“Cuộc tụ tập tự phát” của “một số ít người”, theo nhận định của bản tin TTXVN
Bài viết cho hay, cuộc giao lưu được tổ chức nhân kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2011) và tại buổi giao lưu, các vị khách mời đã “
trả lời “thẳng thắn, không né tránh” nhiều câu hỏi của độc giả, trong đó có những câu hỏi khá “xóc”...”.
Một trong những câu hỏi “
xóc” đó nhằm vào
bản tin của TTXVN, bị nhiều người coi là sai trái và nhục nhã, vì đã gọi
cuộc tuần hành, biểu tình phản đối hành vi gây hấn leo thang của chính quyền Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Ðông là “
cuộc tụ tập tự phát” của “
một số ít người”.
Câu hỏi được đặt ra trong cuộc giao lưu là liệu Ban Tuyên giáo TW có kỷ luật TTXVN vì chuyện đó không?
Sau đây là nguyên văn câu trả lời của TS. Nguyễn Thế Kỷ: “
Ban Tuyên giáo TW chẳng kỷ luật gì TTXVN cả. Sự việc mà độc giả nêu kỳ thực là do một số người dân Thủ đô Hà Nội và TP HCM bất bình trước sự việc tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Binh Minh 02.
Sự việc này gây ra bức xúc, theo tôi sự phản đối và tình cảm này rất dễ hiểu. Vì người dân của mình, nhất là người trẻ đã họp nhóm lại tập trung trước cổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn và Hà Nội nhưng có tổ chức, rất trật tự và ôn hòa. Thậm chí nhiều người có khẩu hiệu phản đối hành động của Trung Quốc bằng giấy A4 nhưng với thái độ bình tĩnh.
Tôi cho rằng cách đưa tin như thế là được. Còn việc ai đó quan niệm sự việc đó là biểu tình là quyền của người ta, chúng ta không tranh cãi. Theo tôi thì đó là hành động người Việt Nam biểu thị lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và phản đối nước ngoài đối với quyền chủ quyền của mình.
Bản chất sự việc là như thế. Còn TTXVN và một số báo đưa tin tụ tập đông người… đây là việc không nên tranh cãi, bởi vì các cơ quan chức năng cho biết không có một hành động quá khích nào.
Khi được cơ quan chức năng, đoàn thể giải thích “cứ bình tĩnh, Đảng, Nhà nước và chính quyền sẽ bằng con đường ngoại giao, bằng trao đổi, bằng hòa bình để giải quyết sự việc…” thì những người dân nghe ra và ra về. Nếu nói TTXVN bị kỷ luật là nặng nề quá. Mà nếu làm thế là chúng ta vi phạm tự do báo chí.”
*
Có thể thấy câu trả lời của vị tiến sĩ gồm hai phần.
Phần thứ nhất, vị tiến sĩ thừa nhận một thực tế, rằng đây là một “
sự phản đối” do người dân “
bất bình”, “
bức xúc” trước hành động bạo ngược của tàu hải giám Trung Quốc. Ông cũng khẳng định, “
tình cảm” này “
rất dễ hiểu”, rằng người dân đã thể hiện tình cảm ấy với “
thái độ bình tĩnh”, “
có tổ chức, rất trật tự và ôn hòa”.
Ðánh giá của ông, theo đó, đây là “
hành động người Việt Nam biểu thị lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và phản đối nước ngoài đối với quyền chủ quyền của mình”, nghe chừng cũng ổn.
Chỉ có phần sau ý kiến của tiến sĩ là có vấn đề. Ấy là khi ông bênh vực, cho là “
không nên tranh cãi”, việc TTXVN - và do đó, tất cả các báo chí chính thống khác - cố tránh (và phủ nhận) bằng được từ “
biểu tình”, thay vào đó là những cụm từ “
tụ tập tự phát của một số ít người”, “
đi ngang qua”...
Lý do được đưa ra -
“các cơ quan chức năng cho biết không có một hành động quá khích nào” - cho thấy một cách hiểu và diễn giải tiêu cực về khái niệm biểu tình, một quyến hiến định của người dân trong một thể chế dân chủ lành mạnh.
Biểu tình, theo “Ðại từ điển Tiếng Việt” (*), là sự “
tụ họp với nhau lại hoặc diễu hành trên đường phố để biểu thị ý chí, nguyện vọng hoặc biểu dương lực lượng, thường nhằm mục đích gây sức ép gì đó - VD: biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh, biểu tình chống khủng bố”.
Như thế, cuộc xuống đường, tuần hành của người Việt yêu nước ngày 5-6 vừa qua hoàn toàn thỏa mãn với định nghĩa này. Hơn thế nữa, biểu tình không nhất thiết và không cần phải đi kèm với một hành động quá khích hay phá phách nào, cho nên không lẽ không có hành động quá khích, tức là không phải biểu tình?
Không dùng đúng từ ngữ để chỉ sự việc như nó vốn có, trong trường hợp này, là “hạ cấp” và xem thường tinh thần và tình cảm ái quốc của người dân. Bởi lẽ, người dân có thể “
tụ họp” khi túm năm tụm ba tán phét ở vỉa hè, “
đi ngang qua” hoặc “
diễu hành” khi xong một trận túc cầu. Nhưng biểu tình để thể hiện một ý nguyện chính trị thì khác.
Ðương nhiên, người đặt câu hỏi “gai góc” nói trên có lẽ không chờ đợi việc Ban Tuyên giáo TW sẽ kỷ luật TTXVN vì bản tin “nhớ đời” này. Có điều, người dân cần biết được dụng ý của chính quyền khi cho phép đưa ra những bản tin chính thống mà lại đi ngược lại tình cảm yêu nước sâu thẳm trong tâm can họ.
Hoan nghênh báo CAND đã tạo điều kiện để một câu hỏi “
xóc” được đặt ra. Nhưng, tiếc cho TS. Nguyễn Thế Kỷ là ông đã không tận dụng triệt để cơ hội đó để hồi âm và lý giải thấu đáo một khúc mắc rất nổi cộm trong những ngày này của những người Việt còn quan tâm đến vận mệnh đất nước...
(*) GS. PTS. Nguyễn Như ý chủ biên, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội 1999.