Tờ giấy báo thi "oan nghiệt" - Ảnh: "VietNamNet"
Theo bản tin của "VietNamNet", ít nhất đã có hai trường hợp thí sinh lỡ thi (và đã phản ánh cho báo chí), vì giấy báo dự thi không rõ ràng khiến các em hiểu nhầm thời điểm một môn thi. Nói đúng hơn là giấy báo đã in sai, khiến các em do hiểu... đúng nội dung trên giấy báo, nên bị lỡ thi.
Hậu quả của sự việc là trầm trọng, như chia sẻ của phụ huynh của một trong hai trường hợp trên: “Vậy, trong trường hợp này ai giải quyết và ai chịu trách nhiệm? Sau 12 năm đèn sách tốn biết bao là công sức, kỳ vọng, cháu tôi đã khóc lóc thảm thiết và bi quan cho số phận của mình. Ai sẽ bù đắp thiệt hại đây?”
Tuy nhiên, các quan chức có liên quan, thì lại điềm nhiên… đổ lỗi cho thí sinh.
Ông Trần Hữu Minh, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, giải thích: “Giấy báo thi thiếu có thể do lỗi đánh máy. Nhưng theo tôi, những thông tin đại chúng như báo chí, tivi, đã nói đến kỳ thi đại học, cao đẳng rất nhiều, nhất là năm nào cũng tổ chức thi tuyển. Vậy mà em Hưng lại nhầm lẫn như vậy thì phần chính là do em. Chúng tôi đã rút kinh nghiệm trong việc đánh giấy báo thi. Sự việc này nhà trường cũng đã báo cáo lên Bộ Giáo dục - Đào tạo.”
Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, trong trao đổi với báo giới, thì cho rằng trong ngày làm thủ tục dự thi (3-7), các thí sinh đã được nhắc nhở về lịch thi từng môn. Cuối mỗi buổi thi, các giám thị cũng đều nhắc nhở ngày, giờ của các môn thi tiếp theo. Nên bà... bực xúc trở lại: “Tại sao hàng nghìn thí sinh đều đến đúng giờ mà chỉ có một số em không biết? Cái này, phải xem lại từ chính các thí sinh”.
Không hề có một câu về trách nhiệm của cơ quan tuyển sinh và về giải pháp khắc phục hậu quả đã xảy ra, do lỗi của cơ quan!
*
Một trong hai thí sinh nói trên đã không có mặt trong ngày đầu tiên (3-7) để “làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế thi”, mà đến buổi sáng của ngày thi đầu (4-7), em mới làm được điều này. Nhưng thử hỏi, có thể vin vào đó để đổ lỗi cho thí sinh về việc em lỡ thi, do làm đúng theo những gì trong giấy báo?
Trong suốt cuộc đời (không hề ngắn!) phục vụ “mái trường XHCN thân yêu” của tôi, năm nào tôi cũng vinh dự được đi trông thi tuyển sinh đại học. Cho nên, tôi không thấy có gì lạ khi ngày đầu tiên tập trung làm thủ tục, nhiều thí sinh đã không đến được.
Các em không đến được, có thể vì chưa đến kịp (đi lại khó khăn, tàu xe bị tắc), có thể vì đến rồi nhưng lần đầu ra tỉnh, lơ ngơ chưa tìm được chỗ tập trung, tìm được thì đã lỡ mất buổi tập trung.
Năm nào cũng có những trường hợp như thế, nhưng năm nào chúng tôi cũng được dặn rằng có thể ngày mai các em vẫn đến thi và phải cho các em vào thi. Thủ tục làm sau.
Về các buổi thi, đúng là cuối mỗi giờ thi giám thị phải nhắc thí sinh về ngày giờ thi của buổi sau. Nhưng những ai đã từng là thí sinh, có thể biết lúc bạn mới nộp bài thì đầu óc bạn sẽ nghĩ về cái gì? Có đủ tập trung và tỉnh táo để nghe dặn dò nữa không?
Có người trách rằng trong bao nhiêu năm, lịch thi vẫn thế mà thí sinh vẫn không biết. Rồi thì phụ huynh cũng không biết. Có lẽ bạn chỉ mới nghĩ về trường hợp của bạn, của bạn bè bạn, những người sống ở thành phố, được gia đình quan tâm theo sát từng bước, từ ngày bước chân vào cấp 1 cho đến khi đi thi đại học.
Bạn chưa nghĩ đến những em ở nông thôn lần đầu ra tỉnh cái gì cũng không biết, và những ông bố bà mẹ quanh năm làm ruộng đến ngày con đi thi chỉ biết bán tống tháo cơn lợn hay tạ thóc lấy tiền lộ phí cho con.
Xã hội Việt Nam chưa phải là xã hội thông tin, đừng đòi hỏi bất kỳ ai ở tận cùng ngóc ngách nào cũng phải biết hết những gì cần biết. Khi người dân chưa làm quen với cách tra cứu tìm kiếm thông tin thì nhiệm vụ của những người có thông tin là gì? Không thể bảo, tôi đã nói 1 lần, 2 lần, 3 lần rồi đấy, sai tôi không chịu trách nhiệm nữa.
Làm như thế là chỉ nói về lý (mà ngay cả về lý thì trường nọ vẫn sai, rõ ràng in giấy báo thi như thế thì ai mà có thể hiểu khác?), cho xong trách nhiệm, chứ chưa đặt quyền lợi của người nhận thông tin lên hàng đầu.
Trách móc thí sinh bao giờ chẳng dễ nhất. Nhưng còn những người có trách nhiệm liên đới thì sao, họ sẽ làm gì để lần sau không sai phạm như thế nữa? Không thấy bà Vụ trưởng nói một câu gì theo hướng ấy!
*
Đến đây, không thể không liên tưởng tới chuyện dạy và học ở quốc gia nơi hiện tại tôi đang sinh sống.
Khoa tôi dạy, kết thúc mỗi học kỳ lại có gặp gỡ giữa phụ trách các bộ môn với Ban chủ nhiệm khoa để họ giải trình về điểm tổng kết môn học của sinh viên theo học, cũng như các trường hợp bị đánh trượt môn học. Mọi người còn cùng thảo luận từng trường hợp, xem có cách xử lý nào khác có lợi hơn cho sinh viên hay không.
Như thế, quyền lợi của sinh viên luôn được đặt lên hàng đầu. Và trách nhiệm của giáo viên là phải đảm bảo được điều đó. Khi sinh viên bị trượt môn học, người ta đặt câu hỏi: "Tại sao? Em ấy có khó khăn gì? Có cách nào để giúp đỡ?" Chứ không đổ lỗi lên đầu sinh viên, rằng: "Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm. Việc thi trượt là do chính sinh viên".
Nếu coi trọng con người thì người ta sẽ không chỉ biết có đổ lỗi. Chưa cần nói gì xa xôi, chỉ nói về cái tâm của người ta đối với nhau thôi…
Nguyễn Tuệ Anh
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn