Thảm sát Katyń: CHỈ HÒA GIẢI ĐƯỢC NẾU CÓ SỰ THẬT

Thứ hai - 18/04/2016 04:35

(NCTG) Điều kiện để có được sự hòa giải trong vụ diệt chủng Katyń là sự thật, nhưng không thể có được điều này nếu những hồ sơ, tư liệu hiện vẫn còn nằm trong tay người Nga, theo Đại sứ Ba Lan tại Hungary.

TS. Orsós Ferenc, giáo sư Đại học Y khoa Budapest, một chuyên gia lỗi lạc của Pháp y thế giới xác nhận thời điểm diễn ra vụ thảm sát Katyń chứng tỏ tội ác thuộc về Liên Xô - Ảnh tư liệu

TS. Orsós Ferenc, giáo sư Đại học Y khoa Budapest, một chuyên gia lỗi lạc của Pháp y thế giới xác nhận thời điểm diễn ra vụ thảm sát Katyń chứng tỏ tội ác thuộc về Liên Xô - Ảnh tư liệu

Trả lời Kênh Truyền hình Quốc gia Hungary M1 nhân ngày tưởng niệm các nạn nhân của thảm sát Katyń (13-4), ông Roman Kowalski khẳng định: đây là một vết thương còn rỉ máu trong lịch sử Ba Lan và cho tới ngày nay vẫn ảnh hưởng tới suy nghĩ và bản thể của dân tộc Ba Lan.

Katyń và tấn thảm kịch năm 2010 - khi vợ chồng Tổng thống Lech Kaczyński và gần một trăm nhân vật cao cấp của đời sống chính trị, văn hóa và lịch sử nước này tử nạn trên đường tới dự kỷ niệm 70 năm thảm sát Katyń - đã trở thành một ám ảnh khổng lồ trong ký ức của dân tộc Ba Lan.

Đại sứ Roman Kowalski nhấn mạnh: liên quan đến tội ác Katyń, từng có những hành động, cử chỉ từ phía Nga khiến Warszawa có thể hy vọng được rằng mọi sự sẽ tiến triển theo chiều hướng hòa giải, và điều kiện tuyệt đối để có được điều này là phải có sự thật.

Nhưng chừng nào Nga chưa trao cho Ba Lan những tư liệu lịch sử mà phía Ba Lan biết rằng chúng tồn tại, chừng ấy chưa có sự thật, theo vị đại sứ. Và chính vụ tai nạn máy bay TU-154 ở Smolensk cũng cho thấy rõ là người Nga “quyết tâm” tới đâu trong việc hòa giải.

Bởi lẽ, cho dù chuyên cơ chở phái đoàn Tổng thống Lech Kaczyński rơi ở gần Smolensk đương nhiên thuộc sở hữu của nhà nước Ba Lan, nhưng tới giờ những mảnh vỡ của nó vẫn không được trao trả lại cho Warszawa, “nghĩa là khó nói được về “thiện ý” của phía Nga” - vị đại sứ nói.

Ngoài ra, do không có đủ tư liệu nên ngay con số chính xác các nạn nhân cũng không thể nói được. Đại sứ Roman Kowalski nhấn mạnh: ở Ba Lan, những cơ quan điều tra và ghi nhớ ký ức vụ thảm sát sẽ còn hoạt động chừng nào còn chưa xác định được hết từng nạn nhân.

Như NCTG đã có loạt bài về cuộc thảm sát, tội ác Katyń xảy ra vào mùa xuân năm 1940. Theo chỉ thị của Dân ủy Nội vụ Lavrentiy Beria và được sự tán đồng của Satlin cùng các nhân vật lãnh đạo thượng đỉnh khác của Đảng Cộng sản Liên Xô, chừng 22 ngàn tù binh Ba Lan đã bị giết hại.

Được liệt vào hàng những tội ác chống nhân loại lớn nhất đối với tù binh trong lịch sử hiện đại, thảm sát Katyń được tiến hành đồng loạt ở nhiều địa điểm bởi các nhân viên mật vụ chính trị Liên Xô, với mục đích là tiêu diệt những thành phần ưu tú của giới trí thức và quân đội Ba Lan.

Bởi lẽ, ngoài các quân nhân và sĩ quan thực thụ, trong số 22 ngàn tù binh, còn có 300 bác sĩ, 20 giáo sư, vài trăm luật sư, kỹ sư và nhà giáo, hơn một trăm nhà văn và ký giả. Đây là một tổn thất hết sức nặng nề mà trải qua nhiều thế hệ, đất nước Ba Lan cũng chưa bù đắp nổi.

Vụ thảm sát diễn ra theo kiểu cách đặc thù của mật vụ Liên Xô: các nạn nhân bị trói, và bị dí súng bắn vào gáy từ cự ly rất gần, sau đó vùi xuống hố sâu chôn tập thể. Người thân, các thành viên trong gia đình họ cũng bị chính quyền Stalin đày ải tại các vùng xa xôi của Liên bang Xô-viết.

Từ năm 2008, Ba Lan coi 13-4 là ngày tưởng niệm các nạn nhân của thảm sát Katyń, vì năm 1943, vào ngày này, phát-xít Đức đã thông báo với thế giới về việc họ phát hiện các xác tù binh Ba Lan bị đồng minh cũ của họ là Liên Xô sát hại tại những vùng Đức chiếm đóng của Ba Lan.

Bộ máy tuyên truyền Hitler coi đây là một thắng lợi lớn vì họ vạch trần được trước công luận một bằng cứ về sự dã man của Liên Xô. Tuy nhiên, trong gần nửa thế kỷ, điện Kremlin vẫn đổ vấy cho phát-xít Đức mặc dầu phần còn lại của thế giới đã biết rõ sự thật về tội ác diệt chủng này.

Hơn thế nữa, trong thời gian 1943-1946, Stalin còn dàn dựng 10 phiên tòa để chứng tỏ “tội ác” của phía Đức, trong đó vài chục quân nhân Đức (đa phần là sĩ quan, có 18 vị tướng) do không “nhận tội” nên đã bị treo cổ bởi những cáo buộc giả trá theo kịch bản của điện Kremlin.

Năm 1959, Chủ tịch Cơ quan An ninh Quốc gia (KGB) Alexander Shelepin - người được Tổng bí thư Nikita Khrushchev giao nhiệm vụ kiểm tra các tư liệu trong vụ Katyń - còn đề xuất tiêu hủy các hồ sơ và dữ liệu nhân thân của những tù binh Ba Lan bị giết hại.

Rốt cục, năm 1990, lãnh tụ Mikhail Gorbachev đã thú nhận rằng Ban lãnh đạo Xô-viết phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát. Tuy nhiên, cho tới giờ, phía Nga vẫn cho rằng không có lý do để coi những người bị giết hại là nạn nhân của thanh trừng chính trị, và phục hồi danh dự cho họ.

(*) Ý kiến của vị đại sứ Ba Lan cũng trùng hợp với quan điểm của cố Tổng thống Lech Kaczyński mà ông đã soạn thảo trong bài phát biểu động lòng dự định đọc ở Katyń vào ngày 10-4-2010, nhưng cái chết trong vụ tai nạn đã khiến ông không thực hiện được ý nguyện đó:

“Không thể xây dựng quan hệ bền vững trên nền tảng dối trá. Dối trá luôn chia rẽ con người, chia rẽ các dân tộc. Nó thường mang theo căm thù và tức giận. Do vậy, chúng ta cần có sự thật. Lẽ phải không thể chia đều tứ phía. Lẽ phải thuộc về những người chiến đấu giành tự do.

Chúng ta, những người Công giáo luôn biết rõ: sự thật, kể cả sự thật đau đớn nhất, luôn giải phóng cho con người. Sự thật gắn kết. Sự thật mang lại công bằng. Sự thật chỉ ra con đường hòa hợp (...) Phải làm sao cho dối trá Katyń biến mất và vĩnh viễn rời xa không gian đại chúng”.

Trần Lê


 
 Từ khóa: Katyn
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn