Bộ phim “Sisi”: MỘT ĐỜI VINH QUANG VÀ CÔ ĐỘC CỦA HOÀNG HẬU ÁO QUỐC

Thứ ba - 24/10/2017 18:11

“Đối với tôi, hạnh phúc được tăng gấp đôi bởi khi lựa chọn người phối ngẫu trong tương lai, tôi đã theo những cảm xúc sâu kín trong lòng, và tôi hy vọng từ tâm can rằng tôi sẽ tìm được niềm hạnh phúc của đời mình trong những đức tính tuyệt vời của Elisabeth”.

Nữ tài tử Romy Schneider (phải), người thủ vai Hoàng hậu Sisi trong loạt phim kinh điển - Ảnh: Internet

Nữ tài tử Romy Schneider (phải), người thủ vai Hoàng hậu Sisi trong loạt phim kinh điển - Ảnh: Internet

Nghe bản audio tại đây.

Đó là những lời được ghi lại trong chính sử mà Hoàng đế Franz Joseph Đệ nhất của Đế quốc Áo đã thổ lộ trong ngày trọng đại của ông, 24-4-1854, khi ông cùng người em họ, nữ công tước xứ Bayern Elisabeth bước vào ngôi thánh đường của dòng tu Augustin tại thủ đô Vienna.

Lễ thành hôn của người đứng đầu vương triều Habsburg khởi đầu cho chuỗi lễ lạt trọng thể kéo dài một tuần trên khắp xứ Áo, đồng thời cũng là điểm bắt đầu cho quãng thời gian kéo dài 44 năm trên ngôi vị Hoàng hậu xứ Áo - dài nhất trong lịch sử nước này - của Elisabeth.

Người phụ nữ được tôn vinh là đẹp nhất Châu Âu hậu bán thế kỷ 19 ấy, khi ở tuyệt đỉnh của danh vọng, vẫn cô đơn và vẫn phải trải qua muôn vàn thử thách, khi cá tính thẳng thắn, bình dân của bà đi ngược lại những lề luật, chuẩn mực hết sức khuôn phép của vương triều Áo.

Không hề được chuẩn bị cho ngai vàng, cũng không hề có chút kinh nghiệm trong cuộc sống hoàng tộc, nhưng với vẻ đẹp mê hồn và rực rỡ, phong cách quyến rũ và cách hành xử khác biệt trong môi trường bà sống, Elisabeth đã vĩnh viễn để lại tên tuổi trong lịch sử Áo, và Châu Âu.

Bộ phim kinh điển của văn hóa đại chúng

Đặc biệt, tròn 180 năm kể từ khi chào đời, hình ảnh Elisabeth vẫn được hậu thế biết đến và nhớ tới nhiều nhất nhờ série phim “Sisi”, được khởi chiếu cách đây đúng sáu thập niên, ghi lại những năm tháng huy hoàng và cả cam go của Elisabeth, cũng như của vương triều nước Áo.

Mang cái tên chung “Sisi”, phim gồm ba phần riêng lẻ - “Sisi, Hoàng hậu Áo Quốc”, “Vị hoàng hậu trẻ”“Những năm tháng quyết định” - được hoàn tất nối tiếp nhau trong những năm 1955-1957, và trở thành bộ phim được biết tới nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh nói tiếng Đức.

Phim có sự góp mặt của hai tài tử lớn của điện ảnh Áo, Romy Schneider và Karlheinz Böhm. Đặc biệt, Romy Schneider, tượng đài sau này của nghệ thuật thứ bảy thế giới, khi thủ vai Elisabeth ở phần một của phim cũng mới chỉ chưa đầy 17 tuổi, xấp xỉ độ tuổi của Sisi trong phim.
 
Hoàng hậu Elisabeth: ngoài đời (trái) và trên phim - Ảnh tư liệu
Hoàng hậu Elisabeth: ngoài đời (trái) và trên phim - Ảnh tư liệu

Được quay một cách hết sức diễm lệ và ngoạn mục với những địa điểm là biểu tượng của nền quân chủ Áo, như Hoàng cung Hofburg, Lâu đài Schönbrunn..., với nhiều tình tiết vừa cuốn hút hấp dẫn, vừa dí dỏm nhẹ nhàng, phim “Sisi” đã lập tức chinh phục người yêu điện ảnh.

Hơn thế nữa, phim còn là sự khắc họa những năm tháng vàng son của nền “song quốc quân chủ” Áo - Hung, năm nay kỷ niệm 150 năm ngày thành lập, với những tên tuổi “vang bóng một thời”, rất thích hợp với những người hoài cổ, và cả giới trẻ muốn tìm hiểu lịch sử và quá khứ.

Và cho dù bộ phim thường xuyên khiến các nhà sử học phải lắc đầu về những chi tiết hư cấu kiểu “ba phần thực bảy phần hư”, những sự kiện được sắp xếp rất... thoải mái không theo trình tự biên niên, nhưng nó vẫn khiến người xem gợi nhớ một thời vinh quang của Đế quốc Áo.

Biến cố tình cờ hiếm hoi

Mở đầu với hình ảnh đồng quê tuyệt đẹp của vùng Bayern, chúng ta được biết đến Sisi - tên thân mật của Elisabeth, con thứ tư của công tước Maximilian Joseph và vợ là công chúa Ludovika của Bavaria, một cô bé vô tư, yêu thiên nhiên và có lối sống phóng khoáng tự nhiên.

Chào đời đúng vào Giáng sinh năm 1837, Sisi sống những năm tháng tuổi thơ ở miền quê, xa những biến động chính trị và xã hội của triều đình Áo. Tuy nhiên một ngày nọ, gia đình cô nhận được thư mời gặp mặt của Thái hậu Sophie, thân mẫu của hoàng đế Áo Franz Joseph.

Đó là tháng 8-1853, Franz Joseph ở ngưỡng tuổi 23, độ tuổi đủ “chín” và chững chạc đối với một vị quân vương để trị vì và kết hôn. Thái hậu Sophie đã “nhắm” cho ông người vợ tương lai, chính là Helene, chị gái của Sisi, khi đó 20 tuổi và đã được chuẩn bị từ lâu cho vai trò này.

Đây là một lựa chọn mang tính chính trị vì Vienna muốn thắt chặt thêm quan hệ với đồng minh của mình, xứ Bayern. Với Franz Joseph, hai chị em Helene và Sisi là các em họ không xa lạ, và vị hoàng đế xứ Áo hẳn cũng đã chấp thuận Helene, nếu không có một bất ngờ thú vị.
 
Nam tài tử Karlheinz Böhm (phải) trong vai Franz Joseph - Ảnh tư liệu
Nam tài tử Karlheinz Böhm (phải) trong vai Franz Joseph - Ảnh tư liệu

Ấy là việc cả hai chị em Helene và Sisi đều được mẹ, công chúa Ludovika cho tới Bad Ischl, nơi có nhà nghỉ hoàng gia truyền thống của vương triều Áo, mà trong đời hầu như năm nào Franz Joseph cũng về đó trong dịp hè. Địa điểm nơi “kén vợ” cho hoàng đế Áo cũng ở đó.

Một ngẫu nhiên hiếm có đã khiến Franz Joseph gặp Sisi trước khi nghi lễ chính thức diễn ra trong tòa dinh thự, và vị hoàng đế trẻ đã ngây ngất trước vẻ đẹp hồn nhiên của cô gái 16 tuổi, người mà ông không nhận ra chính là cô em họ, do hai người gặp nhau đã lâu khi Sisi còn nhỏ.

Gian truân và thử thách

Kể từ đó, không gì ngăn nổi cặp trai gái trẻ. Bất chấp lời hứa của thân mẫu là sẽ chọn người chị Helene, Franz Joseph chọn Sisi trong những khoảnh khắc bùng nổ của tình yêu sét đánh. Lễ đính hôn của họ diễn ra sau đó vài ngày, vào đúng sinh nhật lần thứ 23 của vị hoàng đế.

Có phải ngày nào con người ta cũng “câu” được một vị vua thế này đâu!”, bà mẹ Ludovika đã mừng vui nói với Sisi như vậy khi vị quân vương Áo ngỏ lời với cô. Tuy nhiên, trong thực tế, Sisi không được chuẩn bị cho vai trò đó, và đây là nguồn gốc của rất nhiều rắc rối.

Trước hết là giữa cô với Thái hậu Sophie, ở điểm này mâu thuẫn nàng dâu - mẹ chồng đã được làm nổi bật trong phim. Là người có tính cách mạnh, thậm chí được coi là “người đàn ông duy nhất trong triều đình Áo”, thực chất Thái hậu Sophie chỉ muốn dạy dỗ Sisi theo chuẩn mực cần có.

Tình yêu với con trai, và mong muốn con dâu trở thành một hoàng hậu mẫu mực, xứng đáng với ngôi vị của mình đã khiến bà luôn bất hòa với cô gái trẻ hầu như còn chưa biết cư xử theo lễ nghi, với bản tính tự nhiên, yêu tự do với suy nghĩ “giá chồng mình là thợ giày có hay hơn không”.

Những mâu thuẫn nhiều khi đạt tới đỉnh điểm khi Sisi bị coi là còn quá trẻ, không có kinh nghiệm nuôi dạy con cái theo cách quý tộc, khiến ba người con đầu đều được Thái hậu Sophie nuôi dưỡng. Vô tình hay cố ý, mọi hành động của Sisi gần như đều đi ngược lại ý muốn của mẹ chồng.
 
Bá tước Andrássy Gyula (trái), được coi là “người tình trong mộng” của Hoàng hậu Sisi (cảnh trong phim) - Ảnh tư liệu
Bá tước Andrássy Gyula (trái), được coi là “người tình trong mộng” của Hoàng hậu Sisi (cảnh trong phim) - Ảnh tư liệu

Và trong những điểm dị biệt ấy, có một điểm mà nhiều sử gia cho là có thể lý giải cho thiện cảm cuồng nhiệt của Sisi với đất nước và con người Hungary. Bởi lẽ, Thái hậu Sophie căm ghét Hungary, đất nước chỉ muốn tự do và độc lập khỏi Đế quốc Áo bằng những cuộc khởi nghĩa của mình.

Mối tình với nước Hung, người Hung

Trong cả cuộc đời, Sisi không thật để tâm tới chính trị, mặc cho người chồng lao tâm khổ tứ với núi công việc khổng lồ của Đế quốc Áo rộng lớn. Duy chỉ có một thời gian ngắn, bà thực sự tham chính, và nỗ lực của bà đã góp phần không nhỏ cho sự hòa dịu của hai kẻ thù Áo - Hungary.

Đó là vào những năm 1866-1867, khi Sisi coi mỗi lần sang Hungary là “trở về nhà”, khi bà có gia sư riêng, bạn gái riêng dạy bà tiếng Hung, văn hóa và lịch sử Hung, khiến bà có cảm tình và khâm phục tình yêu tự do của dân tộc Hung, cùng vẻ đẹp của xứ sở này, nơi bà thường xuyên lui tới.

Không những thế, khi sang Hung, Sisi còn không giấu giếm rằng, bà cảm thấy thoải mái hơn nhiều vì thoát được sự “quản lý” của bà mẹ chồng, và sự cứng nhắc của những nguyên tắc trong hoàng tộc. Và nhất là, ở đó bà có một người bạn lớn, người anh mà bà hằng thần tượng và tin cậy.

Ấy là bá tước Andrássy Gyula, người đã bị chính hoàng đế Franz Joseph cho kết án giảo hình khiếm diện do tham gia cuộc khởi nghĩa của người Hung năm 1848, và bởi thế ông phải lưu đày biệt xứ tại Pháp trong nhiều năm. Trở về Hung, ông đại diện cho khuynh hướng muốn Áo - Hung hòa giải.

Đó là mẫu chính khách toàn tài của Vương quốc Hungary, và như một người đàn ông, Andrássy cũng được coi là vô cùng quyến rũ và tinh tế. Đương nhiên, sự gần gũi giữa ông và Sisi như trong phim là không có, nhưng giữa hai người đã hình thành một tình cảm trân quý và hết bề tôn trọng.

Để rồi, chính Sisi là người nhiều lần đề xuất với chồng mình, hãy đưa Andrássy lên cương vị xứng đáng để vị bá tước này có thể cống hiến cho cả Áo lẫn Hungary. Ngôi vị Thủ tướng Vương quốc Hungary, rồi Ngoại trưởng của cả nền quân chủ Áo - Hung của Andrássy, có Sisi dự phần trong đó.

Vinh quang và khổ đau

Phần hai của bộ phim đã dành những cảnh rất đẹp để mô tả lễ đăng quang năm 1867 của hoàng đế Franz Joseph trên cương vị quân vương của xứ sở Hungary, khởi đầu cho hơn nửa thế kỷ thịnh trị của nền “song quốc quân chủ” Áo - Hung, mà Sisi là người có những đóng góp không nhỏ.
 
Ký ức của cặp vợ chồng Franz Joseph - Elisabeth tại Hungary còn được lưu giữ với hai cây cầu lịch sử: Cầu Tự do (vốn mang tên Franz Joseph, món quà của Hoàng đế Áo nhân kỷ niệm một ngàn năm lập quốc Hungary), và Cầu Erzsébet (Elisabeth)
Ký ức của cặp vợ chồng Franz Joseph - Elisabeth tại Hungary còn được lưu giữ với hai cây cầu lịch sử: Cầu Tự do (vốn mang tên Franz Joseph, món quà của Hoàng đế Áo nhân kỷ niệm một ngàn năm lập quốc Hungary), và Cầu Erzsébet (Elisabeth)

Đó cũng là những khoảnh khắc đỉnh cao trong cuộc đời và sự nghiệp của hai người đàn ông từng là cựu thù, nhưng đã gạt bỏ tất cả vì lợi ích của đất nước: Franz Joseph và Andrássy Gyula. Và là giây phút mãn nguyện của người phụ nữ xinh đẹp Sisi, khi mong ước của bà đã thành sự thực.

Tuy nhiên, cuộc đời của Sisi không chỉ có những giây phút như vậy. Bệnh tật luôn dày vò bà, hoàng tộc cũng không ưa bà, khiến bà chọn lối sống lãng du nay đây mai đó, không mấy khi ở cùng chồng. Tình yêu nhanh chóng trôi qua, nhưng tới cuối đời Sisi vẫn giữ sự tương kính với chồng.

Bộ phim không nhắc tới tấn thảm kịch của Sisi khi người con trai duy nhất có thể nối dõi tông đường của bà, Hoàng thái tử Rudolph qua đời trong hoàn cảnh mờ ám, khiến bà kể từ đó chỉ mặc trang phục đen, trùm mặt và luôn u buồn. Nhưng vẻ đẹp huyền thoại thì vẫn theo Sisi tới cuối đời.

Một số sự kiện lịch sử trong phim còn phản ánh sự đối kháng và lạnh lẽo của người dân vùng Bắc Ý trước vương triều Áo, cho thấy vấn đề dân tộc sẽ có tầm quan trọng sống còn tới vận mệnh của đế chế bao bọc trong mình 13 dân tộc này. Có điều, đó là câu chuyện của nhiều năm về sau...

Những thước phim khép lại, còn đọng lại trong khán giả, là hình ảnh một người phụ nữ xinh đẹp, đã vượt qua những lễ giáo phong kiến để được là mình, và đã nghe theo tiếng gọi của cảm xúc để làm những điều tốt đẹp cho nhiều người khác... Một phần con người Sisi, hoàng hậu Áo Quốc, là như thế!

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 
 Từ khóa: Sisi, Elisabeth
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn