CÁM ƠN & XIN LỖI

Thứ năm - 25/03/2010 01:49

(NCTG) “Mới hay: nói lời cám ơn, cũng cần văn hóa lắm thay!”

Nói lời cám ơn, xin lỗi (cho đúng cách) sao nhiều khi quá khó khăn? - Ảnh minh họa

GS. TS Nguyễn Văn Tuấn mới đây có bài “Văn hóa cám ơn” trên blog cá nhân, phàn nàn về việc người Việt ít nói cám ơn & xin lỗi.

Thực ra, đây là chuyện đã quá cũ và nhiều người bảo rằng văn hóa, truyền thống phương Đông bản chất nó là như vậy, “nói ra lời cám ơn hay xin lỗi cứ ngường ngượng miệng thế nào ấy”, “bọn Tây chỉ được cái... hình thức, lẻo mép, Việt Nam ta mới thực là... trong lòng”, v.v...

Mỗi người mỗi ý nên xin miễn bàn sâu. Cá nhân tôi có mấy mẩu chuyện vui vui về chuyện cám ơn & xin lỗi ở Việt Nam.

1. Câu chuyện đầu này đã kể ở một dịp nào đó, không nhớ nữa.

Anh bạn tôi bên này, người Hà Nội gốc, rất nền nã. 8-9 năm trước, sau mười mấy năm tu nghiệp, đậu tiến sĩ, anh hồi hương.

Một thời gian ngắn sau, ảnh i-meo kể chuyện quê hương, chuyện gặp bạn bè, thân nhân mừng mừng tủi tủi, mọi nhẽ.

Nhưng cái mà tôi, một đứa không mấy khi có dịp về nhà, chú ý hơn cả, là kinh nghiệm ứng xử của anh. Anh bảo, về nhà nên quên ngay cái phản xạ “cám ơn - xin lỗi”, vì làm thế sẽ bị mọi người nhìn như thể mới từ hành tinh khác tới. Và “quê” nữa.

Anh lấy ví dụ. Mua bán xong cái gì đó, như bên này thì người mua cũng lịch sự cám ơn, nhưng ở nhà thì không cần, không nên, vì “tiền mình bỏ ra kia mà”. Người bán đa phần cũng vậy, vì “ông trả tôi tiền, thì tôi trao ông hàng, ơn huệ gì ở đây”.

Thậm chí, đi ăn uống chẳng hạn, ở những quán bình dân ấy, mà cứ nhỏ nhẹ cám ơn - xin lỗi thì không bao giờ đến lượt. Cứ phải quát tháo om sòm, nhẹ ra cũng phải cụt lủn, hách dịch, cho oai vào, thì người ta mới để ý đến mình.

Anh bạn chia sẻ: hồi đầu mới về, thấy cũng lạ, và ngại. Nhưng sau đó “tái hội nhập” khá nhanh, vì nhìn quanh “đâu đâu cũng vậy cả”.

Rốt cục, anh thấy “quen đi thì như thế cũng hay, chả vấn đề gì”. Rồi anh bảo: “Dân mình chính ra “thân lừa ưa nặng” phết... cứ lời lẽ tử tế không bao giờ xong việc. Ngẫm lại... mình cũng vậy... từ hồi về nhà...”.

2. Hồi ấy, Internet chưa phát triển như bây, thông tin cũng có nhưng chưa phong phú, đa dạng mấy, nên khi nghe anh bạn, tôi phục sát đất. Và tâm niệm là để thử “chếch” xem sao.

Thì sau đó ít lâu, có dịp kiểm nghiệm qua lời vợ. Nàng về phép, đi chợ mua đồ ăn cùng chị gái. Sợ dúm dó vì bị thách giá, và cảnh “ai ai cũng nói to, trông ghê lắm”.

Nhưng ấn tượng nhất là sau khi mua xong mớ rau, con cá gì đó, nàng buột miệng “cám ơn” thì bị bà chị “chỉnh” ngay “mày làm cái gì thế”. Để ý chút thì thấy trong giao tiếp, ngôn từ của bà chị khi đi mua bán khá cụt lủn, thậm chí nhiều khi hách dịch, mặc dù bả là người rất hiền.

Khi về nhà, hỏi, thì bả bảo: “Phải thế mới được việc, mình mà nhẹ nhàng là chúng nó làm tới!”.

3. Vài năm sau, tôi có dịp về thăm nhà, sau gần 20 năm. Mặc dù nghe lời can gián là không nên lê la ăn uống tạp nham, không đảm bảo vệ sinh, nhưng tôi cũng cố gắng “đi thực tế” một số bận, và thấy... không đến nỗi nào.

Nhiều nơi khi tôi cám ơn họ, họ cũng cám ơn lại, hoặc nếu không thì cũng mỉm cười thân thiện.

Đa phần, tôi có mua bán giao thiệp gì (tất nhiên là hãn hữu thôi, vì đàn ông thì biết gì mà mua với bán!), thì cũng không phải lên giọng, hoặc quát tháo, như chỉ dẫn của cậu bạn.

Tôi đắc thắng lắm vì nghĩ là “tình thế đã đổi thay”, đem chuyện kể lại với mấy người bạn hôm trước khi sang lại đây. Thì thấy chúng cười cười, vẻ bao dung: “Ừ, cũng tùy nơi. Bọn nào quen... Tây rồi, thì cũng “Tây hóa”. Chứ ta thì... vẫn thế thôi...”

Tôi bực, nhưng không sao cãi được với bọn “thổ dân” ấy...

*

Dây mơ rễ má, đến văn hóa cám ơn của quan chức, hoặc nói rộng hơn là người có chút quyền hành gì đó.

Ở nhà mình, tôi thấy quan chức nếu có hiện diện ở đâu, thì thường là để giương mục kỉnh đọc diễn văn tràng giang đại hải, không ai muốn nghe và không chắc ông quan chức đã hiểu rằng ông ta đọc gì. Chứ cám ơn (thực lòng), thì hiếm thấy. Nói chung, phàm là quan chức đã xuất hiện, đăng đàn, thông thường là để quảng cáo cho cá nhân, chứ chả còn mục đích gì khác.

Nó có phần khác với bên này, ví dụ những dịp tổ chức này nọ, những chương trình văn hóa lớn, nếu có được mời, quan chức biết điều ra thì chỉ nói ngắn gọn mấy câu, cám ơn này nọ, rồi... “phắn” nhanh gọn để chương trình được bắt đầu, hay tiếp diễn. Vì đó là điều cử tọa mong muốn

Cá nhân tôi, rất thích dự những buổi khai trường hay bế giảng của con gái. Thường chỉ kéo dài 20 phút, ngoài vụ hát Quốc ca (Himnusz) và bài ca ca ngợi đất nước Hungary (Szózat) ở đầu và cuối, cùng một số tiết mục ca vũ nhạc của học sinh, thày hiệu trưởng chỉ phát biểu ngắn gọn độ 5 phút.

Nội dung chủ yếu là cám ơn học sinh đã học tập chuyên cần, cám ơn các bậc phụ huynh đã quan tâm đến con cái và phối hợp với nhà trường, và cuối cùng mới là cám ơn đội ngũ giáo viên đã hết lòng vì bọn trẻ (dù đồng lương thì chết đói, mạt hạng!).

Cấm thấy cám ơn... đảng, chính phủ, lãnh tụ đâu cả! Và sau đó thì tới màn tuyên dương học sinh giỏi và xuất sắc, tặng bằng khen, phần thưởng và bắt tay từng em, từ đứa nhóc lớp 1, rất trọng thị!

Tôi cũng để ý tại các buổi hòa nhạc, biểu diễn (trường cháu gái theo học thiên về nhạc, nên hàng năm có mười mấy dịp như thế), ông hiệu trưởng cũng thường chỉ xuất hiện vào cuối chương trình, rất khiêm tốn: ông nói lời cám ơn độ 5-10 giây, trao tặng hoa cô giáo và học sinh, rồi lui ngay xuống dưới và đứng vỗ tay cùng cử tọa.

Chứ không có màn quan chức ngông nghênh đứng giữa các nghệ sĩ, hướng xuống dưới vỗ tay hồi lâu, cứ như thể những tràng vỗ tay của cử tọa là vinh quang dành cho ổng, vì ổng có thành tích nổi trội gì đó...

Mới hay: nói lời cám ơn, cũng cần văn hóa lắm thay!

Trần Lê


 
 Từ khóa: ứng xử
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn