Nhân tai nạn của vợ chồng tổng thống Ba Lan: CÔNG LÝ TRONG VỤ THẢM SÁT KATYN ĐÃ ĐƯỢC TÁI LẬP?

Thứ hai - 19/04/2010 22:42

(NCTG) Tai nạn thảm khốc cướp đi tính mạng của vợ chồng tổng thống Lech Kaczyński cùng nhiều lãnh đạo cao cấp của nhà nước và chính phủ Ba Lan được coi là đã mang lại sự hòa dịu trong mối quan hệ Ba Lan - Liên Xô, từ nhiều thập niên nay luôn căng thẳng vì vụ thảm sát Katyń, vết thương trong lòng mỗi người dân Ba Lan.

Nơi yên nghỉ của vợ chồng tổng thống Lech Kaczyński tại khu hầm mộ của Vương cung thánh đường Wavel, “thánh địa” của các vua chúa, anh hùng dân tộc và vĩ nhân Ba Lan

Trong chuyến thăm Ba Lan đầu tiên kể từ khi nhậm chức nhân ngày quốc tang Ba Lan, tổng thống Liên bang Nga Dmitry Medvedev đã có cuộc hội đàm với thủ tướng Donald Tusk và tổng thống Lâm thời Bronislaw Komorowski. Ông Medvedev cho biết, trong cuộc gặp mặt kéo dài nửa giờ ấy, hai bên đã nhất trí rằng nỗi đau của sự mất mát đã khiến nhân dân Ba Lan và Nga gần nhau hơn, và ông nhấn mạnh rằng dân tộc Nga cũng sẽ sẵn sàng hợp tác trong tương lai.

Tuy nhiên, tổng thống Hungary Sólyom László - người thường xuyên có dịp gặp gỡ tổng thống Lech Kaczyński thuở sinh thời và cho rằng hai người rất hiểu nhau - thì lại nhận định: thông điệp cuối cùng của Kaczyński khi ông quyết định tới Katyń, là rất quan trọng: hòa hợp hòa giải, nhưng không phải bằng mọi giá. Đó cũng là phát biểu của tổng thống Kaczyński: hãy mở một chương mới trong mối quan hệ Nga - Ba Lan, nhưng phải làm sáng tỏ mọi vấn đề, cho đến từng chi tiết nhỏ nhặt cuối cùng.

Hòa hợp hòa giải đã là chủ đề của cuộc tưởng niệm chung giữa lãnh đạo thượng đỉnh Nga và Ba Lan, lần đầu tiên được tổ chức tại khu rừng Katyń, nơi hơn 22 ngàn sĩ quan và những thành phần ưu tú nhất của dân tộc Ba Lan đã bị thảm sát và vùi thây trong những nấm mồ tập thể.

Được tổ chức trước chuyến bay định mệnh của tổng thống Kaczyński vỏn vẹn 3 ngày, thủ tướng Nga Putin - người vốn giữ quan điểm cứng rắn trong vấn đề Putin khi còn giữ chức tổng thống - đã kêu gọi Ba Lan đừng coi nhân dân Nga là thủ phạm của vụ thảm sát này, vì “cả hai dân tộc đều là nạn nhân của lừa dối và thâm độc”.

Ông Putin cũng khẳng định: không thể “thay đổi quá khứ”, nhưng Liên Xô và Ba Lan hai bên có thể nhìn nhận sự thật của lịch sử để cùng hướng về tương lai. Trong lời đáp, thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nêu quan điểm cần “hòa giải dựa trên quan điểm chân thật về các tội ác trong quá khứ”.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nghiêng mình mặc niệm tại quảng trường trung tâm của cố đô Kraków (Ba Lan)

Một câu hỏi được đặt ra: như thế, công lý trong vụ thảm sát Katyń đã được tái lập?

Phải nói rằng, Liên bang Nga thời gian gần đây đã có nhiều cử chỉ hòa dịu trong vấn đề Katyń. Gần đây nhất, 1 tuần trước lễ tưởng niệm chung, bộ phim động lòng “Katyń” của đạo diễn nổi tiếng Andrzej Wajda - người coi việc hoàn thành tác phẩm điện ảnh lớn này là một bổn phận thiêng liêng - đã được chiếu trên truyền hình Nga.

Động thái này mang tính biểu trưng rất lớn, nếu chúng ta nhớ lại rằng, cách đây 2 năm, lẽ ra phim được công chiếu tại Moscow đúng vào ngày 5-3, nhưng rồi thời điểm này bị lùi lại vì đó là ngày mất của nhà độc tài Stalin. Còn đạo diễn Wajda thì phải thanh minh vì sợ sẽ bị người Nga hiểu nhầm: “Tôi không muốn dùng bộ phim “Katyń” để công kích người Nga” (thân phụ của Wajda cũng là nạn nhân trong tấn thảm kịch Katyń, còn “mẹ tôi thì đến tận khi mất, năm 1950, vẫn tin là sẽ có ngày cha tôi về”, như lời tâm sự của nhà đạo diễn).

Tuy nhiên, một “mắc mớ” lớn nhất trong lòng rất nhiều gia đình có thân nhân bỏ xác tại khu rừng Katyń, là cho tới nay, phía Nga vẫn không công nhận tính chất diệt chủng, chống nhân loại của vụ thảm sát: Moscow thừa nhận Katyń là một tội ác “thông thường” thời chiến, nhưng nó không nhằm vào sự phân biệt đối xử với người dân Ba Lan và đo đó, dù là hành vi phạm tội, nhưng “thời hiệu” của tội ác đã kết thúc từ lâu sau 7 thập niên!

Gần đây nhất, trong một diễn biến có liên quan, vào ngày 29-1-2009, Tòa án Tối cao Liên bang Nga đã ra phán quyết “khóa sổ” vụ Katyń, bảo lưu quyết định ra vào tháng 10-2008 của Tòa án cấp Quận Khu vực Moscow (tòa sơ thẩm) và bác đơn kháng nghị của thân nhân 10 nạn nhân Katyń. Lý do được nêu ra là chỉ có 22 nạn nhân được xác nhận nhân thân trong cuộc bốc mộ có sự hiện diện của các nhân viên Hồng Thập Tự Ba Lan, và thân nhân của các nguyên đơn thì không có trong số đó!

Thẩm phán Nga còn cho biết thêm: trong vụ Katyń, có rất nhiều hồ sơ được coi là “bí mật quốc gia” và do đó, đại diện các quốc gia khác không được phép tìm hiểu chúng, vì như thế “có thể gây thiệt hại cho lợi ích của Liên bang Nga”. Hơn thế nữa, trong việc đánh giá sự kiện Katyń năm 1940, phía Nga cho rằng phải xuất phát từ Bộ Luật Hình Sự Liên Xô năm 1926 (!), trong đó, thời hiệu của những hành vi phạm tội như ở Katyń được xác định là 10 năm! Đó là chưa kể đến chuyện các thủ phạm của vụ thảm sát đều đã qua đời...

Như bà Anna Stavitskaya, đại diện pháp luật của các nguyên đơn nhấn mạnh: thực tế, các nguyên đơn không đòi hỏi phải trừng phạt các thủ phạm, mà họ muốn điều tra lại để làm sáng tỏ công lý, và để những người đã khuất được công nhận là nạn nhân trong vụ thảm sát lớn nhất đối với tù binh trong lịch sử các cuộc chiến thế kỷ XX. Các nguyên đơn trong vụ án có thể đi đến cùng, như hai đồng hương của họ đã làm: kiện lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu Strassbourg!

Phải chăng, như thế, cuộc chiến tìm công lý trong vụ Katyń vẫn chưa chấm dứt?

Trần Lê tổng hợp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn