài bị bắn chết ngay sau khi bước ra sân ngoài phòng xử án.

Cho dù, một phần băng ghi hình cuộc xét xử và hành quyết được chiếu lại trên truyền hình, rất nhiều người vẫn nghi ngờ rằng có thể không phải Ceauşescu - mà một người đóng thế ông – đã bị bắn chết. Về sau, việc phải mở một phiên xử tùy tiện và không hề mang tính pháp lý như vậy được lý giải là bởi nguy cơ khủng bố của các lực lượng chống đối, nhưng toàn bộ sự kiện này là một “điểm đen” của chính quyền mới.

Mặc dù Ban lãnh đạo mới được hình thành khá nhanh, cuộc chiến còn tiếp tục trong nhiều ngày với những dấu hỏi tới nay vẫn chưa được giải đáp. Ngay trong đêm 22-12, tại nhiều nơi đã xảy ra những cuộc đọ súng ngày một gia tăng. Các bản tin nhắc tới những kẻ “khủng bố” “ngăn cản bước tiến của cách mạng”, và quân đội lại được điều ra đường phố.

Những kẻ lạ mặt ấn náu và xả súng vào người dân, binh lính và các tòa nhà chính quyền được gọi bằng cái tên “kẻ thù của cách mạng”, “khủng bố”, nhưng nhân thân - và đặc biệt là mục đích của họ - vẫn không được làm sáng tỏ. Trong cuốn sách về cách mạng 1989, tác giả Ruxandra Cesereanu đưa ra 10 khả năng liên quan tới các nhóm “khủng bố” này, chẳng hạn: các lực lượng trung thành với Ceauşescu trong Securitate; những đơn vị đặc biệt của “Người chỉ đường”, đa phần được tuyển từ các trại trẻ mồ côi; lính đánh thuê Ả Rập; điệp viên, binh lính nước ngoài (Liên Xô, Hungary…)

Không loại trừ khả năng các “đạo quân ma” này chính là những đơn vị quân đội, nội vụ và lực lượng đặc biệt, được giới lãnh đạo mới sử dụng như con bài để chia chác và phân bổ quyền lực. Cạnh tin tức về quân “phản cách mạng”, còn vô số những nguồn tin đồn thổi – sau này được xác nhận là hoàn toàn vô cơ sở - khiến người dân càng hoảng hốt, về hệ thống hầm ngầm dưới thủ đô Bucharest, về nguồn nước uống bị quân “khủng bố” rải thuốc độc, v.v…

Những cuộc đọ súng giảm dần sau cái chết của vợ chồng Ceauşescu ngày 25-12, rồi chấm dứt sau chừng 1 tuần. Mặc dù người đứng đầu cơ quan mật vụ chính trị Securitate, tướng Iulian Vlad nhiều lần nhấn mạnh rằng các đơn vị của ông đứng về phía cách mạng, sự tình nghi chủ yếu đặt vào Securitate vẫn được duy trì. Chẳng bao lâu, Vlad bị cách chức và bắt giữ. Trong những ngày đó, vài trăm kẻ “khủng bố” đã bị bắt, nhưng về sau, không ai bị xét xử với tội danh khủng bố.

Cho đến giờ, những điểm mờ ám xảy ra trong thời gian sau ngày 22-12 vẫn không có lời đáp thuyết phục. Một thực tế là trong giai đoạn ấy, cuộc chiến “ma” đã gây ra cái chết của 942 người (trên tổng số 1.104 người), và khiến 2.251 người bị thương (trên tổng số 3.352 người). Đa số nạn nhân ở thủ đô Bucharest và đều là thường dân, nhưng trong số đó còn có giới binh lính và các nhân viên nội vụ.

Trần Lê – Còn tiếp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn