CÁI GÌ CẦN ĐẬY TRƯỚC?

Thứ bảy - 07/11/2009 20:56

“Có những việc chỉ cần quan sát thông thường, chẳng cần chuyên môn sâu cũng có thể nhìn thấy mà sao tuyệt nhiên không thấy cơ quan chức năng đề phòng? Hay là tính mạng con người không đáng quan tâm đến thế?”

Những cái “bẫy” chết người không chừa một ai - Ảnh: “Dân Trí”

Năm ngoái, có học sinh chết vì ngã xuống cống thoát nước khi mưa lụt ở Hà Nội.

Năm nay, chỉ nội trong tháng 9, một em học sinh lớp 8, rồi lại một em học sinh lớp 5 ở TP HCM bị điện giật chết trên đường.

Liên quan đến vụ thứ hai, phó giám đốc điện lực đã từ chức.

Ừ, thì cũng có thể từ chức là một biểu hiện của liêm sỉ và trách nhiệm. Nhưng vấn đề không phải là cứ để nó xảy ra rồi mới từ chức. Có những việc chỉ cần quan sát thông thường, chẳng cần chuyên môn sâu cũng có thể nhìn thấy mà sao tuyệt nhiên không thấy cơ quan chức năng đề phòng? Hay là tính mạng con người không đáng quan tâm đến thế?

Từ cuối tháng 10, chùm ảnh về những cái bẫy chết người tại khu đô thị Nam Trung Yên đã được đưa lên báo mạng “Dân Trí”. Những cái “bẫy” ấy còn ở ngay trước cổng trường cấp I và cấp II Nam Trung Yên nữa.

Sau khi đưa con đi học hôm thứ Hai, tôi có gọi điện báo cô giáo con để nhà trường báo cáo, kiến nghị gì đó đến những người có liên quan. Đến hôm nay là thứ Sáu, tôi đi qua thì những cái hố ga giữa đường vẫn còn nguyên. Thêm vào đó, còn có một cái dây điện to như ngón chân cái đung đưa thành hình chữ W giữa đường. Người đi đường thì trèo qua dây điện ấy.

Ở trên đường cao tốc chạy qua sân vận động Mỹ Đình, chỗ gần lối vào trường trung học Lomonosov và một loạt các trường dân lập khu vực ấy, tôi đã tận mắt chứng kiến 2 lần có học sinh áo trắng vấy máu được đưa lên lối cỏ giữa đường chăm sóc chờ xe cấp cứu.

Có lần, tôi nhìn thấy tận mắt một người phóng xe máy tốc độ chừng 60-70 km/h đi qua, đúng lúc một em học sinh vừa xuống xe buýt bên này đường và chạy nhanh qua đường để đến trường phía bên kia. Chỉ một mili-giây thôi thì tai nạn ấy có thể xảy ra và có thể sẽ thật là khủng khiếp. May mà xe chỉ trượt qua vạt áo em học sinh ấy.

Ngay lập tức, tôi về gọi điện cho 108 hỏi số của Sở Giao thông Công chính và nói với họ rằng cần có sự thay đổi thế nào đó. Một bên là các trường học, một bên là trạm xe buýt mà đường ấy lại là đường cao tốc. Không có biển hạn chế tốc độ; không có biển chỉ trường học ở gần, không có gờ giảm tốc. Thế nghĩa là xe cứ việc phóng còn các em xuống xe buýt cũng cứ việc lao à?

Người ta hỏi tên tôi, rồi vâng vâng dạ dạ, nói rằng “sẽ tiếp thu”.

Đã hơn 2 năm kể từ ngày tôi “báo cáo”, quãng đường ấy giờ vẫn vậy.

Bà con ơi! Giờ tôi phải “báo cáo” ai, kêu ai để sự việc trên kia được giải quyết? Hay là để đến lúc có trẻ em chết rồi thì, hoặc là quý vị bảo dân mình ỷ lại vào nhà nước, hoặc là lúc ấy có vị nào đó “trách nhiệm” xin từ chức? Cái chức của quý vị có bằng tính mạng của một em học sinh không? Hay là nó to hơn ạ?

Và rốt cục, cái miệng và cái nắp cống, cái gì cần đậy trước ạ?

Hoàng Hạnh, từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn