THÁNG HAI, MỘT CHÍN BẢY CHÍN

Thứ năm - 17/02/2011 02:05

(NCTG) “… phải nhớ đến ngày này, năm ấy, không phải để thù hận, chẳng phải để tôn vinh, mà chỉ để con cháu tôi khỏi phải chứng kiến cảnh tượng như tôi đã thấy, ở ngay Thủ đô chứ chẳng phải nơi chiến trường xa xăm...”.


Áp-phích “Chiến thắng quân Trung Quốc xâm lược” tại TP HCM, năm 1979

Rồi anh lại ra đi - Vui như ngày hội...”

Nhạc sĩ Trần Hoàn viết những câu này 2 năm sau cuộc chiến 1979. Nó cũng cùng âm hưởng với “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, hay “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy tương lai” của những năm tháng trước đó.

Tất nhiên, không ai phủ nhận là chiến tranh có thể có những khoảnh khắc hân hoan như thế, nhưng về căn bản, chiến tranh là đau buồn, là chết chóc, là tang thương với người ra trận và người ở hậu phương. Cuộc chiến biên giới Việt - Trung cũng không phải ngoại lệ.

Ấn tượng của tôi về cuộc chiến ấy, thật lạ lùng, là khá nhiều, cho dù nhiều thứ giờ đây đã nhạt nhòa. Nhưng tôi vẫn nhớ như in hai cảnh tượng, khi cách tôi hai nhà, có một gia đình nhận tin người con tử trận, và một buổi khác, lúc các bà vợ, bà mẹ tiễn chồng con lên đường, ở Sân vận động Quán Thánh.

Hình ảnh và âm thanh của những tiếng gào thét thất thanh và thảm thương không còn nghe rõ lời trong gia đình láng giềng xấu số, và những giọt nước mắt tuôn tràn như mưa không thể ngừng bên hàng xe chăng cờ, hoa, khẩu hiệu chở những người lính ra đi... còn mãi trong tôi, không rời, cho đến giây phút này, khi nhớ về 30 năm trước.
 
*

Lúc ấy, tôi mới là một đứa bé 11 tuổi, chả biết gì, đến lớp vẫn hồn nhiên rình lúc cô giáo chưa vào, cùng bạn bè ngồi vắt vẻo trên bàn học và rủ nhau nếu phải đi sơ tán thì cả lũ cùng nhau đăng ký theo trường “cho vui”, đừng đi với gia đình, “buồn lắm”...

Ký ức non nớt của tôi còn lưu giữ vài chuyện khác, thực ra không có gì đáng kể, nhưng không sao quên được dưới cái nhìn trẻ con hồi đấy.

Dưới ngôi trường Chu Văn An của chúng tôi, có hệ thống hầm ngầm mà xuất xứ chưa rõ lắm; hồi chiến tranh với Trung Quốc, người ta mới khui lại để nếu cần thì làm nơi trú ẩn. Thấy đồn dưới hầm có những bộ xương xiếc gớm ghiếc!

Rồi, ngay dạo đó, một bộ phim tuyên truyền mang tựa đề “Người hàng xóm” (?) - dựa theo truyện ngắn “Chân dung người hàng xóm” của Dương Thu Huơng (nói về chuyện một tay Hoa kiều ở Việt Nam gần hết đời, ai cũng nghĩ là người tốt, hóa ra là nội gián cho Tàu...) – cũng được quay rất kịp thời tại nhà Bát Giác trong trường.

Bọn trẻ chúng tôi, hiếu kỳ kéo đến xem đoàn làm phim ở ngôi nhà cổ - mà thời ấy bị biến thành nơi nơi để dân tình phóng uế bừa bãi, lộ thiên, rất mất vệ sinh – và khoái chí khi liên tưởng tới những câu chuyện “cảnh giác” ly kỳ, mà nội dung chính yếu là nhìn đâu cũng thấy gián điệp, thám báo Tàu “nằm vùng”.

Cho dù, chỉ ít ngày trước, họ còn là những ông cụ đẩy xe bán tào phớ, “chín tầng mây”, “bi don don”, kẹo kéo, táo dầm… cùng những cuốn chuyện tranh Tôn Ngộ Không mà bọn trẻ rất mê, hay những chủ tiệm mỳ vằn thắn, thịt quay tuyệt hảo trên phố… mà thi thoảng, khi bố mẹ chúng tôi vừa nhận lương, lũ trẻ như tôi mới có dịp “cải thiện”…
 
*

Ngẫm lại, cuộc chiến nào cũng bi thảm, nhưng đặc biệt, cuộc chiến 1979 bi thảm hơn ở chỗ, nó diễn ra với những kẻ “cùng chiến tuyến”, “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, “môi hở răng lạnh”, “bên kia biên giới là nhà - bên đây biên giới cũng là quê hương”...

Nó tàn nhẫn và trớ trêu hơn ở chỗ, máu người Việt Nam đã đổ ngay trong thời bình, khi đất nước đã “sạch bóng quân thù”, khi mà, lẽ ra, mọi mâu thuẫn đều có thể giải quyết mọi chuyện bằng con đường ngoại giao thông thường.

Hơn ba thập niên trôi qua, tự nhiên một cuộc chiến từng được nhắc tới thường trực trên đài, báo, trong các tác phẩm văn nghệ một thời, lại biến thành “đề tài nhạy cảm”. Từng được những lãnh tụ tối cao của Việt Nam đánh giá là một cuộc chiến “mãi mãi được ghi vào lịch sử” (*), nhưng giờ đây, nhắc đến nó, dễ bị quy chụp, coi là “có vấn đề”.

Riêng tôi, trong sâu thẳm của lòng mình, nghĩ rằng, phải nhớ đến ngày này, năm ấy, không phải để thù hận, chẳng phải để tôn vinh, mà chỉ để con cháu tôi khỏi phải chứng kiến cảnh tượng như tôi đã thấy, ở ngay Thủ đô chứ chẳng phải nơi chiến trường xa xăm...

Và để máu những người đã ngã xuống không uổng phí...

(*) “Thắng lợi của nhân dân Việt Nam đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc cách đây ba năm mãi mãi được ghi vào lịch sử như một cái mốc quan trọng của phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội” (Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh năm 1982, nhân kỷ niệm 3 năm cuộc chiến biên giới).

Người Dân, 17-2-2009 - 17-2-2011


 
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn