Chuyện 55 năm trước: NGÀY “TẬN THẾ” Ở KIEV

Thứ năm - 23/06/2016 09:54

(NCTG) Ngày nay, không chỉ thế giới mà ngay giới trẻ Kiev cũng hầu như không hề hay biết về một thảm họa lớn xảy ra tại thành phố này cách đây tròn 55 năm, mà sau này báo chí Ukraine đã gọi bằng cái tên “ngày tận thế”.

Đài tưởng niệm nhân 45 năm thảm họa tại Kiev (1961-2006)

Đài tưởng niệm nhân 45 năm thảm họa tại Kiev (1961-2006)

Theo kể lại của tờ “Sevodnya” (Ukraine), vào ngày thứ Hai 13-3-1961, một trận cuồng phong rác rưởi cao 14 m đã ập xuống quận Kurenivka (Kiev), cuốn đi mọi xe cộ và dân cư trong vùng. Kinh hoàng nhất là cơn lốc đã quét sạch một nghĩa địa lân cận, khiến các tử thi và quan tài trôi lềnh bềnh cùng đoàn người tuyệt vọng ra sức kêu cứu. Báo chí cho hay có 146 người thiệt mạng, nhưng theo những số liệu thống kê không chính thức thì thảm họa ở Kurenivka có chừng 1.500-2.000 nạn nhân.

Trong những năm sau Đệ nhị Thế chiến, cánh đồng Babiy Yar nằm ở rìa thành phố Kiev, nơi phát-xít Đức từng giết hại hơn 100.000 người Ukraine gốc Do Thái và chôn họ trong một số ngôi mồ tập thể, đã trở thành nơi tập trung những kẻ đào mộ để lấy tư trang (nhẫn, hoa tai..., thậm chí răng giả bằng vàng) của những người đã khuất. Hoạt động của bọn người này trở nên trắng trợn đến mức đôi khi, vào ban đêm, cảnh sát phải đi tuần và giải tán đám người lăm lăm xẻng, cuốc dưới những “địa đạo” sâu dưới lòng đất.

Để chấm dứt tệ “đào vàng” bất hợp pháp và gìn giữ hương hồn những người đã khuất, các tư tưởng gia Xô-viết nghĩ ra cách dùng nước làm ngập cánh đồng Babiy Yar. Kế hoạch này được chính người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô thời đó là Tổng bí thư Nikita Khrushchev thông qua. Theo những đồ án của giới kiến trúc sư Moscow, vào thập niên 50, người ta đã xây một đập chắn nước trên những mồ mả và dẫn nước thải từ một nhà máy gạch gần đó, tạo thành một hồ nước nhân tạo trên cánh đồng Babiy Yar.

Trong vòng 10 năm, hồ này đầy nước đến mức những con tàu có trọng tải 26 tấn có thể qua lại dễ dàng và dần dần, ở tầng trên của đầm lầy, xuất hiện nhiều loài cá khiến dân đi câu ở Kiev rất khoái trá.

Một tháng trước ngày xảy ra tai họa, dân cư quận Siretz và Kurenivka nhận thấy nước đã rò rỉ qua những bức tường bê-tông của hệ thống đê, nhưng không ai để tâm đến chuyện đó. Ngày 13-3-1961, đập chắn nước bị vỡ. Dòng thác cao 14 m cuốn trôi cả những cây đại thụ, làm sập những ngôi nhà một tầng. Trong vòng một giờ, nước và rác rưởi tràn ngập một diện tích 30 héc-ta. “Trung tâm” của thảm họa là ga xe điện Krasina và sân vận động Spartak, hai công trình này hoàn toàn ngập dưới dòng nước lũ. Nước thải và thứ đất sét trôi từ nhà máy gạch tạo thành một hợp chất đông đặc, bao phủ trên nhiều tòa nhà đổ.

Ngày hôm sau, công việc cứu trợ mới được tiến hành. Cảnh sát và nhân viên mật vụ KGB tràn ngập “hiện trường”; nhưng ai có ý chụp ảnh đều bị tước máy ảnh và phim bị lôi khỏi máy. Người ta tìm cách đào bới; trong một vài xe hơi và xe buýt bị lấp dưới thứ hợp chất cứng như đá, vẫn còn những người sống sót. Ở gần sân vận động Spartak, nhiều tàu điện và xe buýt bị tắc nghẽn: dòng nước lũ làm chập điện, khiến nhiều hành khách bị thiêu sống trên các phương tiện giao thông công cộng.

Sau một tháng, chính quyền mới đào bới, nhận diện và chôn cất hết tử thi những người xấu số.

Giao thông tại Kurenivka bị đình trệ hai tháng liền. Nhiều khu nhà cao tầng được xây dựng trên nền những ngôi nhà một tầng thuở xưa. Chính phủ Xô-viết đã tìm mọi cách để giấu tiệt thảm họa Kurenivka: những hồ sơ liên quan đến Kurenivka đều bị “mật hóa”, một số bị thiêu hủy, phi tang. Ngày nay, giới trẻ hầu như không hề hay biết gì về “ngày tận thế” cách đây 55 năm, mặc dù vào năm 1991, nhân viên xe điện Kiev đã dựng một đài kỷ niệm để tưởng nhớ những đồng nghiệp bất hạnh của họ.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Kurenivka, Babiy Yar, Kiev
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn