MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN

Thứ năm - 03/02/2011 09:54

(NCTG) “Không có gì chắc các em hiểu hết những gì các em hát. Càng có thể đảm bảo rằng, các em - hoặc ngay bố mẹ các em - cũng không mấy ai để tâm ca khúc đã ra đời và có số phận chìm nổi như thế nào. Nhưng khi nghe giọng các em, nhiều đoạn còn non, tất nhiên, và không tránh khỏi lắm chỗ lơ lớ như Tây nói tiếng Việt, nước mắt tôi cứ lặng lẽ rơi...”.


Nhạc sĩ Văn Cao
 
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn.”

Tôi tập tễnh bước một leo lên cầu thang ngôi nhà 108 phố Yết Kiêu vào một ngày giáp Tết năm 1976. Đã sang tiết xuân, trời nắng nhẹ mà vẫn lạnh. Tiếng đàn dương cầm vọng ra. Một điệu valse. Giai điệu của bản nhạc mượt mà, lấp lánh như những hạt nắng xao động trên vòm cây. Một giai điệu mà tôi chưa nghe bao giờ.

Văn Cao ngồi bên đàn. Đôi bàn tay khô gầy của ông đang lướt trên những phím đàn ố vàng, loang lổ. Tiếng đàn ấm áp, ngọt ngào âm vang đầy ắp căn phòng. Tôi sẽ ngồi xuống đi văng, lặng nhìn đôi vai gầy guộc của ông phủ xuống cây đàn. Mái tóc bạc dài xõa phất phơ, theo tiếng dương cầm thánh thót. Những vệt ánh sáng hắt qua ô cửa lấp lánh chuyển động trên đôi bàn tay.

Tiếng nhạc nhẹ dần, chầm chậm tan vào không gian mênh mông. Đôi bàn tay gầy khẽ nâng lên khỏi bàn phím và bất động trong không trung. Lát sau Văn Cao lặng lẽ đứng dậy, nhẹ nhàng rời khỏi cây đàn khuôn mặt ông bất động. Hình như tâm hồn ông vẫn còn bồng bềnh trôi theo những âm thanh của bản nhạc.

[…] Ông ngồi lặng nhìn theo tôi, đôi mắt ánh lên niềm vui. Từ trong khóe mắt, một giọt lệ lăn từ từ trên đôi gò má.

Tôi ngồi xuống bên ông. Hai cha con nhìn nhau. Tôi định nói một điều gì đó mà không được. Cổ họng cứ tắc nghẹn. Mãi lúc sau mới thốt được lên lời:

- Lâu lắm con mới lại được nghe bố đánh đàn một cách say sưa như thế này…” (*)

Âm nhạc có sự quyến rũ kỳ lạ của nó, từ bản thân âm hưởng, lời ca, nhưng nhất là nếu chúng ta biết được những ca khúc đã ra đời như thế nào.

Hôm 25 tết, cộng đồng Việt Nam tại Hungary tổ chức một đêm vui xuân, cả ngàn người tới dự. “Điểm sáng” là chương trình ca nhạc “cây nhà lá vườn” - lần đầu trong mấy năm trở lại đây, tôi ngồi nghe từ đầu đến cuối, vỗ tay và chụp ảnh luôn luôn. Và tôi rất hài lòng về chương trình ấy...

Nhưng cũng có vài người bạn phàn nàn, nào là “hát chả hay”, “âm thanh nghe cứ bùng bùng”... Chả liên quan gì, nhưng tôi cũng cố thanh nga rằng, để có được cái “chả hay” ấy, bao bạn trẻ đã tập luyện ngày đêm, có lúc... quên mình, để “quý vị” đến xem miễn phí, và rung đùi dè bỉu.

Tôi không tiện nói ra rằng, nếu muốn so với văn công chuyên nghiệp thì mời “quý vị” về nước, hoặc ngồi nhà xem VTV4. Và cũng không muốn bảo thêm là, trong số những tiết mục hôm đó, có một bài hát mà khi nghe, và xem, bất giác nước mắt tôi cứ trào ra, không thể kìm lại được. Cũng không hiểu vì sao...
 

Hồng Nhung và Hà My trong “Mùa xuân đầu tiên” - Ảnh: Trần Lê

Ấy là khi, hai cô bé ở độ tuổi 15, 16, ở bên này từ nhỏ, tiếng Việt dĩ nhiên là không sõi - và chắc nếu không bị phụ huynh bắt buộc thì chả tội gì các em “trong sáng tiếng Việt” cho vất vả - đã cố gắng song ca “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao.

Không có gì chắc các em hiểu hết những gì các em hát. Càng có thể đảm bảo rằng, các em - hoặc ngay bố mẹ các em - cũng không mấy ai để tâm ca khúc đã ra đời và có số phận chìm nổi như thế nào. Nhưng khi nghe giọng các em, nhiều đoạn còn non, tất nhiên, và không tránh khỏi lắm chỗ lơ lớ như Tây nói tiếng Việt, nước mắt tôi cứ lặng lẽ rơi...
 
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người.”

Biết bao giờ...

(*) “Văn Cao với ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” - hồi tưởng của Văn Thao về thân phụ ông.

Nguyễn Hoàng Linh


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn