CANADA CÔNG NHẬN Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA SỰ KIỆN “NGƯỜI HUNGARY DI TẢN” 1956

Thứ ba - 27/07/2010 23:26

(NCTG) Hôm thứ Hai, 26-7, Bộ trưởng Môi trường Canada, ông Jim Prentice, tuyên bố Chính phủ nước này coi sự kiện người Hungary di tản sang Canada trong cuộc cách mạng năm 1956 là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quốc gia của Canada.

Người tị nạn Hungary vượt biên giới Áo (tháng 11-1956) - Ảnh tư liệu

Như thế, làn sóng di cư ồ ạt đầu tiên từ khối Đông Âu XHCN đã được Canada thừa nhận.

Tuyên bố này phản ánh tầm quan trọng của biến cố 1956. Đây là sự kiện đã góp phần làm thay đổi chính sách nhập cư của Canada. “Sự xuất hiện của hàng nghìn người Hungary di tản đã góp phần hình thành nên mô hình của Canada trong việc đón nhận người tị nạn và giúp Canada có được thái độ chấp nhận cởi mở hơn đối với dân tị nạn” - Bộ trưởng Prentice nói. “Sự kiện mang ý nghĩa lịch sử quốc gia đó đã mở ra cánh cửa cho những người dân di tản khác cũng muốn đến sống ở Canada”.

Canada đã đón nhận hơn 37.500 người Hungary tị nạn trong suốt cuộc chính biến 1956 - con số kỷ lục về tỷ lệ người nhập cư vào một nước trên tổng dân số. Trước đó, chưa bao giờ Canada thực hiện việc xét tuyển, đưa đón và thiết lập nơi định cư cho nhiều người tị nạn đến thế trong khoảng thời gian ngắn như thế.

Bản thân những người Hungary di tản thời điểm ấy nhìn chung cũng là những lao động trẻ và có chất lượng cao. Họ đã đóng góp đáng kể cho xã hội Canada, đặc biệt cho sự đa dạng văn hóa và nền kinh tế Canada, bằng việc đóng góp những kỹ năng của mình vào lực lượng lao động của đất nước này.

Chúng tôi vui mừng thấy Chính phủ Canada đã công nhận tính chất lịch sử của sự kiện, qua đó đã thể hiện sự hào hiệp của người Canada đối với những người di tản trong biến cố 1956 và tầm quan trọng của biến cố này trong việc hình thành và phát triển các chính sách của Canada về nhập cư và người tị nạn” - bà Judy Young Drache, Quỹ Giáo dục Canada - Hungary, phát biểu. “Điều này, đến lượt nó, lại góp phần đáng kể cho việc tạo ra một xã hội cởi mở, khoan dung và đa dạng văn hóa, mà cho tới nay vẫn là niềm tự hào của tất cả chúng ta”.

Không riêng Canada mà Hoa Kỳ, trong nhiều tuyên bố, đã khẳng định vai trò của cuộc cách mạng 1956, và của những người di tản Hungary - trong đó, có rất nhiều phần tử tinh hoa của xứ sở này - sau khi nỗ lực dân chủ của người Hungary bị đè bẹp. Đặc biệt, trong lễ kỷ niệm 50 năm cách mạng 1956 tại Budapest (năm 2006), tổng thống George Bush đã bày tỏ niềm vinh dự khi được thay mặt nước Mỹ nói lời cám ơn với hơn 200 ngàn người Hung di tản, những người đã góp phần vào sự phát triển và phồn vinh của Hoa Kỳ.

Từng bị coi là “chính biến phản cách mạng”, đến nay, biến cố 1956 đã được chính thức nhìn nhận như một cuộc cách mạng dân chủ, đòi độc lập dân tộc, và ngày 23-10 (ngày mở đầu cách mạng Hungary 1956) đã trở thành một trong ba Quốc khánh thường niên của Đệ tam Cộng hòa Hungary.

Hoàng Thư tổng hợp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn