(NCTG) “Khéo về sau ở đâu cũng sẽ xây dựng những thành phố lồng kính như ở mấy nước Ả Rập giàu có, con người ta sinh sống trong đó mà chẳng cần biết thời tiết bên ngoài thế nào. Nếu như vậy, tôi chắc sẽ nhớ những cơn mưa”.
Giọt mưa thu
Năm nay nhuận hai tháng Sáu nên mùa hè kéo dài, mùa thu tới muộn. Ở Hungary, bình thường cứ sau ngày Quốc khánh 20-8 coi như hết hè, vậy mà cả tháng Tám vừa rồi đường phố vẫn vắng vẻ, thiên hạ đi đâu hết, chẳng thấy rục rịch không khí khai giảng đến trường. Nhưng cũng chẳng thế nào chống lại được quy luật của tự nhiên: mới hôm qua thôi còn thèm uống bia lạnh với trà đá, bật quạt vù vù, tối đến gió đã về đập cửa, đêm mưa lộp bộp và sáng ra thấy vườn phủ một màn sương mỏng. Ai cũng hình dung mùa thu Châu Âu thật lãng mạn với những thảm lá vàng lá đỏ các mầu và bầu trời cao xanh biếc. Nhưng thực ra mùa thu là mùa mưa nhiều nhất trong năm.
Nhớ lại không biết lần cuối cùng tôi mừng rỡ thấy mưa là từ bao giờ. Có lẽ chỉ từ hồi còn bé, nhà tập thể mái tôn rất nóng nên sau những ngày hè oi ả, cả khu nhà chúng tôi ai cũng mừng rỡ mang chậu thau, xô nhựa ra hứng nước mưa. Bọn trẻ con hay tụ tập ra ngoài hành lang, hồi hộp xem nước dâng cao đến đâu rồi để chút nữa tạnh mưa còn đi lội nước. Phố nhà tôi không trũng lắm nên tôi nhớ mưa to cũng chỉ ngập mấp mé mảnh sân. Mặc cho nỗi sợ hãi bọn giun và rết loàng ngoằng trong nước, chúng tôi vẫn thích lội chân trần để tìm “cảm giác mạnh” như thể được đi biển hay ra bể bơi. Bọn con trai cởi trần ra đường đá bóng dưới mưa hay còn rủ nhau ra bờ đê xem nước. Tôi không được đi cùng nhưng hay thích thú nghe chúng nó kể lại xem nước dâng tới đâu. Tôi còn hay ghen tỵ với con bạn cùng lớp kể nhà nó gần hồ, mưa nước ngập ngang bụng bắt được cả cá con.
Mỗi cơn mưa ở Hà Nội như thể một câu chuyện có mào đầu, có chờ đợi, có diễn biến lên đến kịch điểm rồi mãi mới nguôi ngoai. Tháng Bảy ta mưa bão thường kéo dài đến mấy ngày liền. Thời bé tôi có bệnh hay khóc dai nên thường bị mẹ mắng khóc gì mà khóc như mưa bà Ngâu. May sau này lớn lên bỏ được cái tật đó chứ không chắc chẳng ai chịu được. Tôi nhớ thời đó sau cơn mưa mọi thứ cũng dường như khác, mấy bà bán rau khoác chiếc áo mưa bán mớ rau muống còn ướt sũng cọng xanh mơn mởn, giá thịt cá tăng lên nên mẹ tôi hay mua đậu phụ “ăn cho nó lành”. Người Hà Nội sau đợt mưa có vẻ dịu dàng nhẹ nhàng hơn, phóng xe đạp trên phố gió mát còn đẫm hơi nước phả vào mặt thật dễ chịu. Mấy quán cà phê vỉa hè đông nghịt khách vào uống cốc nâu nóng. Cảm giác hơi xe lạnh làm con người ta chóng đói, nhất là khi đi qua mấy hàng bún phở đầu Nguyễn Du hay ngửi thấy mùi bánh mì kẹp thịt ở phố Huế. Nước mưa làm nẫu đống lá sấu rụng đầy đường Trần Hưng Đạo, buổi tối có một vị nồng nồng rất đặc trưng của Hả Nội.
Tôi nghiệm thấy cái thuyết “thời tiết chi phối tính cánh con người” cũng có phần đúng. Do có thời gian sống lâu trong Nam, tôi thấy mưa Sài Gòn khác hẳn mưa miền Bắc. Đúng như lời bài hát của Trịnh Công Sơn “nhớ Sài Gòn, mưa rồi chợt nắng”, chẳng ai đoán trước được lúc nào sẽ có mưa. Mà cũng chẳng cần đoán, mùa mưa ngày nào chẳng có thể mưa, sáng nắng chiều mưa, mưa xong rồi tạnh, nửa phố bên này mưa nửa phố bên kia đã nắng. Chẳng ai mong mưa cũng chẳng ai đề phòng có mưa. Mưa thì trú chân một chút dưới mái hiên rồi tạnh lại lên xe phóng đi. Mà giọt mưa của Sài Gòn cũng không lạnh, chẳng may có bị thấm vào người cũng không sao - ta thường bắt gặp mấy cô nữ sinh miền Nam mặc áo dài trắng nghịch ngợm đạp xe dưới mưa quần áo ướt sũng dính chặt vào người trông thật gợi cảm. Sau cơn mưa, mọi thứ lại trở về bình thường ngay lập tức, như một cuộc tình thoảng qua rồi ra đi không để lại chút tơ vấn gì. Có lẽ vì vậy mà người Nam thường cũng cởi mở, phóng khoáng, ít để bụng, ít nhớ lâu như người Bắc.
Các bài hát trong Huế đều hay có chữ “buồn”. Mấy lần vào Huế mùa mưa tôi mới hiểu người Huế không buồn mới lạ. Chẳng có kiểu mưa nào rả rích từ sáng đến tối hết ngày này qua ngày kia cả tháng trời mà làm cho con người ta vui được. Mưa ở Huế không ào ào rầm rập mà chỉ nhẹ nhàng thỏ thẻ như mấy cô gái Huế. Bố tôi người Huế, thường kể chuyện ký ức hồi bé mỗi lần đến mùa mưa bà nội tôi lại lo nhà hết gạo do mưa lâu quá, nước lên, chẳng làm ăn buôn bán được gì chỉ ngồi nhà não cả lòng. Vẻ đẹp của thành phố Huế cũng là vẻ đẹp buồn. Mưa nhiều nên thành cổ lắm rêu phong, cây cối xanh tốt, người Huế thích chăm chút tỉa tót vườn tược như vườn Nhật bản. Mưa trở thành một đặc sản của du lịch Huế. Người ta tổ chức những tour du lịch dưới mưa, phát cho mỗi người một chiếc áo mưa ni-lông xanh đỏ trông thật vui mắt. Có những người từng tham gia tour như vậy đã thốt lên: có thăm lăng tẩm Huế lúc mưa mới cảm nhận hết cái vẻ huyền bí của mảnh đất này.
Nếu xét về mặt thời tiết, Đà Lạt là thành phố của “bốn mùa trong một ngày”. Sáng sớm mát mẻ, không khí trong lành như mùa xuân, trưa đến nắng nóng như hè, chiều xuống heo may mùa thu và tối đêm lạnh như mùa đông. Những bức tranh về Đà Lạt thường hay phác họa cặp tình nhân khoác tay nhau, cầm ô đi trong chiều mưa trên con đường đồi núi lên lên xuống xuống. Mưa ở Đà Lạt khá lạnh, mặc áo khoác mà vẫn có cảm giác cần ôm nhau hay gần nhau thêm nữa cho ấm lên. Chắc tại thế mà Đà Lạt từ thời trước năm 1975 đã là nơi hẹn hò hay trăng mật của dân ăn chơi miền Nam. Người gốc Đà Lạt tính tình lãng mạn, thường yêu thích âm nhạc và yêu hoa. Trong số hàng trăm nghìn loài hoa ở Đà Lạt, có hai loại mà tôi thích nhất đó là cẩm tú cầu và hoa lưu ly. Mỗi cành cẩm tú cầu nở ra cả chùm hoa to tướng đủ các màu hồng, tím, trắng, xanh... như một mâm xôi. Nếu như cẩm tú cầu được cho là đại diện cho sự lạnh lùng, thay đổi trong tình yêu thì hoa lưu ly “forget me not” lại tượng trưng cho sự vĩnh cửu. Lưu ly thuộc loại hoa cỏ dân dã, không nổi bật kiêu hãnh như hoa hồng hay thơm nức mũi như hoa ly thường hay được mọi người ưa chuộng. Cả hai loại hoa này ưa không khí ẩm nên càng mùa mưa càng mọc nhiều và tươi tốt.
Mấy năm gần đây về Hà Nội tôi sợ nhất mấy ngày mưa, đường xá giao thông tắc ngẹt ó, ngồi trong taxi thấy bí bức mà nghĩ phóng xe máy bên ngoài còn khổ hơn. Chưa kể đến những thể loại ngập “phố cũng như sông” và đường xá xụp lở. Không biết từ bao giờ con người ta ngày càng sợ những yếu tố thiên nhiên đến thế! Khéo về sau ở đâu cũng sẽ xây dựng những thành phố lồng kính như ở mấy nước Ả Rập giàu có, con người ta sinh sống trong đó mà chẳng cần biết thời tiết bên ngoài thế nào.
Nếu như vậy, tôi chắc sẽ nhớ những cơn mưa...
Bài và ảnh: BS. Đặng Phương Lan - Budapest một ngày mưa 2-9-2017
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...