XÂY MỘT NHỊP CẦU

Thứ ba - 17/01/2017 03:30

(NCTG) “Quyền tự do ngôn luận, tự do biểu hiện, là lý. Nhưng trong cuộc sống, không phải lúc nào cũng có thể nói lý mãi. Có những xung đột, tranh chấp giữa người và người lắm khi không thể giải quyết bằng lý, mà đôi khi chỉ cần một nụ cười, một cái siết tay, một sự cảm thông là có thể xua tan được tất cả” - ý kiến của Hải Lý từ Canada.

Minh họa: “Cầu Nhật tại Giverny” (1899, New York) - Tranh của danh họa Claude Monet

Minh họa: “Cầu Nhật tại Giverny” (1899, New York) - Tranh của danh họa Claude Monet

Vài tuần nay mình làm một khóa học e-Learning cho khách, với đề tài “Cultural Sensitivity in the Workplace” (tạm dịch là “Sự Nhạy Cảm Văn Hóa tại Nơi Làm Việc”). Mục tiêu khóa học này là để truyền tải cho nhân viên của khách mình một sự hiểu biết căn bản về các khác biệt văn hóa; một sự cảm thông đối với phong tục, tôn giáo, suy nghĩ của những dân tộc khác (mặc dù có thể ta cho là lạc hậu, quê mùa hay trái văn minh), để rồi từ đó (hy vọng) nhân viên có một sự nhạy cảm cần thiết khi giao tiếp với nhau, và tạo bầu không khí hòa đồng tại nơi làm việc.

Trong khóa huấn luyện này, lời mở đầu của thầy hướng dẫn - tên là Mark - nói về tầm quan trọng của cultural sensitivity (vấn đề nhạy cảm văn hóa), về sự thấu hiểu bản thân mình và người khác, về những cú sốc và rào cản văn hóa. Đặc biệt, Mark ví von sự giao tiếp giữa người và người với nhau như là xây một chiếc cầu.

Để xây được một chiếc cầu tốt và đẹp đẽ, có những thanh sắt hoặc thép, những miếng gỗ cần phải được uốn, bẻ cong, gọt đẽo để phù hợp với thiết kế của cây cầu. Cũng thế, trong giao tiếp với những đồng nghiệp đến từ các nền văn hóa khác nhau, lời nói và thái độ cư xử không thể lúc nào cũng thẳng thừng mà không chú ý đến cảm nhận của người khác. Muốn xây được cầu, sắt cần phải uốn cong. Muốn công việc trôi chảy và hiệu quả, thì đôi khi nên “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Thế rồi gần đây lại xảy ra chuyện ca sĩ Mai Khôi và những lùm xùm chung quanh cờ vàng. Thú thật, mình đã không mặn mà gì mấy với những chuyện “cờ quạt” nói chung, và ngán đến tận cổ chuyện cờ vàng - cờ đỏ nói riêng, nhưng cảm thấy cần phải lên tiếng lần này.

Mình vốn không theo dõi nhiều về ca sĩ Mai Khôi, chỉ biết cô có lòng với đất nước, đã từng gặp tổng thống Obama, và gần đây có buổi biểu diễn khá thành công tại Đức. Việc biểu diễn tại Đức khá suôn sẻ, nhưng khi đến Mỹ thì lại có chuyện, vì Mai Khôi bảo không thích cờ vàng, và lý do cô đưa ra (đại khái) là vì đây là lá cờ đại diện cho những binh tướng sĩ Việt Nam Cộng Hòa, vì dở mà đã để thua người cộng sản năm 1975, để phải dẫn đến hiện trạng đáng buồn của đất nước ngày hôm nay.

Trên nguyên tắc, đây là quyền tự do ngôn luận của Mai Khôi. Cô ấy không nói hay làm điều gì phạm pháp nên mình không bình luận gì về mặt này.

Nhưng (chữ nhưng thật đáng ghét, phải không?), mình lại thắc mắc là Mai Khôi đến Mỹ hát với mục đích gì? Nếu mục đích chỉ là hát hò giải trí như bao ca sĩ khác thì chẳng nên đặt nặng chuyện cờ quạt làm gì.

Còn nếu mục đích của Mai Khôi là tạo sự thông cảm, giao lưu với bà con hải ngoại để tạo một nhịp cầu thì chuyện hơi khác. Nếu đã nói về giao lưu, thì nên xem xét chuyện cultural sensitivity. Mà đã liên quan đến cultural sensitivity, thì cái chuyện tôi thích/không thích gì, tôi muốn nói gì thì tôi nói, tôi muốn mặc gì thì tôi mặc, v.v... có nên được giảm phanh một tí không?
 
000

Ví dụ, qua một nước Hồi giáo bảo thủ, vì là phụ nữ nên mình sẽ tự động lấy một tấm khăn choàng đầu hoặc ăn mặc kín đáo một tí. Mình có thể thích hoặc không thích điều này, mình có thể nghĩ đây là một hủ tục đáng phải bỏ, nhưng vì đây là sự tôn trọng văn hóa, sự tế nhị trong giao tiếp, nên mình sẽ làm như thế. Mình không thể cứ mãi vỗ ngực bảo “Đây là tự do, là quyền của tao. Muốn mặc hay nói gì đâu tới phiên mày lên tiếng!”.

Quyền tự do ngôn luận, tự do biểu hiện, là lý. Nhưng trong cuộc sống, không phải lúc nào cũng có thể nói lý mãi. Có những xung đột, tranh chấp giữa người và người lắm khi không thể giải quyết bằng lý, mà đôi khi chỉ cần một nụ cười, một cái siết tay, một sự cảm thông là có thể xua tan được tất cả. Đôi khi, lý cần nên nhường chỗ cho tình.

Trở lại chuyện ca sĩ Mai Khôi… Có vẻ cô thiếu một sự nhạy cảm văn hóa đối với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Cờ vàng ba sọc đỏ, mặc dù không còn là lá cờ đại diện cho một quốc gia, nhưng nó vẫn là một di sản văn hóa quan trọng về mặt tinh thần đối với nhiều người Việt tại đây. Thôi, không thích cũng chẳng sao, nhưng cô lại tỏ ý trách móc, dè bỉu sự thua trận của Việt Nam Cộng Hòa!

Hôm nay nói chuyện với anh Mark, mình làm bộ ra vẻ hùng hổ trẻ trâu, bảo không có gì quý hơn sự tự do ngôn luận và biểu hiện, và thôi cứ “kệ mẹ” các bọn dân tộc khác, tôi muốn phán gì thì phán, ngay và luôn! Mark hóm hỉnh hỏi tôi: “Cầu xây chưa xong, mày đã tính chuyện đốt nó đi à!”.

Với Mai Khôi, cầu chưa xây xong, nhưng những lời nói và thái độ cư xử của cô như xát muối vào lòng nhiều người Việt ở đây.

Có cần thiết không, hoặc có ích gì không?

(Nói thêm, mình không đồng ý chuyện một số người chửi rủa Mai Khôi thậm tệ. Những từ ngữ miệt thị kia là hoàn toàn sai và không cần thiết).

Hải Lý, từ Canada


 
 Từ khóa: lá cờ vàng
Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn