(NCTG) “Nếu phải đi trở lại - Tôi đi lại đường này - Một tiếng từ xiềng xích - Nói về những ngày mai...”.
Thi phẩm nổi tiếng của phong trào kháng chiến Pháp - Ảnh: Internet
Lời giới thiệu:“Nếu phải đi trở lại - Tôi đi lại đường này...” (bản dịch của Tế Hanh) là câu mở đầu, và được lặp lại nhiều lần trong bài thơ nổi tiếng “Ballade de celui qui chanta dans les supplices” của thi hào Pháp Louis Aragon (1897-1982), người chào đời cách đây tròn 120 năm.
Đó cũng là lời sau cùng của blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh), người bị y án 10 năm tù trong phiên phúc thẩm diễn ra tại Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa vào hôm nay, 30-11-2017 vì tội “Tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam” cho những hoạt động cổ vũ dân quyền của chị.
Louis Aragon là một nhà thơ lớn, có vai trò đáng kể trong phong trào Dada và siêu thực đầu thế kỷ 20. Trong Đệ nhị Thế chiến, ông tham gia và chiến đấu dũng cảm trong phong trào kháng chiến Pháp chống phát-xít, và là một “ca nhân” tiêu biểu của phong trào này.
Bắt đầu tìm hiểu chủ nghĩa Marxist năm 1924, Louis Aragon gia nhập Đảng Cộng sản Pháp năm 1927 và cho đến khi qua đời, ông vẫn là một thành viên tích cực của đảng này trên tư cách một Trung ương Ủy viên, cương vị mà ông được giữ từ năm 1950.
Là người sùng bái Stalin một cách mê muội và coi thể chế Xô-viết là hình mẫu, Louis Aragon đã nhắm mắt trước thảm cảnh Gulag - mà ông từng khen ngợi, coi là hình thức “biến những kẻ tội lỗi thành người có ích” -, và bỏ ngoài tai tội ác khủng bố của Stalin.
Ủng hộ một cách vô điều kiện thể chế Stalinist trong nhiều thập niên, nhà thơ đã có những dòng tụng ca vô độ và nhục nhã Stalin trong tạp chí “Les Lettres françaises” số tháng 3-1953 khi nhà độc tài qua đời, phảng phất những vần thơ “Đời đời nhớ ông” của Tố Hữu.
Ngay cả khi đã được biết về những tội ác của Stalin, nhất là sau khi Tổng bí thư Nikita Khrushchev đọc bản “báo cáo mật” vạch trần một phần bộ mặt của nhà độc tài này trong Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô (tháng 2-1956), Louis Aragon đã chọn cách im lặng để khỏi “làm hại cho đảng”.
Trái với nhiều trí thức lớn của nước Pháp từng có thời thiên tả như Jean Paul Sartre, Albert Camus..., Louis Aragon cũng đã im lặng khi Liên Xô đưa chiến xa tấn công Hungary và đè bẹp nỗ lực dân chủ của người dân nước này, và không lên tiếng như nhiều nhân sĩ khác.
Hùa vào với quan điểm chính thống của Đảng Cộng sản Pháp, theo đó cuộc khởi nghĩa của người dân Hungary năm 1956 là do “bọn tư sản và quý tộc giật dây”, và bị đè bẹp bởi “công nhân Hung, với sự trợ giúp của Hồng quân”, một lần nữa nhà thơ lại chịu một vết nhơ.
Rốt cục, Louis Aragon chỉ lên tiếng năm 1968, khi Mùa xuân Praha bị dập tắt. Chỉ trích mạnh mẽ nền độc tài cộng sản Nga - Xô trong Lời nói đầu bản dịch Pháp ngữ tác phẩm “Trò đùa” (Žert, 1967) của Milan Kundera, tuy nhiên không bao giờ ông có ý đoạn tuyệt với chính đảng mà ông là thành viên.
Nhân 120 năm ngày sinh của nhà thơ, NCTG trân trọng giới thiệu 2 bản dịch Việt ngữ bài thơ “Ballade de celui qui chanta dans les supplices”, một trong những tác phẩm đáng nhớ nhất của Louis Aragon trong giai đoạn rực rỡ nhất của đời ông, khi ông cầm súng bảo vệ tự do cho quê hương.
Bên cạnh “Liberté” (Tự do) của Paul Éluard, thi phẩm này là khúc ca bất diệt cho ý chí tự do và không chịu khuất phục của con người trước bạo quyền. Tại Việt Nam, bài thơ từng được đưa vào làm bài đọc thêm trong chương trình SGK Văn học 12, thời kỳ 1990-2006. (NCTG)
BÀI CA CỦA NGƯỜI HÁT TRONG NGỤC TÙ TRA TẤN
(Bản dịch của Tế Hanh)
Nếu phải đi trở lại
Tôi đi lại đường này
Một tiếng từ ngục tối
Nói đến những ngày mai.
Nghe nói trong nhà giam
Có hai người đêm ấy
Bảo thầm anh Đầu hàng
Mày chán đời sao vậy.
Mày có thể có thể
Có thể sống như tao
Nói đi một tiếng nhé
Mày được sống cúi đầu.
Nếu phải đi trở lại
Tôi đi lại đường này
Một tiếng từ ngục tối
Nói cho những ngày mai.
Chỉ một tiếng cửa mở
Một tiếng một tiếng thôi
Tên giết người hối hả
Cửa mở Hết khổ rồi.
Chỉ một tiếng giả dối
Thay đổi cả đời này
Hãy nghĩ tới nghĩ tới
Ấm dịu những ban mai.
Nếu phải đi trở lại
Tôi đi lại đường này
Một tiếng từ ngục tối
Nói với người ngày mai.
Tôi nói điều phải nói
Như xưa vua Hăngri
Tổ quốc cần con ngựa
Cầu kinh vì Pari.
Chẳng được gì Chúng cút
Anh nhận chết phần anh
Ấy con đường duy nhất
Người vô tội bỏ mình.
Nếu phải đi trở lại
Tôi đi lại đường này
Tiếng nói từ ngục tối
Tôi sẽ đi ngày mai.
Tôi chết còn nước Pháp
Tình tôi hành động tôi
Bạn ơi nếu tôi chết
Bạn biết vì sao rồi.
Chúng đến để bắt anh
Hai thằng nói tiếng Đức
Một thằng địch Đầu hàng
Anh bình tĩnh liền đáp.
Nếu phải đi trở lại
Tôi đi lại đường này
Dưới gông cùm lửa sắt
Ca hát những ngày mai.
Anh hát dưới làn đạn
Cờ đỏ dựng lên rồi
Chúng bắn một loạt nữa
Anh từ giã cuộc đời.
Một bài ca nước Pháp
Bay ra từ đôi môi
Tiếp theo bài ca trước
Cho tất cả loài người (*).
(*) Nguồn: “Thơ Aragông”, NXB Văn học, Hà Nội, 1960.
BÀI CA CỦA NGƯỜI HÁT TRONG HÌNH NGỤC
(Bản dịch của Hoàng Hưng)
Nếu phải đi trở lại
Tôi vẫn đi đường này
Một tiếng từ xiềng xích
Nói về những ngày mai.
Trong xà lim đêm ấy
Có hai kẻ thì thầm:
“Hãy đầu hàng đi anh
Chán đời làm chi vậy?
Anh sẽ sống sẽ sống
Sẽ sống như chúng tôi
Hãy nói lời giải thoát
Anh có thể sống quỳ”.
Nếu phải đi trở lại
Tôi vẫn đi đường này
Một tiếng từ xiềng xích
Nói cho những ngày mai.
Chỉ một lời là cửa mở
Anh ra, chỉ một lời
Đao phủ buông rìu xuống
Vừng ơi, là hết đau.
Chỉ một lời nói dối
Thay đổi mệnh anh ngay
Mường tượng mường tượng đi anh hỡi
Dịu mát những ban mai.
Nếu phải đi trở lại
Tôi vẫn đi đường này
Một tiếng từ xiềng xích
Nói với người ngày mai.
Tôi đã nói hết rồi
Những gì tôi nói được
Gương Henri thuở trước
Đổi ngựa lấy vương quốc
Chịu lễ lấy đô thành.
Chúng ra đi bất lực
Máu anh rơi trên mình
Là lá bài độc nhất của anh
Ngây thơ thì phải chết.
Nếu phải đi trở lại
Anh có đi đường này?
Một tiếng từ xiềng xích
Nói rằng tôi vẫn đi.
Tôi chết nước Pháp còn
Tôi yêu và từ khước
Bạn ơi nếu tôi chết
Bạn sẽ hiểu vì sao.
Chúng đến đem anh đi
Chúng nói bằng tiếng Đức
Dịch ra: Có chịu hàng?
Bình thản anh nhắc lại:
Nếu phải đi trở lại
Tôi vẫn đi đường này
Hãy nghe trong tiếng súng
Ca hát những ngày mai... (*)
(*) Câu đầu giống câu đã được dịch trước 1975 ở Hà Nội, nhưng ko thể có cách dịch nào khác, đành thắp hương xin phép người dịch cũ (đã quá cố) lấy lại (Lưu ý của dịch giả).
BALLADE DE CELUI QUI CHANTA DANS LES SUPPLICES
(Louis Aragon)
Et s'il était à refaire
Je referais ce chemin
Une voix monte des fers
Et parle des lendemains
On dit que dans sa cellule
Deux hommes cette nuit-là
Lui murmuraient "Capitule
De cette vie es-tu las
Tu peux vivre tu peux vivre
Tu peux vivre comme nous
Dis le mot qui te délivre
Et tu peux vivre à genoux"
Et s'il était à refaire
Je referais ce chemin
La voix qui monte des fers
Parle pour les lendemains
Rien qu'un mot la porte cède
S'ouvre et tu sors Rien qu'un mot
Le bourreau se dépossède
Sésame Finis tes maux
Rien qu'un mot rien qu'un mensonge
Pour transformer ton destin
Songe songe songe songe
A la douceur des matins
Et si c'était à refaire
Je referais ce chemin
La voix qui monte des fers
Parle aux hommes de demain
J'ai tout dit ce qu'on peut dire
L'exemple du Roi Henri
Un cheval pour mon empire
Une messe pour Paris
Rien à faire Alors qu'ils partent
Sur lui retombe son sang
C'était son unique carte
Périsse cet innocent
Et si c'était à refaire
Referait-il ce chemin
La voix qui monte des fers
Dit je le ferai demain
Je meurs et France demeure
Mon amour et mon refus
O mes amis si je meurs
Vous saurez pour quoi ce fut
Ils sont venus pour le prendre
Ils parlent en allemand
L'un traduit Veux-tu te rendre
Il répète calmement
Et si c'était à refaire
Je referais ce chemin
Sous vos coups chargés de fers
Que chantent les lendemains
Il chantait lui sous les balles
Des mots sanglant est levé
D'une seconde rafale
Il a fallu l'achever
Une autre chanson française
A ses lèvres est montée
Finissant la Marseillaise
Pour toute l'humanité.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...