ANH HÙNG (?)

Chủ nhật - 22/02/2009 23:51

(NCTG) “Tây - Tàu nó bảo thế nào mặc kệ chúng, nhưng mình đừng có ngán! Tàu nó ca tụng lính nó đánh chiếm Việt Nam là anh hùng, sao mình không tưởng niệm và vinh danh những anh hùng của mình thời ấy, như Lê Đình Chinh và các anh khác?”.


“Lão hổ tướng” Hứa Thế Hữu chỉ huy đánh vào 3 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh của Việt Nam, và đã thảm bại sau những ngày đầu - Ảnh: Internet


Gần đây, có mấy chuyện động trời liên quan đến cuộc chiến tranh biên giới 1979 mà các forum, blog đều râm ran. Đó là chuyện Nghĩa trang Liệt sĩ Trung-Việt Thủy Khẩu Long Châu bị coi là nơi có có vòng hoa của phái đoàn Việt Nam (?) tưởng nhớ các chiến sĩ Tàu chết trận 1979 (?), rồi báo “Hà Nội Mới” đăng bài dịch ca ngợi tướng Tàu Hứa Thế Hữu (tổng chỉ huy quân đội Trung Quốc tấn công Việt Nam hồi 1979).

Đặc biệt là chuyện cuốn “Ma Chiến Hữu” trong loạt sách mới in năm ngoái của Mạc Ngôn ca ngợi “người lính anh hùng đã hy sinh vì tổ quốc Trung Hoa vĩ đại trong chiến tranh phía Nam Trung Hoa tháng Hai năm 1979” được NXB Văn Học ấn hành với những lời quảng bá có phần ồn ào.

Thông tin trong các vụ này thì rất nhiều và dồn dập, xem qua trên blog Sweet tears và Người Buôn Gió là tương đối đủ. Nhìn chung, tự mỗi người đều có thể rút ra được kết luận cho mình về việc xử lý các info và cả những tình cảm dân tộc của mình.

Nói chung, dù ở mức độ khác nhau, nhưng các thông tin trên đều bao hàm một ý nghĩa tích cực là dựng dậy tinh thần dân tộc, ái quốc trong người đọc, khiến người dân quan tâm lại với lịch sử đất nước.

Ở câu chuyện nghĩa trang Thủy Khẩu, cho dù info có thể lệch lạc, hoặc nói nặng lên là thêu dệt, bịa đặt (ở đây tạm không xét đến “động cơ” của tác giả), ít ra, nó cũng có thể khiến nhiều người tìm hiểu, tại sao lại có chiến sĩ Việt Nam tử trận ở nước Tàu trong cuộc chiến chống Tưởng thống chế. Bởi lẽ, tìm hiểu lịch sự một cách đa chiều bao giờ cũng có ích và nên làm.

Nhưng cái hay trong cả 3 trường hợp trên, là nó đặt ra vấn đề nhìn nhận những cá nhân (hoặc tập thể) trong lịch sử, xuất phát từ các góc độ, quan niệm khác nhau.

Có lẽ không cần phải bài cãi, đối với đất nước và người dân Việt Nam, lính Tàu năm 1979 (trong đó có Hứu Thế Hữu), hẳn nhiên là địch, là kẻ xâm lược. Trên chiến trường là kẻ thù không đội trời chung.

Bất kể trước đấy, họ có thể là những nông dân nghèo khó, thất học, bị chính quyền Tàu sử dụng như những con bài cho ván cờ của họ (theo ý mà blogger Trương Thái Du dẫn lại của Mạc Ngôn trong một bài viết về sự “chính danh” của cuộc chiến 1979).

Nhưng với Trung Quốc, rất có thể họ được coi như những anh hùng, nhất là đối với những liệt sĩ (hiểu theo nghĩa thiệt mạng ngoài chiến trường). Đó là chuyện của Tàu, Việt Nam mình không làm gì được, dù bực. Kệ xác họ!

Những ví dụ tương tự, dù có thể khập khiễng, thì có rất nhiều.

Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, rất có thể được Mỹ coi là “những anh hùng trên mặt trận bảo vệ tự do”.

Còn Phương Tây nhiều nơi nhìn nhận Nguyễn Văn Trỗi như kẻ khủng bố, mặc dầu du kích Caracas thì coi anh là anh hùng.

Cho nên, ở thời buổi “đa nguyên” này, khi không thể cấm đoán hoặc áp chế một cách nhìn nhận cho tất cả mọi người, mọi nơi, lắm khi bức xúc nhưng cũng phải chấp nhận.

Vấn đề ở đây là, Tây - Tàu nó bảo thế nào mặc kệ chúng, nhưng mình đừng có ngán! Tàu nó ca tụng lính nó đánh chiếm Việt Nam là anh hùng, sao mình không tưởng niệm và vinh danh những anh hùng của mình thời ấy, như Lê Đình Chinh và các anh khác?

Và nếu tiểu thuyết của Mạc Ngôn có phản chiến hay ho đến mấy, Hứa Thế Hữu có đa mưu túc trí võ nghệ siêu quần đến đâu đi nữa, để cần phải dịch ra tiếng Việt và ngợi ca, thì cũng không sao cả, cứ dịch, cứ khen, nhưng mà nhớ ghi chú cho người đọc hiểu rằng, những nhân vật ấy đã làm gì trong mùa xuân 1979, với Việt Nam.

Vì, từ ấy đến giờ, có mấy thế hệ thanh niên Việt Nam không hề biết đến những tháng ngày ấy rồi? Và rất có thể, ngược lại, nếu không cẩn thận, họ chỉ biết đến những “anh hùng của Quân đội Nhân dân Trung Hoa”, thì thậm nguy...

Lịch sử cần được bảo lưu, và nhìn nhận đầy đủ từ nhiều phía, là như thế!

Một số updates:

1. Blogger Codet có nêu một ý khá hay ở đây, là nếu mình cứ nhìn nhận kiểu “những đôi mắt mang hình viên đạn” với sách vở thế này (như đối với cuốn kể trên của Mạc Ngôn, hoặc với “Totem sói”), thì vớ vẩn, sách vở Tây - Tàu lọt sang Việt Nam qua các bản dịch chắc sẽ bị cắt xén mòn mỏi, thiến hoạn đủ kiểu. Người đọc chả còn cái gì đáng đọc nữa, về nhà ôm nhau luyện chưởng ở mục “Tâm sự” bên VNE!

Về vụ này, có lẽ phải phân biệt một báo cáo, luận văn chính trị, với một tác phẩm văn học. Nếu là một luận văn chính trị, kiểu như “Cuộc chiến đấu của tôi” (Hitler), tức là có những yếu tố kích động hằn thù “chống nhân loại”, ngay Âu - Tây cũng bị cấm in, hoặc nếu in với mục đích nghiên cứu, học tập thì cũng cần có những nghiên cứu khoa học kèm theo. Nếu họ Hồ (bên Tàu) có bài phát biểu chống Việt Nam ta, ta cũng không nên cứ long trọng in nguyên xi để người đọc bình thường tưởng đấy là... chân lý.

Còn tác phẩm văn học (dù là mang những yếu tố chính trị, thời cuộc) thì khác. Nếu cho là hay, giá trị, ta vẫn có thể dịch, chớ cắt xén kiểm duyệt làm gì, vừa mang tính “bưng bít thông tin”, vừa vi phạm nguyên tắc tác quyền (tác giả có quyền bảo lưu sự “toàn vẹn thân thể” các tác phẩm mình). Nhưng nên cẩn trọng khi quảng bá, tránh hiểu nhầm vô duyên, nhất là vào những thời điểm nhạy cảm, khi info đến độc giả từ những hướng khác (ít nhiều) bị hạn chế...

2. Mới một hôm mà thêm nhiều “hot blogger” có bài về vụ “Ma Chiến Hữu”, như ở blog của Linh Vu Hoang, Na Son, Mr. Do... Đặc biệt, bài của blogger Linh (TS. Vũ Hoàng Linh) viết chỉn chu, chừng mực và đanh thép, có nhận xét sau được nhiều người hưởng ứng: “Như vậy, tự thân nó thì việc dịch, xuất bản và đọc cuốn sách này ở Việt Nam thực ra không có vấn đề gì cả. Nó cũng tương tự với việc ở Mỹ người ta xuất bản “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh.

Nhưng nó chỉ là bình thường với một điều kiện: đó là sách vở, báo chí Việt Nam được tự do bàn luận tới chiến tranh biên giới, được tri ân những liệt sĩ hy sinh, được bình luận, phê phán những góc độ khác nhau của chiến tranh... Nếu điều kiện đó không được đáp ứng thì việc xuất bản cuốn sách này lại là một việc rất bất thường và phản cảm
.”

Thực ra, nhiều blogger phản đối sự hiện diện của cuốn sách (hoặc tác giả cuốn sách, hay người dịch, NXB và cách thức PR vô duyên của sách) không nhất thiết là xuất phát từ “chủ nghĩa bầy đàn của đám đông”, như vài người dè bỉu. Nói như thế là coi thường khả năng tư duy, nhìn nhận vấn đề, cũng như khả năng đọc hiểu của người khác (tuy rằng, nói đúng ra thì nhiều lúc Việt Nam mình cũng có vấn đề về khả năng đọc hiểu).

Theo tôi hiểu, ở đây, nhiều người không có vấn đề gì với tự do ngôn luận, viết lách, hay chuyện dịch và xuất bản một cách “tự thân” (vế 1 mà blogger Linh nêu ra), mà họ phản đối về vế 2 của Linh (những điều kiện bình thường của việc đọc, bàn luận và thể hiện ý nguyện, chính kiến) đã không tồn tại.

Đấy là còn chưa nói đến sự PR vụng về và phản cảm của NXB Văn học và đối tác là Công ty Phương Nam trong vụ này.

Vì vậy, dù đồng tình hay không, cũng cần tôn trọng quan điểm của các blogger ấy. Mọi biểu hiện hùa vào bỉ thử họ mà không cần biết nguyên do gần xa, cũng là một biểu hiện của “chủ nghĩa bầy đàn”, “đám đông”!

Người Dân


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn