“ĐỂ GỌI TÊN EM: TỰ DO”

Chủ nhật - 03/04/2011 19:19

(NCTG) “… tôi chỉ nghĩ và tin chắc rằng, đối với những người yêu và quả cảm hành động để có tự do, họ sẽ vẫn cảm thấy tự do ngay trong cảnh lưu đày”.


“Tự do dẫn đường dân chúng” (La Liberté guidant le peuple, 1830) - Họa phẩm của Eugène Delacroix (1798-1863)


1. Thú thực, bình sinh tôi vốn không thạo về thơ thẩn, cho đến giờ vẫn vậy. Cũng không thể nhét được vào đầu bất cứ bài thơ nào, dù là thơ mộc mạc chân phương như của... Tố Hữu; cái này có lẽ do trí nhớ của tôi có vấn đề.

Tuy nhiên, dù mù thơ như thế và không có sổ thơ thời thanh niên như đa số các bạn cùng trang lứa, nhưng cái thời đi học, tôi có viết nhật ký và cũng có chép lại dăm bảy bài thơ, theo hứng. Trong số đó, có bài này:

Trên quyển vở nhà trường
Trên án viết thân cây
Trên cát trên tuyết
Ta viết tên em

Trên những trang đã đọc
Trên những trang trắng tinh
Đá, máu, giấy hay tro
Ta viết tên em

Trên tranh ảnh tô vàng
Trên vũ khí chiến binh
Trên mũ miện vua chúa
Ta viết tên em

Trên rừng hoang sa mạc
Trên tổ chim hoa đồng
Trên tiếng vang tuổi trẻ
Ta viết tên em

Trên huyền diệu những đêm
Trên bánh trắng ban ngày
Trên những mùa cưới hỏi
Ta viết tên em

Trên các mảnh trời xanh
Trên ao mặt trời mốc
Trên hồ trăng lung linh
Ta viết tên em

Trên đồng ruộng chân trời
Trên những cánh chim bay
Trên máy xay bóng tối
Ta viết tên em

Trên mỗi thoáng bình minh
Trên mặt biển thân tàu
Trên ngọn núi điên cuồng
Ta viết tên em

Trên bọt nổi mây lồng
Trên mồ hôi cơn giông
Trên mưa dày và nhạt
Ta viết tên em

Trên hình dáng long lanh
Trên chuông ngân màu sắc
Trên chân lý hữu hình
Ta viết tên em

Trên những nẻo rộn ràng
Trên đường sá thênh thang
Trên quảng trường toả rộng
Ta viết tên em

Trên ngọn đèn mới khêu
Trên ngọn đèn đang tắt
Trên mái nhà sum họp
Ta viết tên em

Trên trái bổ đôi
Gương soi và phòng ngủ
Trên giường bỏ trống không
Ta viết tên em

Trên con chó của ta háu ăn và trìu mến
Trên tai nó vểnh lên
Trên chân nó vụng về
Ta viết tên em

Trên bục cửa nhà ta
Trên các đồ quen thuộc
Trên sóng ngọn lửa thiêng
Ta viết tên em

Trên da thịt hiến dâng
Trên trán yêu bè bạn
Trên bàn tay đưa nắm
Ta viết tên em

Trên cửa kính ngạc nhiên
Trên làn môi chú ý
Vượt xa trên im lặng
Ta viết tên em

Trên chỗ ẩn bị tan
Trên hải đăng sụp đổ
Trên tường niềm ngao ngán
Ta viết tên em

Trên xa vắng không ước thèm
Trên quạnh hiu trần trụi
Trên bậc thềm cái chết
Ta viết tên em

Trên sức khỏe phục hồi
Trên hiểm nguy tan biến
Trên hy vọng chẳng nhớ nhung
Ta viết tên em

Và do phép màu một tiếng
Ta làm lại cuộc đời
Ta sinh ra để biết em
Để gọi tên em

TỰ DO

Đây là bài “Tự do” của Paul Éluard, bản dịch của Tế Hanh.

2. Cũng khó lý giải được là tại sao tôi lại thích bài này, cách đây hơn hai chục năm. Có lẽ, là vì mặc dù nó ca ngợi tự do, nhưng lại mang dáng dấp một bài thơ tình.

Về sau, thông qua một nhà nghiên cứu văn học Hungary là Péter László, tôi mới được biết rằng Paul Éluard viết bài thơ vào mùa hè 1941 khiến ai cũng nghĩ rằng vị kiện tướng của trường phái siêu thực - đồng thời là biểu tượng phong trào kháng chiến Pháp - có được cảm hứng từ nước Pháp điêu tàn trong Đệ nhị Thế chiến dưới ách thống trị của Đức quốc xã.

Nhưng kỳ thực, khi bắt đầu đặt bút những dòng đầu, nhà thơ còn nghĩ rằng, ở khổ thơ cuối, ông sẽ để tên người đàn bà mà ông yêu, và ông muốn đề tặng. Có điều, trong khi viết, tâm trí và bàn tay ông luôn bị ám ảnh và cột chặt bởi một suy tư duy nhất (thậm chí, ông từng muốn đặt tựa đề “Suy tư duy nhất” cho thi phẩm) và rồi ông nhận ra, chỉ có một từ duy nhất thích hợp với bài thơ: TỰ DO.

Như thế, vô hình trung, dù không chủ đích, “Tự do” là một bài thơ ca ngợi tình yêu - và đó là tình yêu tự do, đi kèm và có lẽ vượt lên trên tình cảm đôi lứa.

3. Khổ cuối của bài thơ, theo bản dịch Tế Hanh, hơi khó hiểu, bởi cụm từ “phép màu một tiếng”:

Và do phép màu một tiếng
Ta làm lại cuộc đời
Ta sinh ra để biết em
Để gọi tên em

TỰ DO

Nguyên bản Pháp ngữ như vầy:

Et par le pouvoir d'un mot
Je recommence ma vie
Je suis né pour te connaître
Pour te nommer

LIBERTÉ

Bản tiếng Hungary, cũng vậy:

S ez egy szó erejével
kezdek el újra élni,
hogy felismerjelek s neven
nevezzelek:

SZABADSÁG.

Dịch nghĩa:

Và bởi sức mạnh của một từ
anh bắt đầu sống lại
để nhận ra, và
gọi tên em.

TỰ DO.

Theo lý giải của giới phê bình thì “một từ”, hay “phép màu một tiếng” ở đây, chính là LỜI (Logos) trong “Khởi thủy là Lời” (Phúc âm của Tông đồ John), một từ nguồn cội quan trọng bậc nhất của nền văn minh loài người: vừa có nghĩa là tư tưởng, vừa có nghĩa là lời nói và cũng bao hàm nghĩa hành động. Và, với LỜI màu nhiệm và đầy quyền năng ấy, tác giả được hồi sinh, để nhận ra, gọi tên...

Như thế, TỰ DO - một từ, một lời đầy mãnh lực được tác giả đặt vào trung tâm - đã gói trọn tất cả, và hàm chứa sự phục sinh cho con người trong một thế giới mà tự do được ngự trị.

4. Tất nhiên, hồi trẻ khi đọc bài thơ, tôi đâu đã biết những cái... sâu xa đến thế? Chỉ lờ mờ cảm thấy, tự do trong thi phẩm đi kèm với tình yêu, và rất hợp với tâm tưởng của nhiều nhà thơ - chiến sĩ Hungary, mà người nổi tiếng nhất là Petőfi Sándor, thi sĩ của “tự do và ái tình - vì cái người ta sống...”. Để rồi: “Vì tình yêu lồng lộng - Tôi hiến cả đời tôi - Vì tự do muôn đời - Tôi hy sinh tình ái”.

Và dạo ấy, cố nhiên tôi cũng chưa biết rằng, bài ca về tự do của Paul Éluard còn là nguồn cảm hứng để một thi hào khác của Hungary, Illyés Gyula, sáng tác “Một câu về độc tài”, bản án mạnh mẽ nhất giáng vào các chế độ độc tài toàn trị. Ra đời năm 1950, thi phẩm này được công bố vào ngày cuối cùng của cuộc cách mạng dân chủ 1956 để rồi, sau đó, bị cấm ngặt trong vòng 30 năm tại Hungary:

Ở nơi có độc tài,
thời độc tài ở đó,
không chỉ ở họng súng,
không chỉ trong những nhà tù,

có độc tài
không chỉ ở những phòng thẩm vấn,
không chỉ ở tiếng người lính canh
thét lên trong đêm tối

(...) không chỉ trong phán quyết
lạnh lùng của quan tòa: có tội!
có độc tài
không chỉ trong tiếng hô “nghiêm!” nhà binh,

trong tiếng gằn giọng: “Bắn!”
trong tiếng trống rền,
không chỉ trong cách một thây ma
bị quăng xuống huyệt,

không chỉ trong những tin tức
thì thào lo âu
qua những cánh cửa
hé mở lén lút,

không chỉ trong ngón tay đặt trước miệng
“Im nào!”, chớ cựa quậy!
ở đâu có độc tài,
thời độc tài ở đó

không chỉ trong nét mặt
dán vào song sắt nhà tù
và trong tiếng rên la
quằn quại, âm thầm sau song sắt,

trong lớp sóng trào
của nước mắt câm nín
gia tăng sự im lặng,
trong con ngươi giãn nở;

độc tài có trong tiếng trườn của chiếc xe
rón rén lướt trong màn đêm
và trong cái cách
nó dừng lại trước cánh cửa;

nó có khi anh “A-lô”
giữa chừng, qua ống nghe yên lặng
anh cảm thấy
một đôi tai lạ lẫm đang nghe ngóng;

(...) bởi, có độc tài
không chỉ trong những tiếng tung hô
đứng thẳng, gào thét
những tiếng hoan hô, những khúc hát,

nó có trong những bàn tay
vỗ không biết mỏi
trong khúc nhạc kịch,
trong điệu kèn,

nó có ở góc phố
trong pho tượng đá vươn người,
kêu vang
vui tươi hay rền rĩ nghiệt ngã

nó có trong phòng tranh muôn màu
và rạng rỡ,
trong riêng mọi khung tranh,
ngay cả trong cọ vẽ;

bởi độc tài có
hiện tại
ở khắp mọi nơi,
còn hơn cả vị thần ngày trước của của anh;

bởi độc tài có ở
trong những nhà trẻ
trong lời khuyên của cha
trong nụ cười của mẹ.

trong câu ấp úng của một đứa bé
với người khách lạ,
trong cách anh quay lại nhìn sau
trước khi mở miệng thì thầm,

không chỉ trong dây kẽm gai,
không chỉ trong những dòng sách,
trong những khẩu hiệu mê muội
còn hơn cả dây kẽm gai;

nó cũng còn đó
trong nụ hôn giã biệt,
trong cách người vợ hỏi:
“Bao giờ về, anh yêu?”

trong những câu “khỏe không?”
lặp lại thật quen thuộc ngoài phố
trong cái bắt tay
bỗng dưng đã hờ hững hơn,

trong khuôn mặt người thương
thình lình sững lại, băng giá,
vì chính nó có mặt
ở nơi ta hò hẹn,

không chỉ trong cuộc khẩu cung,
mà cả trong lời thú nhận,
trong câu nói say sưa, ngọt ngào,
như con ruồi chết chìm trong men rượu,

bởi anh chẳng còn một mình
cả trong những giấc mơ,
độc tài nằm trên giường cưới,
và trước đó, trong cả nỗi khát khao. (...)

Nếu như Paul Éluard dùng “một lời” màu nhiệm để nói về TỰ DO, thì Illyés Gyula cũng dùng “một câu” đầy giận dữ để nói về ĐỘC TÀI, và bài thơ của ông - vừa mang tính nhân loại phổ quát, vừa mang tính đặc thù của Hungary - đã được coi như dấu ấn của nước Hungary luôn khao khát tự do trong thế kỷ XX...

5. Ngày mai, sẽ diễn ra phiên tòa xét xử một con người có “tội” đã nỗ lực đòi hỏi những quyền tự do cho từng cá nhân và toàn xã hội. Dễ thấy rằng cách hành xử của anh là hết sức bình thường ở những quốc gia... bình thường, thì tiếc rằng, ở ta, trước mắt, nó bị coi là một tội tầy đình.

Hẳn nhiên, cái xứ Việt Nam mình nó thế, sinh thời ông Hoàng Ngọc Hiến có nói một câu đại loại như vậy và tôi cũng chỉ biết... dựa cột nghe theo ông, chứ không dám bình phẩm gì sa đà. Mọi thứ phải, và sẽ có lúc, có thời điểm của nó...

Cứ theo như truyền thông “lề trái” “đồn nhảm” thì bản án sáng 4-4 đã được bỏ túi. Đọc lại bài thơ mà tôi hằng yêu mến, tôi chỉ nghĩ và tin chắc rằng, đối với những người yêu và quả cảm hành động để có tự do, họ sẽ vẫn cảm thấy tự do ngay trong cảnh lưu đày (mượn lời Đức Đạt Lai Lạt Ma).

Như trước đây 70 năm, một người yêu tự do khác đã tự nhủ, và như thể răn mình: “Thân thể ở trong lao - Tinh thần ở ngoài lao...”.

Trần Lê, 3-4-2011


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn