NHỮNG CON PHỐ MANG TÊN KOSSUTH TẠI HOA KỲ

Thứ sáu - 21/05/2010 14:53

(NCTG) Thành phố Lafayette ở bang Indiana nước Mỹ có một con đường tên là Kossuth. Mới đây (hôm 16-5), một người Mỹ tên là Kriebel, ngụ tại đường Wildcat Bluffs, Lafayette, đã có bài viết trên blog giải thích cho các độc giả xuất xứ của tên đường này.


Anh hùng dân tộc Hungary được đón tiếp long trọng tại Mỹ


Kriebel cho hay: “Louis Kossuth (Kossuth Lajos) không phải người Mỹ, không phải người da đỏ, cũng chẳng phải một vị cựu tổng thống Hoa Kỳ nào cả. Kossuth (1802-1894) là một luật sư, nhà văn, nhà hùng biện và chính trị gia người Hungary. Năm 1849, ông được chỉ định làm thống đốc Hungary.

Ông được vinh danh ở Hoa Kỳ và nhiều nơi khác trên thế giới như một chiến sĩ đấu tranh cho tự do và cho sự lên ngôi của dân chủ ở châu Âu. Năm 1853, Kossuth thăm Mỹ, và thành phố Lafayette đã lấy tên ông đặt cho tên một con đường ở đây”.

Kriebel cũng cho các độc giả Mỹ biết thêm thông tin về Kossuth. Theo blog Kriebel, sức mạnh của Kossuth ở Hungary đã chấm dứt vì những can thiệp chính trị từ bên ngoài. Ông đã cố gắng làm “nhiếp chính” cho tổng thống để làm vừa lòng cả phe hoàng gia lẫn phe dân chủ, song can thiệp từ Nga khiến ông thất vọng.

Tháng 8-1849, Kossuth trốn khỏi Hungary. Ông vượt qua biên giới, chạy sang tị nạn ở đế quốc Ottoman láng giềng và sống trong tình trạng bị quản thúc tại gia. Tháng 9-1851, đế quốc Ottoman cho phép Kosssuth ra đi.

Những người ủng hộ chào đón ông ở Pháp. Ông cũng được chào đón và tôn vinh ở Anh, và đã sống ở Anh vài tuần. Nhưng sau đó, Kossuth chuyển sang Mỹ, là nơi sự đón nhận đối với ông rất nhiệt tình. Ông là công dân ngoại quốc thứ hai (sau tướng Lafayette người Pháp) được mời diễn thuyết ở Đại sảnh đường Cẩm thạch Quốc gia (National Statuary Hall), tại Washington, D.C.

Những người ủng hộ chủ trương bãi nô, các thành viên hội Tam điểm, và người Tin Lành ở Mỹ nói chung rất hoan nghênh Kossuth; nhưng người Công giáo, nhất là dân Ireland, và những người ủng hộ chế độ nô lệ thì phản đối ông. Quan điểm chính trị và phong cách cứng rắn của Kossuth khiến ông khó gây ảnh hưởng trong cộng đồng người Hungary lưu vong.

Nhiều năm trời, ông đấu tranh cho một Hungary hoàn toàn độc lập. Ông vẫn là một nhân vật được ưa thích, nhưng không chịu để cho tên mình gắn với bất kỳ sự nghiệp chính trị nào. Cuối cùng, năm 1879, một đạo luật đã tướ́c quyền công dân của Kossuth và những người khác vắng mặt ở Hungary từ 10 năm trở lên.

Kossuth mất tại Italy, được chôn cất ở Budapest. Tượng của ông do những người tình nguyện quyên góp lập nên hiện vẫn đặt tại một nghĩa trang Budapest. Nhiều người coi Kossuth là nhà yêu nước và hùng biện vĩ đại nhất, trong khi nhiều người khác lại cho rằng ông mang tới nô dịch hóa hơn là độc lập.

Tượng của ông còn được đặt ở Tòa nhà Quốc hội (U.S. Capitol) ở Washington. Hạt Kossuth, Iowa, cũng vinh danh ông. Ở bang Ohio và bang Mississippi đều có thị trấn Kossuth.

Kriebel liệt kê thêm vài con đường có tên Kossuth: “Ở Bronx, Utica, Bohemia thuộc bang New York, hay tại Neward bang New Jersey, cũng như tại Lafayette, bang Indiana, đều có đường phố mang tên Kossuth”.

Hoàng Thư, theo jconline.com


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn