TRÒ CHUYỆN VỚI MỘT NGƯỜI HUNGARY VỀ HẢI ÐẢO VIỆT NAM

Thứ ba - 07/06/2011 20:05

(NCTG) Ngày 5-6, mặc dầu rất muốn ngồi nhà online để theo dõi tình hình bạn bè, đồng nghiệp, những người quen và không quen ở nhà trong cuộc biểu tình, tuần hành phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, nhưng vì một lời hẹn từ lâu, mình cùng gia đình xuống một thị trấn cách Budapest chừng 17 cây số để dự một Lễ hội Nghệ thuật Dân tộc do các bạn hữu Việt Nam và Hungary tổ chức.


Những ngày thường đã sáng lên vì tình yêu nước đầy nhiệt huyết của các bạn trẻ - Ảnh: nhà báo Nguyễn Quốc Thái (TP HCM)


Về đến nhà thì cũng đã gần 5 giờ chiều, tức đêm ở Việt Nam. Mở máy, chậm rì rì, mãi mới vào được hòm thư. Thì đập ngay vào mắt mình là lá thư trên cùng có nội dung (subject) gây sốc, bằng tiếng Hung: “Vietnam 2011. június 5-e: tüntetések a kínai agresszió ellen. Kína meg akarja támadni Vietnamot” (Việt Nam, ngày 5-6-2011: biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Trung Quốc muốn tấn công Việt Nam).

Người gửi thư là chị Sebők Ildikó (tên Việt là Kim Liên), một phụ nữ Hungary từng có thời gian du học tại Ðại học Tổng hợp Hà Nội vào thập niên 70-80 thế kỷ trước. Trong 5 năm ở Hà Nội, chị đã có chồng người Việt (nay đã chia tay), đã học tiếng Việt ở mức đọc thông viết thạo không kém tiếng mẹ đẻ là mấy (nếu nghe giọng chị qua điện thoại, không thể nghĩ chị là người nước ngoài) và hiện nay, chị làm phiên dịch tiếng Việt tại các cơ quan chính quyền Hungary.

Mở lá thư chị gửi, chỉ có độc một dòng là địa chỉ trang tin của Anh Ba Sàm. Ðã quen cách “trao đổi thông tin” của chị là tất cả những gì cần nói bó gọn hết vào phần subject, mình hồi âm chị rằng mình có biết chuyện ấy, và hỏi chị có thấy báo Hungary đưa tin hay chưa, nếu có thì “mách” cho mình. Và thế là hai chị em sa vào một cuộc trò chuyện khá dài qua email về đề tải nóng hổi nhất ở quê hương thứ nhất của một người, và quê hương thứ hai của người kia.

Trong thư, chị buồn phiền nói rằng, Thủ tướng Hungary Orbán Viktor chủ trương thân thiện với Trung Quốc nên chắc hẳn việc đưa những tin này đã bị cấm bởi Ðạo luật Truyền thông mới. Sau đó, chị bổ sung rằng theo một nguồn tin chị có, “chẳng mấy nữa Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ có chuyến công du Hungary và hẳn Hung không muốn có những rắc rối về ngoại giao, chứ mọi người có thiện ý đều phải thấy rằng cái lý thuộc về Việt Nam”.

Thêm nữa, Hungary cũng đang muốn để Trung Quốc xây một hệ thống đường sắt nào đó. “Tôi cho rằng người Hungary cũng không biết điều gì đang xảy ra ở đó đâu, họ cũng có quá nhiều vấn đề phải lo lắng. Với họ, Trung Quốc và Việt Nam quá xa xôi, họ không mấy quan tâm, cho dù thế giới ngày nay đã quá nhỏ để nếu ở đấy xảy ra cái gì, thì cũng ảnh hưởng tới đây. Cái chương trình truyền hình mà Trung Quốc tuyên bố sẽ tát vỡ mặt Việt Nam ấy... Tôi còn đọc là họ muốn tấn công Việt Nam ở ba nơi và sẽ chiếm ngay Trường Sa...” - chị chia sẻ.

Mình ngạc nhiên vì sự thông thạo thông tin của chị, dù vẫn biết ngày nào chị cũng đọc báo Việt Nam. Có lần chị kể, cứ ngủ dậy là chị lại lên mạng xem toàn bộ các trang mạng của Việt Nam, nên chị biết còn rành hơn các “thân chủ” Việt mà chị hay đi dịch cho họ, rằng ca sĩ nào vừa “lộ hàng”, tên sát thủ nào vừa bị tóm, v.v... Nhưng một điều tôi chưa biết là chị còn rất quan tâm và để ý sát sao đến tình hình xã hội, chính trị của Việt Nam.

Như ngầm hiểu được thắc mắc của mình, chị viết tiếp: “Ngày nào tôi cũng đọc tất cả những tin có liên quan trên trang Anh Ba Sàm và Vietinfo, tôi rất lo ngại cho các bạn Việt Nam. Em biết đấy, đây là trò chia chác vùng ảnh hưởng giữa hai cường quốc (Mỹ và Trung Quốc), và vấn đề dầu khí. Nhưng Trung Quốc cần “đường lưỡi bò” không chỉ vì dầu khí, mà họ còn muốn xây dựng một tuyến giao thông ra Ấn Ðộ Dương nữa. Tôi tò mò không biết Ấn Ðộ phản ứng ra sao trước việc này...”.

Nói về chuyện chính quyền và báo chí chính thống ở Việt Nam chỉ đề cập một cách hết sức dè dặt tới các vấn đề này, chị nhận xét: “Ðây là điều dở hơi vì ngày nay ai chả có mạng Internet ở nhà, và họ có thể biết về bất cứ khía cạnh nào của đất nước. Tôi không biết kết cục sẽ ra sao, nhưng đây không chỉ là điều lo ngại đối với Việt Nam, mà đối với cả thế giới cũng vậy. Nếu hai cường quốc “thụi” nhau, hậu quả sẽ thuộc về các nước nhỏ”.

Mình đặt một câu hỏi vui cho chị, nếu có biểu tình phản đối trước ÐSQ Trung Quốc tại Budapest, chị có tham dự không? Thì chị đáp ngay: “Tôi rất sẵn sàng. Ba con tôi là người Việt Nam, Việt Nam cũng là tổ quốc của chúng nó, và là quê hương thứ hai của tôi. Nếu tôi gặp khó khăn, người Việt luôn giúp đỡ tôi và tôi cũng giúp họ. 32 năm nay - tức là 2/3 phần đời sau của tôi - tôi sống giữa những người Việt Nam và tôi rất yêu họ!”.

Mọi chuyện rất khó khăn, em ạ, chúng ta chỉ là những kẻ rất nhỏ bé. Nếu ở Hungary có hoạt động gì liên quan đến vấn đề này, nhớ báo cho tôi, vì tôi rất yêu Việt Nam, yêu tận tâm can. Tôi mê Việt Nam, một dân tộc rất dễ thương. Tôi tự hào là có ba đứa con Việt Nam và bản thân tôi cũng đã một nửa là người Việt. Tôi nghĩ rằng những năm tháng sau của mình, tôi cũng sẽ sống với các bạn Việt Nam” - chị nhắc lại.


Chị Sebők Ildikó trong một sinh hoạt

của cộng đồng Việt Nam tại Budapest - Ảnh: Trần Lê

Cuộc trò chuyện của chúng tôi đượm một nỗi buồn khó tả và không tránh khỏi. Mấy ngày trước đây, một chị người Việt hiện sinh sống tại Hungary đã gửi thư chung cho chừng 60 địa chỉ, kêu gọi bà con nên theo dõi những cuộc biểu tình yêu nước ở Việt Nam và đặt vấn đề “nên chăng, cũng nên tham gia một buổi TUẦN HÀNH ÔN HÒA PHẢN ĐỐI  như vậy vào Chủ nhật tuần sau (12-6-2011) trên đất Hung”. Cho đến hôm nay, chưa hề có MỘT lá thư nào hồi âm chung về ý kiến tích cực của chị!

Ðương nhiên, mình cũng hiểu rằng trong cuộc sống hiện tại với bao nhiêu âu lo, bao nhiêu điều cần để ý, chuyện biên giới hải đảo xa xôi - hay nói chung, cái gọi là “chuyện triều đình” - không thể, không phải là mối quan tâm của đa số. Ðối với một người Việt bình thường bên này, sáng sớm tất tả ra chợ kinh doanh buôn bán, bươn chải cả ngày, tối muộn mới về nhà và mòn mỏi vì sinh kế, tin tức chính trị không thể có vị trí trong họ bằng những thể loại giải trí hoặc “chó cán xe...” đầy rẫy trên báo mạng và báo giấy.

Ngay cả rất nhiều người đã thành đạt, không phải lo miếng ăn hàng ngày, thì việc ăn vận gì cho sành điệu để đi dự một party, làm sao “vụt” golf giỏi cho điệu nghệ... dầu sao cũng vẫn lấn át những vấn đề của đất nước. “Lo gì, “nó” đã đánh đâu mà sợ, dọa nhau thôi!”, “chính trị nhức đầu, hơi đâu mà lo, vạ đến thân”, “làm gì có chuyện “nó” dám làm gì ta, còn có... quốc tế kia mà”, v.v... là những câu tôi hay được nghe, cả từ những trí thức Việt bên này, để lấp đi sự thờ ơ, hoặc thiếu thông tin xác thực trong vấn đề cương vực tổ quốc.

Làm việc với bà con ngoài chợ hàng ngày, chị Ildikó quá hiểu thực tế đó, cũng như những nguyên nhân “nhỡn tiền” của nó. “Người Việt đã đây quá nghèo khổ, quá ít tiền, họ phải chú tâm để kiếm miếng ăn hàng ngày, mà họ cũng có thể làm được gì nhiều trong vấn đề này đâu”, chị nhận xét, vẻ cảm thông. Rồi chị phân trần: “Tôi cũng chẳng giàu có gì, nhưng tôi đã có tuổi, có chút tiền tiết kiệm, mặt khác tôi không phải trả tiền thuê quầy như họ, mọi thứ ở trong đầu tôi hết”.

Cuối cuộc trò chuyện, chị tỏ vẻ lo âu: “Tôi không biết ban lãnh đạo Việt Nam có chịu “thuần phục” Trung Quốc khổng lồ và hùng mạnh không? Hay chiến tranh sẽ bùng nổ? Nhưng nếu có chiến tranh, điều đó không chỉ dẫn tới những thay đổi trong khu vực, mà còn trên toàn thế giới. Em có nghĩ rằng Mỹ sẽ để yên nếu Việt Nam đứng về phía Trung Quốc? Nhưng cũng không thể biết được nếu có chiến tranh thì Mỹ có bảo vệ Việt Nam?

Có nghĩa lý gì không để hy sinh bao nhiêu thanh niên cho một cuộc chiến mà kết cục của nó là rõ ràng? Vì Trung Quốc mạnh và lớn hơn Việt Nam rất nhiều, chắc chắn họ sẽ thắng. Ban lãnh đạo Việt Nam hiện đang trong tình thế khó khăn vì không có giải pháp nào tốt trong hoàn cảnh này...”

Ðể trả lời chị, mình chỉ biết nói rằng, trên các trang mạng, có rất nhiều bài viết động lòng về cuộc biểu tình ngày 5-6 mà chị có thể tìm đọc để hiểu thêm tình hình. Theo mình đại đa số thanh niên Việt Nam đều rất yêu nước và dù Trung Quốc mạnh hơn nhiều, cũng không dễ dàng tấn công và chinh phục Việt Nam theo kiểu “mặt đối mặt”. Mình cũng (ngầm) tin và hy vọng là Chính phủ Việt Nam, rốt cục, sẽ có đối sách thích hợp để lòng yêu nước và niềm tin của người dân được kết tinh trong nỗ lực chung chống lại sự đe dọa đến từ bên ngoài.

Tuy nhiên, có những điều mà mình không muốn nói ra với chị, dầu sao, cũng là một người nước ngoài. Giá tinh thần yêu nước của người dân được thể hiện một cách tự do hơn, đỡ phải phụ thuộc cơ chế “xin - cho” và “điều chỉnh bằng dùi cui” (ý của nhà văn Phạm Viết Ðào); giá người dân khi bộc lộ lòng ái quốc không bị chính quyền coi là vi phạm vào “độc quyền” của Ðảng và Nhà nước; giá nhiều bạn trẻ - thay vì đồng cảm với những người dám nói tình cảm vì quê hương thay phần cho họ  – thì lại ngồi dè bỉu, hù dọa và cố rung chuông báo động giả về nguy cơ khiêu khích, lợi dụng của một đảng chính trị nào đó… - thì “sức mấy” mà Trung Quốc dễ làm gì Việt Nam, như họ đã làm trong nhiều thập niên qua?

Trần Lê


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn