BÀI HỌC BOM NGUYÊN TỬ Ở HIROSHIMA VÀ NAGASAKI 1945

Chủ nhật - 22/05/2016 04:40

(NCTG) “Hiroshima và Nagasaki vượt lên trên tất cả: đó là nạn nhân đầu tiên của chiến tranh nguyên tử”.

Xác một học sinh cháy đen trong thảm họa nguyên tử tại Nhật

Xác một học sinh cháy đen trong thảm họa nguyên tử tại Nhật

Đệ Nhị Thế Chiến, 1939-1945, Đồng Minh gồm 24 quốc gia chống lai phe Trục gồm Đức-Ý-Nhật. Tuy cùng phe, Hoa Kỳ và Liên Xô chạy đua từng ngày chế tạo bom nguyên tử. 

Ngày 15-7-1945, Tổng thống Hoa Kỳ Truman được báo là BỐN trái bom nguyên tử đã hoàn thành, chỉ chờ lệnh tổng thống Truman đơn phương quyết định dội trái Little Boy 9.700 pounds uranium xuống Hiroshima vào hồi 8h45 sáng ngày 6-8-1945.

Trước khi thả trái Fat Man, còn gọi là bom A, 9.000 pounds plutonium xuống Nagasaki 11h02 sáng ngày 9-8-1945, quân đội Mỹ thả truyền đơn xuống nhiều thành phố ở Nhật kêu gọi cư dân di tản và yêu cầu Nhật hoàng đầu hàng.

Khi bom A nổ, gần như các ngôi nhà đều sập, mảnh gỗ văng đầy mặt đất, ai đang ở ngoài đều chết, ai kẹt trong nhà la hét kêu cứu, ai sống sót điên cuồng chạy quanh, khắp nơi là một biển lửa. Con số (tượng trưng) là 130.000 người chết ngay. 
 
Trái bom Fat Man 9.000 pounds plutonium - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Trái bom Fat Man 9.000 pounds plutonium - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
 
Khói bốc cao 18km, Nagasaki - Ảnh: Joe O’Donnell
Khói bốc cao 18km, Nagasaki - Ảnh: Joe O’Donnell

Joe O’Donnell, người đi khắp nơi chụp hình thảm họa do bom nguyên tử, là tác gỉa bức ảnh hiếm có này. Cậu bé ở Nagasaki, sức nặng đè lên cậu không chỉ là xác em địu trên lưng, mà sự cố gắng đứng thẳng người nghiêm trang như một chiến binh cắn môi cho nỗi nhục nhã thua trận không tiêu tan lòng tự phụ. Cậu cắn môi bật máu khi ngọn lửa lò thiêu lem lém nuốt thân thể bé nhỏ.
 
03
 
27-4-1945, Mussolini và người tình Clara Petacci bị dân quân bắt tựa lưng vào cổng Villa Belmonte bên hồ Como và bắn chết bằng súng.

30-4-1945: Hitler tự tử; 7-5-1945 Đức đầu hàng Đồng Minh.

15-8-1945 Nhật hoàng đầu hàng Đồng Minh. Thế Chiến Hai chấm dứt. 

29-8-1949, Liên Xô thử trái bom nguyên tử đầu tiên 22 kilotons.
 
Benito Mussolini và Adolf Hitler, Munich, tháng 6-1940 - Ảnh do vợ Hitler là Eva Braun chụp
Benito Mussolini và Adolf Hitler, Munich, tháng 6-1940 - Ảnh do vợ Hitler là Eva Braun chụp
 
Hồ Como yên tĩnh, chứng nhân cho nhiều biến động
Hồ Como yên tĩnh, chứng nhân cho nhiều biến động

Giáo Hoàng Vatican 

Ngày 16-10-1978, Đức Hồng y Karol Wojtyła được bầu làm Giáo Hoàng tức John Paul II. Chuyến công du lịch sử 2-1981 lần đầu một Giáo Hoàng Ki Tô viếng thăm Nhật.

Ngày 25-2-1981 Ngài chọn Hiroshima đọc bài diễn văn kêu gọi hòa bình, loại bỏ vũ khí hạt nhân. Ngài giải tỏa người Nhật khỏi dằn vặt làm hàng triệu triệu dân tộc khác đau khổ. Bài diễn văn 1720 chữ, Ngài nhắc 18 lần chữ “Hòa Bình”, ba lần nhắc “Nhớ quá khứ là để dấn thân vào tương lai”.
 
06

Khung cảnh như trong bi kịch Hy Lạp. Giáo Hoàng áo trắng chia sẻ nỗi đau khi toàn thể nhân loại rên xiết dưới gót chân thần chiến tranh. Năm 1939, chàng thanh niên Karol Józef Wojtyła 19 tuổi sống sót khi Nazi Đức Quốc Xã dày xéo tổ quốc Ba Lan. Giờ này thành Giáo Hoàng, Ngài dâng nỗi nghẹn ngào tới muôn người.

Ngài nói với những người yêu mến sự sống trên trái đất, với những người đứng đầu nhà nước, với những người nắm giữ quyền lực chính trị kinh tế, với cư dân Nhật và cư dân thế giới, với những người trẻ ở khắp mọi nơi, với những ai tin có Thượng Đế.

Tôi đến đây, kẻ hành hương cúi đầu trước thánh địa hòa bình. Chúng ta cùng nhau hồi tưởng rằng một thành quả đáng buồn của nhân loại là tên của quá nhiều người được nhớ tới vì họ là chứng nhân của kinh hoàng và đau thương từ chiến tranh; là những đài kỷ niệm chiến tranh ghi công bên thắng cuộc, sự khổ đau và chết chóc của hàng hà sa số con người cũng được nhớ đến; là nghĩa trang nơi người xả thân cho quê hương an nghỉ và nơi nạn nhân vô tội đang nằm; tàn tích của các trại tập trung và triệt tiêu; nơi sự khinh thường con người đạt đến mức đê hèn và tàn ác nhất; là chiến trường nơi tạo hóa nhân từ hàn gắn những vết sẹo trên mặt đất nhưng thất bại không xóa nổi hận thù. Hiroshima và Nagasaki vượt lên trên tất cả: đó là nạn nhân đầu tiên của chiến tranh nguyên tử”.

Sau cùng, Ngài dâng nỗi nghẹn ngào cho Thượng Đế.

Nghe lời con van xin, ban cho trái tim mọi người sự thong thái về hòa bình, sức mạnh của công lý và niềm vui của tình đồng đội;

Nghe lời con, vì con đang nói cho loài người mọi quốc gia và qua mọi thời đại trong lịch sử, những người không muốn chiến tranh và sẵn sàng dấn bước trên con đường hòa bình;

Nghe lời con, ban sự sáng suốt và sức mạnh để chúng con có thể luôn luôn đáp trả hận thù bằng tình yêu, bất công bằng công lý, chiến tranh bằng hòa bình và bằng chia xẻ từ bản thân;

Xin Thượng Đế nghe lời con, ban cho nhân loại sự bình an vĩnh cửu của Người
”.

Lời kêu gọi loại bỏ vũ khí hạt nhân của Giáo Hoàng John Paul II gây xúc động toàn thế giới. Nhiều người Nhật kể cả nạn nhân sống sót từ bom nguyên tử là Yoshie Fujieda yêu cầu thành lập một Ủy Ban để nhớ bài diễn văn Hòa Bình ấy. 

Đúng hai năm sau, ngày 25-2-1983, một buổi lễ tại Viện Bảo Tàng Tưởng Niệm Hòa Bình Hiroshima giới thiệu tác phẩm trừu tượng của nhà điêu khắc Itto Kuetani bằng cẩm thạch trắng từ Carrara, Ý, khắc lời Giáo Hoàng John Paul II bằng tiếng Nhật và tiếng Anh.

Chiến tranh là sản phẩm loài người 
Chiến tranh là hủy diệt sự sống
Chiến tranh là chết chóc
Tưởng niệm quá khứ để dấn thân vào tương lai 
Tưởng niệm Hiroshima là kinh sợ võ khí nguyên tư
Tưởng niệm Hiroshima là dấn thân cho hòa bình
”.
 
Điêu khắc bằng đá hoa cương rộng 1,8m, dài 0,9m, cao 3m
Điêu khắc bằng đá hoa cương rộng 1,8m, dài 0,9m, cao 3m
 
08

Năm 1970, tôi tham dự phái đoàn Việt Nam từ Sài Gòn dự Hội Nghị Thanh Niên Thế Giới tổ chức nhân Osaka Expo 1970. Hơn 200 đại biểu từ 15-25 tuổi khắp thế giới được đi thăm Kyoto và Tokyo. Vùng ven biển xinh đẹp như một vòng hạt trai trắng lác đác thảm cỏ xanh ngọc ẩn ngôi đền tĩnh lặng vài chú nai lẩn gót nghe kinh chiều ngân nga tiếng chuông rung... Thanh bình như xứ sở này chưa từng di thiên hạ như giun dế với chủ nghĩa quân phiệt, chưa từng bị dội bom nguyên tử 25 năm trước. 

Chẳng lẽ con người điên rồ đến thế? Đổi thiên đàng trong tay cho một tham vọng ngông cuồng cuối cùng cũng quỳ gối qui hàng? Bài học không chỉ cho một mình nước Nhật.

Tham khảo:

http://www.gensuikin.org/english/photo.html

http://atomicbombmuseum.org/6_5.shtml

http://rarehistoricalphotos.com/japanese-boy-standing-attention-brought-dead-younger-brother-cremation-pyre-1945/

http://www.pcf.city.hiroshima.jp/virtual/VirtualMuseum_e/tour_e/ireihi/tour_54_e.html

http://rarehistoricalphotos.com/japanese-boy-standing-attention-brought-dead-younger-brother-cremation-pyre-1945/

Trần-thị Vĩnh-Tường, từ California - Ngày 18-5-2016


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn