90 năm sự kiện Trianon: MÙNG 4-6, NGÀY KỶ NIỆM ĐOÀN KẾT DÂN TỘC HUNGARY

Thứ sáu - 04/06/2010 22:10

(NCTG) Vào ngày cuối cùng của tháng 5-2010, Quốc hội mới của Cộng hòa Hungary đã thông qua đạo luật tuyên bố mùng 4-6 - thời điểm ký kết Hiệp ước Hòa bình Trianon - là Ngày Kỷ niệm Đoàn kết Dân tộc của đất nước này.


“Tứ cường” - thủ tướng Anh Lloyd George, thủ tướng Ý Orlando, thủ tướng Pháp Clemenceau và tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson - những người đặt điều kiện cho nền hòa bình ở Hungary

Với quyết định trên, Quốc hội Hungary đã tiếp cận những tình cảm thiêng liêng trong tâm thức mọi người dân Hungary, khi hướng về một biến cố được coi là bi thảm nhất trong lịch sử 1.100 năm của xứ sở Hungary!

Hòa bình trong đớn đau

Sau thất bại trong Đệ nhất Thế chiến (1914-1918), những điều kiện của nền hòa bình tại Hungary đã được xác định tại Hội nghị Hòa bình Paris (kéo dài trong hai năm 1919-1920) mà không có sự tham dự của phe thua cuộc. Thông qua các hiệp ước hòa bình kết thúc Thế chiến, các cường quốc thắng trận muốn thiết lập một trật tự mới cho Châu Âu và trong ván cờ ấy, Hungary là quốc gia chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Mãi đến ngày 16-1-1920, khi tất cả mọi việc đã được an bài bởi các “nước lớn”, trưởng đoàn đàm phán Hungary - bá tước Apponyi Albert, nhà bác học và nhà ái quốc vĩ đại của dân tộc Hungary - mới có dịp trình bày quan điểm của phía Hungary trước Hội đồng Hòa bình Tối cao, sau hơn 1 tuần bị quản thúc tại gia ở ngoại ô Paris và không được tham dự các cuộc thương thảo.

Bằng việc xuất trình các văn kiện và bản đồ, Apponyi - “người Hungary vĩ đại nhất trong số những người còn sống” - cố gắng nhấn mạnh những luận cứ trên các góc độ dân số, địa lý, lịch sử và luật pháp, nhưng những lời lẽ thống thiết của vị bá tước bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, sau đó tổng kết bằng tiếng Ý (đây được coi là một trong những phát biểu lừng danh nhất của thế kỷ XX) đã hoàn toàn rơi vào khoảng không trống rỗng!


La galerie des Cotelles, hành lang dài 52 m và rộng 7 m, nối liền với Lâu đài Đại Trianon, nơi Hiệp ước Hòa bình Trianon chia cắt Hungary được ký kết


Những điều kiện của một nền hòa bình ở Hungary được trao cho phía Hung vào tháng 5-1920 và sau khi đọc xong văn kiện, cả phái đoàn đàm phán nước này đã từ chức. Do đó, Hiệp ước Hòa bình do bộ trưởng Bộ Phúc lợi và Lao động Benárd Ágost và đại sứ đặc mệnh toàn quyền Drasche-Lázár Alfréd đặt bút ký vào ngày 4-6-1920 tại Lâu đài Đại Trianon (Grand Trianon, Versailles, Pháp).

Đúng vào phút Hiệp ước được ký tại ngoại ô Paris, ở Hungary, chuông nhà thờ được gióng lên trên toàn quốc, các cửa hiệu đóng cửa và giao thông ngừng lại trong 10 phút. Người dân Hungary đã để tang như thế cho một nền hòa bình đau đớn!

Bản hiệp ước định mệnh

Dài 130 trang, gồm 14 phần, 364 điểm và vô số phụ lục, Hiệp ước Hòa bình Trianon chứa những điều khoản hết sức bất công và nhục nhã đối với Vương quốc Hungary.

Hiệp ước Trianon tuyên bố sự độc lập của Hungary, xác định biên giới của nước này và cấm Hungary quan hệ với bất cứ liên minh nào mà không được sự cho phép của Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hiệp Quốc).

Hungary chỉ được duy trì một đạo quân có quân số tối đa 35 ngàn binh lính, nước này bị cấm dùng vũ khí hạng nặng và phải chấm dứt chế độ quân dịch, việc sản xuất vũ khí bị hạn chế.

Kể từ ngày 1-5-1921, trong vòng 30 năm, Hungary phải bồi thường chiến tranh, mọi tài sản và doanh thu quốc gia đều bị cầm cố. Trong thương mại quốc tế, Hungary phải có những ưu tiên lớn nhất cho các cường quốc thắng trận.


Khoảnh khắc bi thương của lịch sử Hungary: 16 giờ 30 phút ngày 4-6-1920, La galerie des Cotelles, Lâu đài Đại Trianon (Versailles). Người đứng giữa là bá tước Apponyi Albert, được công luận Anh - Mỹ gọi bằng cái tên “Đại lão trượng của vùng Đông Âu” (The Grand Old Man of Central Europe)


Hiệp ước Trianon cũng tuyên bố giải thể Đế chế (nền quân chủ) Áo - Hungary và do đó, một phần rất đáng kể của lãnh thổ nước này bị chuyển giao cho Tiệp Khắc, Romania, Ba Lan, Áo và Vương quốc Serbia - Croatia - Slovenia.

Chỉ bằng những nét bút ký, Hungary đánh mất 72% diện tích (từ 293 ngàn km2 còn 93 ngàn km2), hơn 84% dân số (từ 20,9 triệu năm 1910 còn 7,6 triệu), 38% sản lượng công nghiệp và 67% tổng thu nhập quốc gia. Nhưng bi thảm hơn cả là chỉ trong một đêm, một phần ba người Hungary (chừng 3,2 triệu người) trở thành những kẻ bơ vơ trên xứ lạ!

Những nỗ lực xét lại

Không còn cách lựa chọn nào khác, Quốc hội Hungary phê chuẩn Hiệp ước Hòa bình Trianon ngày 15-11-1920 và đưa vào đạo luật số XXXIII (ngày 26-7-1921) việc thực thi Hiệp định.

Một điều an ủi nhỏ là thành phố biên giới Sopron và vùng lân cận, khi có khả năng lựa chọn tiếp tục thuộc về Hungary, hay sát nhập vào Áo, đã chọn đất mẹ Hungary trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 14/16-12-1921. Với quyết định này, từ ngày ấy, Sopron được biết đến với danh hiệu “Thành phố trung thành nhất” (Civitas fidelissima) của Hungary.

Sự kiện Trianon khiến xã hội và công luận Hungary chấn động. Ngay khi những cuộc đàm phán hòa bình vừa kết thúc, đã có những phong trào phản đối lớn trong và ngoài nước diễn ra với khẩu hiệu nổi tiếng rút từ cái tên “Trianon” (tria non: ba không): “Không! Không! Không bao giờ!

Với tựa đề như trên, thi hào Hungary József Attila lúc mới 17 tuổi, đã sáng tác một thi phẩm với những lời thơ động lòng nhưng đầy hào khí: “Tổ quốc chúng ta sẽ không nhỏ đi một tấc đất, không! - Người sẽ chói lọi như trước kia, rạng ngời...”

Niềm đau Trianon còn bàng bạc trong nhiều tác phẩm khác của József Attila, cũng như của các nhà thơ, nhà văn lớn- những đại diện lỗi lạc của giới trí thức và đời sống tinh thần Hungary - như Juhász Gyula, Babits Mihály, Kosztolányi Dezső, Csáth Géza, Tóth Árpád, Wass Albert...


Những phần lãnh thổ của Hungary bị chia cắt


Trên cái nền ấy, trong hai thập niên giữa hai cuộc Thế chiến, mục đích căn bản của nền ngoại giao Hungary là yêu cầu “xét lại” Hiệp ước Trianon. Thời kỳ 1938-1941, với các quyết định đưa ra ở Vienna, cũng như sau khi Nam Tư bị Đức phát-xít xâm chiếm, Hungary được trao lại phân nửa diện tích đất đai bị cắt cho ngoại quốc, nhưng cái giá phải trả là nước này phải tham chiến bên quân đội Quốc xã.

Rốt cục, sau Đệ nhị Thế chiến, Hiệp định Hòa bình chấm dứt chiến tranh tại Hungary, Phần Lan, Bulgaria, Ý và Roamia - ký tại Paris ngày 10-2-1947 - đã tái lập các biên giới cũ và Hungary còn mất thêm một phần đất cho Tiệp Khắc.

“Công lý cho Hungary!”

Nhà ngoại giao lão thành, cựu ngoại trưởng Pháp Théophile Delcassé đã bình luận như sau về sự kiện Trianon: “Một dân tộc không cần phải hổ thẹn khi thua cuộc, hoặc phải ký một hiệp ước hòa bình định mệnh trong cảnh dao kề cổ. Nhưng dân tộc ấy sẽ trở nên vô danh dự nếu nó không phản đối, hoặc chấp thuận việc để chính nó tan nát. Thất bại không phải khi thua, mà là khi từ bỏ”.

Trianon đã đi vào lịch sử Châu Âu và khó có thể thay đổi. Nhưng điều đó không khiến đa số cư dân Hungary hết cảm giác thương đau và trong tâm cảm, chưa bao giờ họ từ bỏ những mảnh đất mà các đại cường đã cưỡng đoạt từ cơ thể Tổ quốc họ.

Dưới thời XHCN tại Hungary, Trianon là một đề tài cấm kỵ, không được nhắc tới vì chính quyền ngại xu hướng dân tộc chủ nghĩa nảy nở. Tuy nhiên, từ hai thập niên nay, vấn đề Trianon lại được khơi dậy và luôn tồn tại trong xã hội và đời sống chính trị của dân tộc Hungary.

Đối với thường dân, Trianon là một mốc thời gian để họ đồng lòng gỡ bỏ những oan khiên của lịch sử, hướng tới sự đồng thuận và đoàn kết dân tộc.

Đối với các đảng phái chính trị theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hoặc theo hướng dân túy, Trianon trong những năm qua luôn là đề tài để họ thực hiện một số toan tính chính trị.

Do đó, đã nhiều lần diễn ra những đề xuất xét lại Hiệp ước Trianon, thậm chí, đòi hỏi thay đổi các biên giới hiện hành.

Chính phủ mới và Trianon

Sự kiện Trianon và vấn đề người Hung kiều đã là những lời hứa tranh cử của phe cầm quyền cánh hữu hiện tại, gồm Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ và Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo KDNP.

Ngay sau khi thắng cử, các dự thảo luật có liên quan đã được trình lên Quốc hội. Cách đây ít ngày, Quốc hội Hungary đã thông qua đạo luật về quốc tịch kép, cho phép những người gốc Hungary, nhưng hiện là công dân các quốc gia lân cận vì những biến cố lịch sử trong hai cuộc Thế chiến, được nhận quốc tịch Hungary.

Liên quan tới Trianon, vào ngày 31-5-2010, Quốc hội mới của Cộng hòa Hungary đã thông qua đạo luật tuyên bố mùng 4-6 - thời điểm ký kết Hiệp ước - là Ngày Kỷ niệm Đoàn kết Dân tộc của đất nước này. Đạo luật đó đã được tổng thống Hungary Sólyom László phê chuẩn ngày 3-6, và đi vào thực thi đúng vào ngày 4-6 vừa qua.

Mang tên Đạo luật Đoàn kết Dân tộc, luật lên án Hiệp ước Hòa bình Trianon, cho rằng Hiệp ước đã “để lại dấu vết không thể xóa mờ (...) trong tâm thức các dân tộc Đông Âu”, đã “ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới lịch sử và các sự kiện chính trị trong vùng từ nhiều thế hệ nay”.

Đạo luật cũng chính thức khẳng định: “Trianon, đối với dân tộc Hungary, là tấn thảm kịch lớn nhất trong thế kỷ XX”. Do đó, việc tưởng niệm Trianon ở tầm quốc gia, theo đạo luật, đồng thời cũng là “để thúc đẩy tương lai chung các dân tộc ở vùng lòng chảo Kárpát và để những giá trị Châu Âu được hiện hữu”.

Về mặt thực tiễn, đạo luật mới được ra đời không nhằm để đòi hỏi việc tái lập các biên giới cũ cách đây 90 năm. Tuy nhiên, vì nó nhấn mạnh sự liên kết chặt chẽ và thiêng liêng của dân tộc Hungary gồm các thành viên là người gốc Hungary sống trong và ngoài nước, nên đã có một số ý kiến e ngại và phản đối từ các nước lân cận.

Đặc biệt, Slovakia, quốc gia vốn có một phần đáng kể lãnh thổ từng là đất của Hungary và đang có quan hệ rất căng thẳng với Hungary từ mấy năm nay, thi lên tiếng ca ngợi Hiệp ước Trianon, cho rằng đó là điều đảm bảo hòa bình trong khu vực, và còn muốn dựng đài kỷ niệm để tung hô sự kiện Trianon.

Hai dân biểu thuộc phe cầm quyền Kövér László (FIDESZ) và Semjén Zsolt (KDNP) - khi đề xuất dự thảo đạo luật - đã bày tỏ mong muốn góp phần cho sự thống nhất Châu Âu, trên cơ sở việc họ ý thức rằng “Thượng đế ngự trị lịch sử”.

Với thường dân Hungary, không thật quan tâm tới những ý tưởng cao xa, tưởng nhớ Trianon có lẽ cũng là dịp để nhắc nhở các chính phủ, các chính khách phải có trách nhiệm trước những quyết định ảnh hưởng đến vận mệnh các dân tộc, đến tình cảm ái quốc của từng con dân, mà Trianon là một ví dụ điển hình và xót thương...

Trần Lê


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn