“ĐỪNG KỂ TÊN TÔI” VÀ NỖI ĐAU NGƯỜI LÍNH

Thứ bảy - 11/11/2017 09:30

(NCTG) “Tôi gần như không biết gì hết. Chiến tranh là bài học lịch sử cần thi lấy điểm”.

Bìa sách “Đừng kể tên tôi”

Bìa sách “Đừng kể tên tôi”

Lời Tòa soạn: “Đừng kể tên tôi” (Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2017) là những câu chuyện về số phận người lính trong và sau chiến tranh, được Phan Thúy Hà thu thập, ghi chép theo cách “trung thực đến tận cùng, không thêm bớt, không hư cấu đỏ hơn mà cũng không đen hơn, sù sì như sự thật, như cuộc đời” (nhận xét của nhà văn Trần Huy Quang). 

Phan Thúy Hà sinh năm 1979, theo chia sẻ với NCTG thì: “Ở nhà nội trợ, đưa đón con đi học. Rảnh thì viết facebook, viết báo, viết truyện”. Tốt nghiệp khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2002; từng là biên tập viên phòng Văn học, NXB Phụ nữ trong 10 năm.  “Đừng kể tên tôi” là kết quả hai tháng làm việc cật lực của tác giả. 

Đã có rất nhiều sách viết về người lính trong chiến tranh, nhưng cuộc sống của họ - đa phần là cơ cực, nhiều khi bần cùng - thời hậu chiến thì chưa được nhắc tới nhiều. “Đừng kể tên tôi” có thể là một cách tiếp cận, một lát cắt mới trong đề tài đó. Trân trọng giới thiệu tác phẩm mới này tới bạn đọc, cùng những lời chia sẻ, trần tình của tác giả (NCTG).

(*) NCTG đã có dịp đăng tải một đoạn của cuốn sách với tựa “Buồn không mùa vụ”. Có thể đặt mua sách qua tác giả. Nhan đề bài viết do NCTG tạm đặt.
 
Tác giả và một nhân vật trong cuốn sách - Ảnh do nhân vật cung cấp
Tác giả và một nhân vật trong cuốn sách - Ảnh do nhân vật cung cấp

Giữa tháng 5 tôi viết một đoạn trên dòng trạng thái rằng muốn viết một cuốn sách về những người lính thời chiến tranh. Một lớp người sắp tuyệt chủng. Nếu không viết thì muộn mất.

Viết xong thì hơi hoảng. Nói nhưng có làm được không.

Đợi vài tuần trôi đi, tôi lờ đi bằng cách ẩn chế độ một mình đoạn viết đó. Vậy là không phải chịu trách nhiệm về lời đã viết.

Hôm đó tôi đang ở Đắc Lắc, thị trấn Eak Nốp, thăm nhà một người em cũng quen tình cờ trên facebook. Em ở Đồng Nai, người đến đón ba mẹ con là bố em. Hai chú cháu cùng đi chợ, nấu cơm, trò chuyện như thể quen nhau từ xưa nay. Ngủ trưa dậy, bố em trèo lên cây dừa hái quả xuống cho ba mẹ con uống nước. Ngồi uống nước ở thềm bố em đột nhiên nói. Trên người chú còn bốn mảnh bom. Chú kéo áo lên cho tôi xem từng chỗ mảnh bom tay chạm vào cảm thấy được. Hai thằng con trai tôi nghe chuyện đó thì thấy kinh hoàng. Người ta có thể sống với rất nhiều mảnh bom dính trong cơ thể.

- Gia đình chú tám người đi chiến trường. Anh trai thứ hai bị nhiễm độc chiến tranh nằm bệnh mười hai năm đã mất. Anh trai thứ ba cũng nằm một chỗ trên giường mười lăm năm rồi, người giống như xác khô không biết gì.

- Ông ơi, sao cả gia đình ông chọn cái nghề nguy hiểm như vậy ạ? - Con trai tôi hỏi.

- Không phải nghề cháu ạ. Không có nghề đánh giặc. Thanh niên lớn lên trong thời đại đó hầu hết ai cũng như các ông. Nếu cháu sinh ra ở thời của ông, sống ở làng quê ông thì cháu cũng vậy thôi.

Một đứa bé học vừa xong lớp năm. Nó có cần thiết phải biết một cách cụ thể chuyện chiến tranh đã xảy ra không? Và tôi, người mẹ, người con sinh ra khi đất nước đã im tiếng súng tiếng bom, hiểu biết được tới mức độ nào để nói cho con?

Tôi gần như không biết gì hết. Chiến tranh là bài học lịch sử cần thi lấy điểm.

Ông đã kể và nước mắt nhạt nhòa. Những giọt nước mắt tuổi già trước mặt những đứa trẻ lớp hai lớp năm. Tại sao lại vậy chứ? Tôi lặng im. Tôi cảm thấy mình là người có lỗi.

- Cháu sẽ viết về những câu chuyện như thế này.

Tôi quả quyết như vậy. Ai đã viết, họ đã viết như thế nào? Tôi không biết. Ở đây, với trách nhiệm là một người con, một người cháu, tôi phải viết.

Cuốn sách này không phải là chuyện hư cấu. Không phải là dựa trên câu chuyện có thật. Mà chính nó là thật. Những câu chuyện, những con người thật.

Cuốn sách này không phải là sáng tác văn chương. Bạn sẽ chê cười tôi viết lách gì mà kém vậy nếu coi nó như một sản phẩm văn chương.

Những câu chuyện kể ra từ cuốn băng ghi âm và tôi chép lại nguyên xi.

Để dễ đọc thì tôi có sắp xếp lại theo khả năng khiêm tốn của mình.

Cuốn sách gồm hai phần.

Phần một là chân dung người lính từ ngày còn là cậu bé lớp một đào hầm đi học cho đến ngày quay trở về quê bắt đầu nghề nghiệp cày ruộng.

Phần hai là những kỷ niệm, những điều mà mỗi người lính muốn nói mà chưa bao giờ có ai nghe để nói.

Chú muốn kể ra hết cho cả nhân loại biết nỗi đau này của gia đình chú”.

Nhưng sau cùng là “Đừng kể tên chú”.

Tại sao chú lại không muốn “cả nhân loại” biết tên mình?

Một người cô trong facebook của tôi năm mươi năm qua mang trong mình nỗi sợ lính cộng sản. Tôi viết cho cô.

Tôi viết cho bạn tôi. Người bạn có bác là liệt sĩ vô danh.

Tôi viết cho bạn bè cho những người em luôn muốn biết chính xác chuyện gì đã xảy ra.

Tôi viết như trả một chút nợ nần cho những người nông dân khổ cùng khổ tận nơi làng quê tôi lớn lên là Hương Khê, Hà Tĩnh.

Tôi viết để nói rằng con đã sống ở Hà Nội và con yêu thương các bác như thương người quê hương con lam lũ.

Tôi sẽ tự bỏ tiền ra in cuốn sách này. Mong rằng bạn bè sẽ ủng hộ.

Trích một số đoạn từ cuốn sách:

Khóc. Tại sao từ lúc tôi đến đây, gặp ai, rồi cũng khóc.

Tôi ba mươi tám tuổi. Khóc cũng đã nhiều. Nhưng phải trong tình cảnh này, nhìn những người chú người bác người ông nghèn nghẹn nước mắt tôi bối rối. Trước mặt họ, trong hoàn cảnh này, lẽ ra phải là một ai đó có sức mạnh. Tôi thì chỉ có đôi tai để nghe
”.

...

Đứa bé lại khóc ngằn ngặt vì đói sữa. Anh giật mình anh hốt hoảng. Địch. Địch xuất hiện anh em ơi. Anh hất nôi đứa bé văng ra xa. Vết sẹo trên đầu vẫn in hằn tới bây giờ.

Tôi đã biết vì sao anh trở nên như vậy, trông chừng con sắp khóc là tôi ôm con chạy xa anh. Chạy về làng. Anh đuổi theo. Tôi ôm con tuột xuống hầm. Hầm tránh bom Mỹ. Và giờ hầm là nơi tôi trốn chạy khi chồng lên cơn
”.

...

Xe dừng bánh. Từ đây chúng tôi làm quen với cuộc sống chiến trường. Trước mặt là núi. Sau lưng là núi. Núi lớp lớp trùng trùng. Núi sừng sững. Chân núi là đất cằn cây le le mọc san sát.

Tiền trạm đưa chúng tôi vào vị trí. Họ mặc quần áo bà ba đen, tóc dài chớm tai, da ai cũng xanh bủng, mắt vàng lờ đờ. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy những sắc mặt như vậy. Họ là người dân tộc hay người Kinh?

Tôi vốn tò mò. Tôi chạy tới sát một người trong số đó.

- Chào anh.

Người ta gật đầu.

- Từ đây tới chỗ chúng tôi nghỉ còn xa không nhỉ?

- Bốn tiếng nữa.

- Bốn tiếng là bao cây số hả anh?

- Ở đây không gọi là cây số vì đường núi. Có ngọn leo một giờ có ngọn leo hai giờ có ngọn leo bốn giờ mới tới đỉnh.

Tôi rút một điếu thuốc lá Tam Đảo ra mời anh. Anh nhìn tôi mắt ánh lên.

Tôi bật lửa. Anh gạt đi và cất thuốc vào túi.

- Bây giờ tôi mới được cầm điếu thuốc quê hương.

Tôi ngạc nhiên.

- Anh quê ở đâu?

- Thượng Cát - Gia Lâm Hà Nội.

- Anh vào đây lâu chưa?

- 1965.

Ba năm. Ba năm ở Tây Nguyên một người con của Hà Nội thay đổi kinh khủng vậy sao? Tôi không thể nhận ra anh ra đi từ Hà Nội. Anh đã khác từ dáng hình tới sự hưởng thụ. Tôi nghĩ tới Hà Nôi cách đây không lâu. Tôi thấy những thanh niên đầu bóng mượt ngồi lơ mơ bên cốc cà phê. Bao thuốc lá thơm lăn lóc trên bàn.

Vẫn người thanh niên đó bây giờ ở đây.

Chuyện gì đã xảy ra ở nơi rừng núi âm u này trong ba năm qua?
”.

...

Mảnh dù pháo sáng bay lửng lơ. Từ xa trông giống như những dải khăn tang.

Những dải khăn tang thả trên đầu người mẹ người em người vợ. Những dải khăn trang phủ trên cánh rừng. Chiến tranh ác liệt quá hy sinh nhiều quá. Thanh niên xung phong, bộ đội, người dân vô tội. Con người mất mát và đất trời vạn vật cũng mất mát khôn nguôi. Máy bay đánh bom. Người chết. Và cây cũng chết. Rừng trơ trụi. Rừng đeo khăn tang. Cây quấn khăn tang. Đèo núi khăn tang. Và tôi cũng đang buộc khăn cho người đồng đội vừa chết đêm qua.

Tôi làm bài thơ cuối cùng trên đèo Mụ Dạ. Tôi đọc cho anh em nghe. Anh em vỗ tay. Chính trị viên cũng vỗ tay. Đột nhiên chính trị viên thay đổi sắc mặt.

- Đồng chí lên gặp tôi ngay.

- “Những dải khăn tang trên đèo Mụ Dạ”. Tại sao đồng chí viết như vậy. Tuyên truyền cho địch à?

Viết bản kiểm điểm. Kỷ luật. Cuốn sổ tay giấu kỹ trong ba lô bị mang ra. Đốt. Đốt hết. Lửa cháy bùng.

Thơ tôi không tiếc. Tôi tiếc những trang nhật ký về những năm tuổi trẻ đời tôi. Tôi ức chế đến độ không còn nhớ gì mình đã viết
”.

Phan Thúy Hà


 
 Từ khóa: chiến tranh
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 3.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn