MAI KHÔI VÀ CÂU CHUYỆN LÁ CỜ VÀNG

Thứ bảy - 14/01/2017 21:24

(NCTG) Buổi diễn của ca sĩ Mai Khôi tại Virginia (Mỹ) hôm 8/1 vừa qua, được biết tới rộng rãi qua một clip dài gần 1h đăng tải trên mạng cùng một số tường thuật, đã làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt vốn dĩ đã tồn tại từ rất lâu nay và chỉ chờ dịp để tái bùng phát: lá cờ vàng.

Mai Khôi trong buổi diễn tại Berlin (21/11/2016) - Ảnh: Hồ Phạm Huy Đôn

Mai Khôi trong buổi diễn tại Berlin (21/11/2016) - Ảnh: Hồ Phạm Huy Đôn

Bản thân Mai Khôi, trong một số status viết trên mạng xã hội Facebook sau đó (*), để lý giải cho cách hành xử của mình, đã chia sẻ rằng vì một số lý do, cô “không thích cờ vàng, cũng không thích cờ đỏ” và sẽ chọn cờ hồng - “màu của yêu thương” - nếu có khả năng lựa chọn.
 
Tuyên bố đó, kèm với một số phát ngôn do Mai Khôi thể hiện, đã “gặt hái” rất nhiều lời phê phán, thậm chí nhục mạ đến từ những người ưu ái lá cờ vàng, nhưng cũng được không ít ý kiến bênh vực, cho rằng đó là quyền tự do thể hiện quan điểm, thể hiện thái độ với lá cờ.
 
Mỗi bên đều có cái lý riêng của mình, và cuộc tranh luận lần này, bên cạnh cơ hội để những lý lẽ được đưa ra một lần nữa, còn là dịp để chúng ta nghiêm túc nhìn lại: cần có thái độ như thế nào với lá cờ vàng, một phần đời cần trân trọng của rất nhiều người Việt tỵ nạn?
 
Trong mắt không ít người, lá cờ vàng không phải và không chỉ là quốc kỳ của các thể chế đã không còn nữa. Nó còn là biểu tượng của một lý tưởng, là căn cước và tư cách phần đông người tỵ nạn, đã buộc phải rời quê hương trong những hoàn cảnh hết sức đau thương và bi đát.
 
Đồng thời, lá cờ vàng cũng còn là một phần của tâm thức tập thể, của ký ức cộng đồng, là tâm tư tình cảm không thể xóa mờ trong lòng nhiều cá nhân, và đó là điều cần tôn trọng. Quyền tự do biểu đạt, trong trường hợp này, cần song hành với cách hành xử hợp cả lý và tình.
 
Ứng xử một cách có văn hóa, có cân nhắc và thích hợp với biểu tượng đó, là một điều kiện để các cá nhân và các cộng đồng Việt - trong nước và xa xứ - có thể cảm thông nhau hơn, gần nhau hơn, để tới một tương lai nào đó, có thể “lấp đầy được những biên thùy cách biệt” (**).
 
Các ý kiến sau đây của tác giả Lâm Bình Duy Nhiên (hiện cư trú tại Thụy Sĩ) và ca sĩ Jazzy Dạ Lam (sống tại Đức, người đã có dịp cùng Mai Khôi trình diễn trong một số show ở Châu Âu) cho thấy một số góc nhìn - kèm những cảm xúc tâm huyết - trong câu chuyện của Mai Khôi.
 
Trân trọng giới thiệu hai bài viết với mong muốn của một trong hai tác giả: “những người không cùng một ý thức hệ chính trị vẫn có cùng một nỗi đau cho tương lai dân tộc”, “không thể nào mãi thờ ơ với lịch sử và cần nhìn về tương lai” vì “suy cho cùng, chỉ có dân tộc là thượng tôn”.

Ghi chú:
 
(*) Về sau, trên trang cá nhân của mình, ca sĩ Mai Khôi cũng đã có lời “thành tâm xin lỗi đã làm tổn thương nhiều người bằng những lời lẽ thiếu hiểu biết, sai trái của mình”, và cô cũng đã “xin được phép rút lại những lời nói sai” bằng cách “xóa hết những status làm phiền lòng mọi người”.
 
(**) Lời cố nhà văn Mai Thảo.

NCTG


 
 Từ khóa: Mai Khôi
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn