Theo tuần báo “Focus” và tờ “Frankfurter Allgemeine Zeitung” số ra cuối tháng 3-2010, tòa án hữu quan bang Zürich (Thụy Sĩ) đã ra một phán quyết chấm dứt cuộc tranh cãi về luật pháp kéo dài gần 18 năm nay, và buộc ngân hàng Áo Bank Austria (thuộc tập đoàn ngân hàng UniCredit) phải trả cho nước Đức tổng cộng chừng 128 triệu Euro kèm lãi suất.
Trong thực tế, đây là khoản tiền tương đương với 250 triệu DM (đơn vị tiền Đông Đức cũ), đã biến mất năm 1992 từ tài khoản của Novum, hãng thương mại Đông Đức một thời. Theo bản cáo trạng, thời gian đó, Bank Austria và chi nhánh tại Thụy Sĩ đã hợp tác để biển thủ khoản tiền đó.
Dạo ấy, 250 triệu DM thuộc sở hữu của Novum. Theo luật định của CHDC Đức, nếu một doanh nghiệp Phương Tây muốn thiết lập quan hệ kinh doanh với bất cứ hãng nào của Đông Đức, họ phải trả cho Novum một khoản “hỏa hồng” bắt buộc - khoản tiền này sau sẽ được “sung quỹ” Đảng Cộng sản Đức, hoặc đưa vào ngân sách nhà nước.
Lãnh đạo Novum khi đó là bà Rudolfine Steindling, một nữ doanh nhân người Vienna, đảng viên Đảng Cộng sản Áo, thường được gọi bằng cái tên “Fini đỏ”. Sau biến chuyển đầu thập niên 90, bà Steindling khẳng định rằng việc quản lý tài sản của Novum đã được trao cho Đảng Cộng sản Áo, từ khi đó, tiền của Novum thuộc về đảng, và nó được đặt tại các tài khoản vô danh của Bank Austria hoặc chi nhánh tại Zürich. Tuy nhiên, số tiền đó về sau đã “mất dạng”.
Chính quyền CHLB Đức có quan điểm khác về việc này: họ cho rằng Novum là một doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với Đảng Cộng sản Đông Đức, cho nên tiền trong tài khoản phải thuộc về nước Đức. Cụ thể hơn, chiểu theo Hiệp định Hợp nhất, nó thuộc về các tỉnh phía Đông, từng là CHDC Đức.
Năm 1994, thủ tướng Đức Helmut Kohl đã từng cho mở một cuộc điều tra trong vụ này. Tuy nhiên, CHLB Đức đã thua trong vụ kiện đầu đối với Bank Austria, mặc dầu Tòa án Hành chính Tối cao Berlin đã khẳng định rằng Novum và tài sản của công ty này thuộc về tài sản của Đảng Cộng sản Đông Đức, do đó khoản tiền kể trên phải được trả lại cho CHLB Đức.
Cuối tháng Ba vừa rồi, các thẩm phán Zürich đã “hiệu chỉnh” lại phán quyết trước đây. Theo họ, Bank Austria và chi nhánh tại Thụy Sĩ đã phối hợp trong sự biển thủ khoản tiền đó. Xuất phát từ quan điểm này, Bank Austria bị buộc phải chi trả tổng cộng 128 triệu Euro (kèm lãi suất) cho nước Đức.
Trong trường hợp phán quyết này có hiệu lực pháp lý, các tỉnh cũ thuộc Đông Đức sẽ được hưởng số tiền trên.
Trần Lê, theo Hãng Thông tấn Hungary MTI
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn