VÀI SUY NGHĨ VỀ TRUMP MỘT TUẦN SAU LỄ NHẬM CHỨC

Thứ ba - 31/01/2017 16:47

(NCTG) “Mọi chuyện hoàn toàn khác nếu Trump thực sự vi phạm pháp luật. Không thể chỉ vì Trump đã thắng cử mà mọi người đều phải chấp nhận và Trump có thể hiển nhiên tiếp tục làm tổng thống Mỹ bất chấp mọi thứ” - quan điểm của Di Nguyen, một sinh viên hiện sinh sống ở Oslo và đang học đại học ở Leeds (Anh Quốc).

Biểu tình phản đối chính sách nhập cư bị coi là kỳ thị chủng tộc của Trump - Ảnh: Patrick Fallon (Reuters)

Biểu tình phản đối chính sách nhập cư bị coi là kỳ thị chủng tộc của Trump - Ảnh: Patrick Fallon (Reuters)

Sau lễ nhậm chức hôm 20-1, Donald Trump đã chính thức trở thành tổng thống Mỹ.

Có lẽ đã đến lúc tôi nên chấp nhận thực tế, chờ xem chuyện gì xảy ra, và hy vọng mình sai? Đây là một luận điệu thường gặp, đặc biệt với những người ủng hộ Trump và đã bầu cho Trump, những người chống Trump chỉ cay cú và không chịu thừa nhận “thất bại nhục nhã”, và thay vì tiếp tục tấn công và chống đối, nên “move on”.

Luận điệu này có hai vấn đề.

Thứ nhất, cách đây không lâu, tôi đã viết một bài phân tích vì sao theo tôi Trump hoàn toàn không xứng đáng trở thành tổng thống Mỹ, xét về kinh nghiệm, kiến thức, quan điểm, đường hướng, tính cách lẫn nhân cách - quan trọng hơn hết, Trump đi ngược lại với mọi giá trị dân chủ, tự do và bình đẳng (1).

Sau chiến thắng, Trump lấn việc của Obama (chẳng hạn như nói chuyện với lãnh đạo của Đài Loan) trước khi chính thức trở thành tổng thống (2).

Sau chiến thắng, Trump tìm cách đưa người nhà vào chính phủ như thể theo gia đình trị (3).

Sau chiến thắng, Trump tuyên bố không cần đọc báo cáo của CIA mỗi ngày (4).

Sau chiến thắng, Trump tấn công cả EU và NATO (5).

Sau chiến thắng, Trump tấn công cả CIA, FBI và báo chí Mỹ, ít nhất những tờ đã phê phán mình như CNN hoặc NBC (6).

Sau chiến thắng, Trump vẫn lồng lộn đả kích mỗi khi có bất kỳ ai đả động tới mình, ngay cả khi người đó không nêu đích danh (7).

Sau chiến thắng, Trump chọn đúng tuần lễ tưởng niệm Martin Luther King Jr để thóa mạ Nghị sĩ John Lewis, một trong những nhân vật quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh đòi bình đẳng cho người da đen ở Mỹ (8).

Sau chiến thắng, Trump không có bất kỳ động tác nào để hàn gắn một nước Mỹ đang chia rẽ, và tiếp tục, chẳng khác lãnh đạo các nhà nước độc tài, dùng từ “kẻ thù” (enemies) để gọi tất cả những người phê phán hoặc không ủng hộ mình (9). 

Đó là chưa kể một số hành động hoặc phát ngôn kỳ lạ của đội ngũ Trump sau ngày 20-1, như phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer tuyên bố dối trá về lượng người tham dự lễ nhậm chức rồi Kellyanne Conway bảo đó là alternative facts (10), hoặc Stephen Bannon, chiến lược gia của Trump, gọi truyền thông là đảng đối lập và bảo nên câm mồm (11), hoặc Trump, không cần bằng chứng, khẳng định là có hàng triệu người bỏ phiếu bất hợp pháp và tất cả trong số đó đều bầu cho Hillary Clinton (12).

Ngay cả khi bỏ qua tất cả những chuyện đó, như những người ủng hộ Trump bất chấp mọi thứ chỉ vì tin rằng Trump có thể lỗ mãng nhưng trung thực, nghĩ gì nói nấy, cứng rắn, và có thể khiến nước Mỹ hùng cường trở lại (“make America great again”), chuyện Trump trở thành người quyền lực nhất thế giới nên xét ở khía cạnh luật pháp.

Chuyện thứ nhất là thuế. Mặc kệ kêu gọi từ nhiều phía, Trump hoàn toàn không công khai giấy tờ khai thuế, và theo tài liệu, có vài năm hoàn toàn không đóng thuế (13). Không lẽ một người có thể trốn thuế, vi phạm luật pháp, mà vẫn làm tổng thống Mỹ? 

Chuyện thứ hai là Putin. Ngay cả khi Nga không trực tiếp can thiệp vào kết quả bầu cử của Mỹ, các phát biểu của Trump về NATO, EU, Brexit và những trừng phạt kinh tế Mỹ và Châu Âu áp dụng với Nga sau Crimea cho thấy về mặt ngoại giao Trump sẽ đi theo con đường Putin muốn từ bao lâu nay (14). 

Không những thế, theo một cuộc đối thoại vừa lộ ra, lời Trump, khi đang tranh cử, khẳng định chưa từng nói chuyện với Putin là dối trá (15). Nếu Trump thực sự có quan hệ thân thiết với Putin, hay tệ hơn, nếu Putin có thể khống chế Trump theo nghĩa nào đó, đó là chuyện đáng lo ngại.

Chuyện thứ ba là những lời cáo buộc lạm dụng tình dục. Tất nhiên, Trump vô tội cho tới khi bị chính thức buộc tội, nhưng thực tế vẫn là Trump có hơn cả chục vụ kiện cần ra tòa (16), và nếu bị xem có tội, phải trả giá cho hành động của mình - nói người khác nên “move on” và chấp nhận Trump chỉ vì đã được bầu làm tổng thống Mỹ là vô trách nhiệm.

Thiếu kinh nghiệm và hiểu biết là một chuyện; người ta cũng có thể, vì lý do nào đó, bỏ qua những câu phát biểu phân biệt tôn giáo, phân biệt giới tính v.v…, nhưng mọi chuyện hoàn toàn khác nếu Trump thực sự vi phạm pháp luật. Không thể chỉ vì Trump đã thắng cử mà mọi người đều phải chấp nhận và Trump có thể hiển nhiên tiếp tục làm tổng thống Mỹ bất chấp mọi thứ.

Quan trọng hơn, bảo những người chỉ trích hoặc phản đối Trump đang cay cú, không muốn chấp nhận thất bại, và nên “move on”, là một luận điệu phản dân chủ.

Chẳng hạn như hashtag #notmypresident. Nói như thế không có nghĩa là không chịu kết quả bầu cử và không chấp nhận thua, nói như thế không có nghĩa là cay cú, nói như thế không có nghĩa là muốn nổi loạn đòi thay đổi hệ thống bầu cử của Mỹ, nói như thế càng không có nghĩa là xem tổng thống mới là kẻ thù và cầu Trump phá nát nước Mỹ để mình được xem là đúng.

Nói #notmypresident là nói: Trump không đại diện cho tôi, không đại diện cho nước Mỹ và những cái tôi tin là giá trị Mỹ; tôi không bầu cho Trump, không có cùng quan điểm với Trump.

Nói #notmypresident là khẳng định mình cũng phản đối Trump, với những nhóm người từng bị Trump tấn công hoặc móc mỉa, như phụ nữ, như người Hồi giáo, như dân Mexico, như người tàn tật, v.v…

Tương tự, đốt cờ cũng là cách thể hiện chính kiến. Đó có thể là một hành động gây tranh cãi, nhưng đốt cờ không có nghĩa là phản quốc hay chà đạp lên nước Mỹ. Một người Mỹ tôi quen bảo, bản thân không phải là “fan” của chuyện đốt cờ, nhưng so với rất nhiều quốc kỳ khác, lá cờ Mỹ mang ý nghĩa biểu tượng đặc biệt quan trọng, về lịch sử Mỹ, về giá trị Mỹ, về sự thành lập của một nền dân chủ và hợp chúng quốc, về sự tự do, đa dạng và hiệp nhất.

Bởi vậy, đốt cờ là một hành động mang tính biểu tượng, một cách thể hiện chính kiến, một cách thể hiện sự thất vọng khi một người như Trump, đi ngược lại mọi giá trị về tự do, dân chủ và đa dạng, lại chiến thắng, một cách phản kháng cách Trump tận dụng và khích động thù hằn và chia rẽ giữa người Mỹ với nhau và giữa người Mỹ và dân nước khác để có được phiếu bầu.

Tôi có thể hiểu được tại sao chuyện đốt cờ và dùng hashtag #notmypresident có thể gây tranh cãi. Tôi cũng có thể hiểu được tại sao những người ủng hộ Trump cười cợt đề nghị điều tra xem Nga có tác động đến bầu cử hay không, dù theo tôi nghi ngờ là một quyền, và nếu có thể kêu gọi điều tra vụ email của Hillary Clinton (sau cả hai lần FBI đều không tìm thấy gì trái luật (17)) thì cũng có thể đề nghị điều tra vụ Nga, đặc biệt khi có dấu hiệu hệ thống bị hack (18).

Nhưng không chỉ thế, nhiều người tôi thấy trên Internet, khi bảo người ghét Trump nên “move on”, cũng nói tới chuyện những người chống Trump tiếp tục chỉ trích và biểu tình phản đối.

Đó là cách nghĩ rất phản dân chủ. Biểu tình là một quyền. Chỉ trích và phê bình là một quyền. Chế giễu chính trị gia cũng là một quyền. Trump sẽ không trở thành ngoại lệ.

Bản thân tôi không quá lo lắng về bốn năm tới. Hệ thống dân chủ sẽ không cho phép Trump làm bất kỳ cái gì mình muốn, và nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ chỉ có bốn năm. Chiến thắng của Trump là lời cảnh tỉnh cho cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Và dù sao đi nữa, tôi cũng không sống ở Mỹ.

Nhưng những người đã bầu cho Trump không nên nói người khác nên “move on”, chấp nhận kết quả, và chuyển sang ủng hộ Trump. Trump sẽ bị biểu tình phản đối, sẽ bị cười cợt chế giễu, sẽ bị chỉ trích, sẽ bị điều tra, và nếu vi phạm pháp luật, sẽ phải trả giá. Trump sẽ không trở thành ngoại lệ.

Đó là cái khác biệt giữa một nước dân chủ và một nước độc tài.

Ghi chú:
 
(1) http://baotreonline.com/ve-chien-thang-cua-donald-trump/ 

(2) https://www.theguardian.com/us-news/2016/dec/03/trump-angers-beijing-with-provocative-phone-call-to-taiwan-president 

(3) http://time.com/4604056/donald-trump-nepotism-ivanka-jared-kushner/ 

(4) http://www.cnbc.com/2016/12/12/trump-claims-he-doesnt-need-daily-intelligence-briefings-because-hes-a-smart-person.html 

(5) https://www.washingtonpost.com/world/europe-leaders-shocked-as-trump-slams-nato-eu-raising-fears-of-transatlantic-split/2017/01/16/82047072-dbe6-11e6-b2cf-b67fe3285cbc_story.html?utm_term=.dc2544b7f3d0 

(6) Về CIA: http://edition.cnn.com/2017/01/15/politics/john-brennan-cia-donald-trump/ 
Về CNN: http://uk.businessinsider.com/cnn-fake-news-donald-trump-cnn-jim-acosta-question-press-conference-2017-1
Về NBC: http://uk.businessinsider.com/trump-tweets-on-nbc-news-us-jobs-2017-1?r=US&IR=T 

(7) Nhiều nhất là Alec Baldwin, vì châm biếm Trump trên SNL. Và gần đây nhất là Meryl Streep - khi Meryl Streep đá động tới Trump, dù không nêu đích danh, trong bài diễn văn tại Golden Globes, Trump đả kích lại ngay lập tức.

(8) https://www.ft.com/content/697c0d7a-da66-11e6-9d7c-be108f1c1dce 

Báo “The New York Times” cũng có một bài nói về đạo đức của Trump và John Lewis

(9) Ví dụ lời chúc năm mới của Trump: http://insider.foxnews.com/2016/12/31/trump-happy-new-years-tweet-2017-enemies-losers-election

(10) http://www.usatoday.com/story/news/politics/2017/01/24/fact-check-inauguration-crowd-size/96984496/ 

(11) https://www.nytimes.com/2017/01/26/business/media/stephen-bannon-trump-news-media.html?smid=fb-nytimes&smtyp=cur&_r=0 
 
(12) http://nymag.com/daily/intelligencer/2017/01/bizarre-moments-from-trumps-first-tv-interview-as-president.html?mid=fb-share-di 

(13) https://www.nytimes.com/2016/09/28/us/politics/donald-trump-taxes.html?_r=0 

(14) https://www.facebook.com/pham.q.tuan.940/posts/10154915910334512?match=cGhhbSBxdWFuZyB0dWFuLGJyZXhpdCx0deG6pW4scXVhbmcsdHJ1bXAsdHVhbixwaGFt 

Báo “The New York Times” cũng có một bài phân tích tại sao Trump có thể làm lợi cho Putin.

(15) https://www.yahoo.com/news/tape-shows-trump-contradicting-himself-again-on-putin-meeting-213245455.html 

(16) https://en.wikipedia.org/wiki/Donald_Trump_sexual_misconduct_allegations 

(17) http://edition.cnn.com/2016/11/06/politics/comey-tells-congress-fbi-has-not-changed-conclusions/ 

(18) https://www.theatlantic.com/international/archive/2017/01/russian-hacking-trump/510689/

Bản thân Trump, sau khi chối và cười cợt một thời gian, cũng nói “I believe it was Russia”.

Di Nguyen, từ Leeds (Anh Quốc)


 
 Từ khóa: Donald Trump
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn