Cờ vàng - cờ đỏ: KHÔNG AI TẮM HAI LẦN TRÊN MỘT DÒNG SÔNG

Thứ hai - 16/01/2017 17:11

(NCTG) “Hiện tại và tương lai như một dòng sông, cái qua đi chẳng bao giờ trở lại, hãy để mọi thứ tự nguyện và tự nhiên như tâm nguyện của một dòng sông” - góc nhìn của Sông Hàn.

Cờ vàng cùng cờ đỏ trong cuộc biểu tình chống Trung Cộng trước tòa lãnh sự Trung Quốc ở Hamburg, CHLB Đức, 16-7-2011 - Ảnh: Gocomay

Cờ vàng cùng cờ đỏ trong cuộc biểu tình chống Trung Cộng trước tòa lãnh sự Trung Quốc ở Hamburg, CHLB Đức, 16-7-2011 - Ảnh: Gocomay

Mai Khôi không hát dưới cờ vàng, những quan điểm và cách trình bày vấn đề của ca sĩ này khiến dư luận bên phía cờ vàng nổi giận. Rất nhiều lời thóa mạ nhân danh bảo vệ cờ vàng được tung ra và nhằm thẳng vào cô ca sĩ này.

Tôi không rõ sự thóa mạ, nhục sỉ đó có hàm ý gì? Bảo vệ lá cờ vàng ba sọc hay là mỉa mai, bôi xấu lá cờ ấy tất nhiên là dưới chiêu bài bảo vệ một biểu tượng của một cộng đồng - những con người vốn chôn rau cắt rốn tại Việt Nam và con cháu họ?

Cờ vàng - Cờ đỏ bản thân đó đã là một trường thiên lịch sử, một khúc bi ca của gần ba thế hệ của người Việt. Là chiến tranh là máu, là sinh tồn! Là khóc cười, là thất bại hay chiến thắng!

Hai mươi năm người Việt bắn giết nhau dưới hai mầu cờ. Gọi cả ngoại bang vào đánh giúp, bên nào cũng có cái lý tưởng, có cái “chân lý”, “chính nghĩa” của mình cả. Câu chuyện ngỡ như đã khép, hay cần phải khép lại, khi chiến binh về nhà với ruộng đồng và Việt Nam là quốc gia vẹn toàn!

Nhưng không, theo trào lưu trên không gian mạng xã hội thì đến giờ cờ vàng và cờ đỏ còn lâu mới nguôi ngoai lòng cừu hận.

Để làm gì? Và được gì? Không ai tắm hai lần trên một dòng sông.

Ở trong nước, cũng có những người bất đồng chính kiến (với chính quyền hiện tại) giương cao lá cờ vàng để dẫn dắt việc đấu tranh do họ khởi xướng. Họ nhân danh nhân quyền, hay quốc gia, hay dân tộc gì đó.

Hoặc đơn giản, rõ ràng, xác quyết là bài Tàu!

Lắm kẻ còn nực cười viện dẫn cờ đỏ là cờ của Phúc Kiến nước Tàu, còn cờ vàng có từ thời Bà Triệu. Mà thực tình tôi nghĩ, Bà Triệu ở đâu thì chắc gì họ đã biết? Và người Việt (man tộc) ngày ấy có sử dụng cờ khi chiến trận hay không? Thật là nghi hoặc!

Tôi cho rằng đấu tranh chính trị tại Việt Nam với lá cờ vàng, là một sự lố bịch về mặt tư duy. Một lá cờ như vậy giương lên, sẽ có hàng triệu con người nổi giận, bởi hàng triệu con người đó đã sống, đã chiến đấu và chết vì lá cờ đỏ.

Ngoài nước, Điếu Cày bị ép quàng cờ vàng, rồi Mai Khôi bị tấn công bằng ngôn luận, thậm chí sỉ nhục vì trót phê phán cờ vàng đánh trận dở mà thành ra vong quốc.

Thế thì được cái ích lợi gì? Điều đó trong mắt tôi là lựa chọn tồi tệ nhất.

Nhưng một lá cờ của một quốc gia đã tiêu vong từ hơn bốn chục năm về trước, đến giờ vẫn còn phấp phới bay, bản thân điều đó xứng đáng để tôi (chứ không phải là ta) tôn trọng.

Lá cờ ấy như một biểu tượng của cộng đồng người Việt vong quốc (ở đây là Việt Nam Cộng Hòa) giúp họ cố kết cộng đồng, gia tăng sức mạnh và không nguôi ngoai lòng nhớ quê hương, đó là điều khiến tôi tôn trọng!

Lá cờ ấy theo họ ngày lênh đênh đường biển một sống hai chết để đi tìm tự do. Đó là điều khiến tôi tôn trọng!

Lá cờ ấy nhắc họ rằng “mình người Nam muôn thuở” khi phiêu dạt hay “tha hương” nơi trời Tây. Đó là điều khiến tôi tôn trọng.

Với tôi, người sinh ra dưới lá cờ đỏ - người cúi chào lá cờ đỏ như sự tôn nghiêm của quốc gia Việt Nam hôm nay - tôi tôn trọng lá cờ vàng như sự tôn trọng một phần của lịch sử, và như sự kính trọng biểu tượng của một cộng đồng vốn là Việt Nhân Quốc!

Khi xưa Hồ Nguyên Trừng (Tể tướng Nhà Hồ) cùng cha là Hồ Quý Ly, em là Hồ Hán Thương bại trận, vong quốc. Đại Ngu bị diệt, bản thân ông cùng cha và em bị nhà Minh bắt cầm tù, rồi khuất thân làm quan cho nước này. Vậy mà Hồ Nguyên Trừng còn để lại “Nam ông mộng lục”, huống chi cộng đồng Việt Nam Cộng Hòa tha hương mấy triệu con người?

Nhưng giả sử bảo tôi chọn cờ vàng thì không, bảo tôi sống dưới lá cờ ấy, hay chiến đấu cho lá cờ ấy thì không. Không bao giờ! Bởi vì không ai tắm hai lần trên một dòng sông! Hiện tại và tương lai như một dòng sông, cái qua đi chẳng bao giờ trở lại, hãy để mọi thứ tự nguyện và tự nhiên như tâm nguyện của một dòng sông.

Đừng đem thói gia trưởng áp đặt lên những người chọn hướng đi khác với mình!

Sông Hàn, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: lá cờ vàng
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn