Lời Tòa soạn: Trích đoạn ngắn sau đây rút từ tập “Mùa xuân ở phố Hàng Đào” (Tavasz a Selyem utcában, Nhà xuất bản Kossuth, Budapest, 1977), bao gồm một số bài phóng sự chọn lọc về Việt Nam được ký giả Kékesdi Gyula viết trong thời gian làm việc tại Việt Nam (1974-76).
Kékesdi Gyula là phóng viên thường trú ở Việt Nam của tờ nhật báo “Tự do Nhân dân” (Népszabadság), từng là cơ quan ngôn luận của Đảng Công nhân Xã hội Hungary (tức Đảng Cộng sản Hungary), nay vẫn là nhật báo chính luận và xã hội hàng đầu của nước Hung.
Nhà báo này đã tác nghiệp ở Việt Nam và bôn ba nhiều vùng Nam - Bắc đúng vào khoảng thời gian “nóng bỏng” nhất của cuộc chiến. Đặc biệt, Kékesdi Gyula đã có mặt tại thủ đô Hà Nội đúng dịp 30-4 - 1-5-1975, và được “mục sở thị” bầu không khí Ngày Thống nhất.
Có lẽ lúc đó, trong tâm trạng phấn khởi vì hòa bình lập lại, người dân miền Bắc còn xa mới biết rằng, Việt Nam đang đứng trước những thử thách và khủng hoảng trầm trọng thời hậu chiến khiến lòng người ly loạn, “hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn”.
*
Sáng 30-4-1975, những tin tức đầu tiên trên làn sóng điện được chuyển về Hà Nội: vào hồi 9 giờ 20 phút, quân Giải phóng bắt đầu tấn công Dinh Độc lập tại Sài Gòn, và Tổng thống (Dương Văn Minh) đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện lúc 9 giờ rưỡi.
Nghe tin ấy, chỉ trong ít phút ngắn ngủi, một đám đông khổng lồ tụ tập trước khách sạn Thống Nhất (*), hàng vạn quả pháo đã nổ tung. Mọi người khóc òa, nắm chặt tay nhau. Họ đã chờ giây phút này từ ba mươi năm!
Mười một giờ rưỡi, Ngô Điền, Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao cho triệu tập tất cả các phóng viên báo chí ngoại quốc tới CLB Quốc tế. Mừng vui dạt dào, ông ôm chầm nhóm phóng viên các nước XHCN, rồi nói lời chúc chạm cốc:
- Các bạn của tôi, đây không phải là một cuộc họp báo, mà là hội mừng chiến thắng chung của cả chúng ta. Cám ơn các bạn đã đứng bên cạnh chúng tôi!
Trong nháy mắt, Hà Nội thay đổi diện mạo như trong ngày hội. Hàng vạn lá cờ được treo lên mái nhà, những chùm đèn bật sáng trên đường phố thủ đô, nơi vốn thường xuyên phải vật lộn với cảnh mất điện. Xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, những cành cây đang nở hoa cũng được trang hoàng, và pháo - thứ không thể thiếu được trong các dịp lễ hội - thì được bán hết sạch tại các cửa hiệu.
Năm giờ chiều, đài phát thanh cũng chính thức thông báo Sài Gòn được giải phóng vào lúc 11h rưỡi ngày thứ Tư, và cư dân tại đó tiếp đón quân Giải phóng một cách thiện cảm và tin tưởng. Không lâu sau khi nghe tin này, người từ các công xưởng, cơ quan tràn ra đường, bắt đầu cho cuộc tuần hành của hàng chục vạn thanh niên. Họ cất lời hô những khẩu hiệu ngợi ca tự do và thống nhất.
- Bác Hồ sống mãi với chúng ta! - dòng người hô vang.
Cuộc mít-tinh được thông báo sẽ tổ chức tại Nhà hát Lớn để kỷ niệm Quốc tế Lao động 1-5 được hoãn tới hôm sau, thay vào đó khắp thành phố đâu đâu cũng thấy người dân mừng vui một cách tự phát. Chính cư dân Hà Nội cũng bất ngờ khi Sài Gòn, thủ đô của Miền Nam, được giải phóng nhanh như thế.
Buổi tối, cả Hà Nội nhộn nhịp bởi những cuộc gặp gỡ, những chương trình văn nghệ ngẫu hứng. Hàng triệu người tỏa ra đường, ai nấy vận trên mình bộ đồ đẹp nhất. Và ngày hôm sau thủ đô vẫn tiếp tục ngày hội ấy. Hà Nội, nhưng có lẽ trên toàn thế giới cũng chưa bao giờ có một ngày 1-5 như thế!
(*) Nay là khách sạn Sofitel Metropole.