Hai hôm nay mở trang này ra xem. Sinh ra và lớn lên ở nơi đây nhưng tôi chưa một lần tận mắt nhìn thấy những cánh đồng Tam giác mạch bát ngát, mênh mông ấy. Và nhiều người Hà Giang cũng thế...
Thị trấn của tôi không đẹp như tranh vẽ. Thị trấn của tôi cũng có khói và bụi; có những con đường đang được xây dựng gập ghềnh, gập ghềnh; có những mảng núi lở và bão lũ cuốn trôi những ngôi nhà sàn trong nước xoáy.
Thị trấn tôi nghèo…
Bố mẹ tôi lên đó lập nghiệp từ năm 1984 khi tách hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang (ngày xưa gọi là Hà Tuyên), cái thời còn tem phiếu, phải xếp hàng để đong từng bơ gạo. Và cứ thế, những nhọc nhằn của mẹ nuôi tôi lớn khôn. Đôi khi nhìn lại vẫn thấy ứa nước mắt…
Năm năm sống xa nhà với mươi, mười lăm lần về thăm quê, những nỗi nhớ ngủ yên vì người ta đã quen với vòng quay của cuộc sống, với những bộn bề lo toan, với cơm-áo-gạo-tiền và tương lai thì xa tít mù tắp.
Năm năm xa nhà... Thật khó khăn để quyết định rằng mình sẽ không trở về nữa, nhưng nỗi nhớ vẫn cồn cào trong tim.
Đôi khi tôi bần thần nhìn cảnh cô đơn của mình nơi đất khách, không người thân thích, không họ hàng... Đôi khi thấy cổ họng nghẹn đắng.
“Cuộc trở về trong tiếng Hy Lạp là nostos. Algos thì có nghĩa là đau đớn. Như vậy hoài nhớ là nỗi đau đớn gây ra bởi ham muốn trở về không được thỏa mãn.” (“Vô Tri”, Milan Kundera).
Nostalgia là gì nhỉ? Tại sao đôi mắt người ta luôn u sầu?
Có một lần, anh bạn đã từng nói: “Ở em, cái nét đặc trưng của con gái miền núi quá mạnh, nét mặt và đôi mắt lúc nào cũng ánh lên những nét buồn.” Tôi đã cãi “có phải thế đâu!” nhưng trong lòng nghĩ khác.
Nỗi buồn có thể đến từ nhiều phía, từ Nostalgia hay từ chính những suy nghĩ của tôi về cuộc đời và những gì tôi đã từng trải qua, đã từng thấy.
Hai mươi ba tuổi và gần 10 năm sống độc lập, so với bạn bè cùng trang lứa có thể tôi đã có nhiều trải nghiệm hơn, tự lập hơn, đủ biết mình phải như thế nào khi sống một mình. Đôi khi tôi vẫn cảm thấy hoang mang khi bên cạnh không có một điểm tựa của gia đình, những lúc cần nhất thì họ không có ở bên. Thực ra có thể chạy ngay về đấy, nhưng cũng chỉ là để cảm thấy bình yên thôi, còn tất cả mọi thứ cũng đều phải tự vượt qua và không dựa dẫm vào bất cứ một ai hết.
Mẹ tôi hay trách móc mỗi lần tôi về nhà, rằng tại sao lại không nhớ ông A, bà B, cô C, gia đình nhà D... Khi đó tôi thường cố gắng lục lọi trong trí nhớ nhỏ nhoi của mình rằng họ là ai? Nhà họ ở đâu? Họ làm gì? Nhưng thật sự không thể nhớ nổi, nó quá mơ hồ và không rõ ràng.
Một đứa con gái từ bé ít đi chơi, quanh quẩn ở nhà học bài, đọc truyện, chơi với lũ trẻ con hàng xóm; lên lớp 9 thì chuyển trường, từ một lớp chọn sang trường dân tộc nội trú để ở gần bố mẹ; cấp 3 thì chuyển ra ngoài thị xã ở và học một mình làm sao có thể nhớ hết được những người lạ xung quanh mình. Có khi họ còn biết tôi rõ hơn họ, vì khi tôi đi xa, chắc chắn mẹ sẽ luôn nhắc về tôi như niềm tự hào của mẹ. Chắc hẳn mẹ luôn nghĩ tôi vẫn còn ngỗ nghịch như thuở ấu thơ.
Tôi chợt nghĩ Penelope làm sao có thể giữ nguyên vẹn được tình yêu của mình với Ulysse nếu như nàng không hề nhắc tới chàng (dù có thể không bằng lời nói mà bằng những âm thanh trong tâm tưởng). “Nếu các kỷ niệm không được nhắc tới, liên tục và liên tục, trong những cuộc trò chuyện với bạn bè, chúng sẽ biến mất...”
Tôi hiểu và không bao giờ tự trách mình vì mình đã quên mất hình ảnh của một số người. Cái tôi cần nhớ nhất thì tôi sẽ luôn nhớ, đó là tôi là ai? Đến từ đâu? Và đang làm gì? Tôi chỉ không biết tôi thuộc về đâu.
Đọc “Vô tri” tôi đã thở dài vì Irena, Ulysse và vì chính mình: “Những người không gặp gỡ đồng hương, như Irena và Ulysse, không thể tránh được bệnh quên. Nỗi hoài nhớ của họ càng lớn, nó càng thiếu vắng các kỉ niệm. Ulysse càng buồn bã, chàng càng quên nhiều hơn. Bởi vì hoài nhớ không gia tăng cường độ của ký ức, nó không đánh thức những kỷ niệm, chỉ nó thôi đã tự đầy đủ với cảm xúc riêng của nó, bị hấp thụ hoàn toàn trong niềm đau đớn duy nhất của chính nó.”
Nostalgia, nó chỉ là cảm giác đau nhói, nghẹt thở và khó có thể diễn tả bằng ngôn từ. Nostalgia không phải là những ký ức tươi đẹp của thời thơ ấu cùng lũ bạn bơi lội trên dòng sông lấp lánh. Những kỷ niệm đó quá hạnh phúc và yên bình đến mức mỗi khi nghĩ về nó tôi lại mỉm cười. Nhưng chỉ cần nghĩ đến Nhà và Quê thôi là sống mũi cay cay, mắt long lanh ươn ướt.
Tựa là “Vô tri”, nhưng hóa ra lại hữu ý, hữu ý ở chính cái sự hoài niệm về quê hương mà con người bị đeo bám cả cuộc đời. Irena và Josef làm tình cũng chỉ vì sự hứng thú bởi những từ ngữ tục tĩu mà họ phát ra bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Khi những từ ngữ ấy thoát ra, họ đã tìm thấy chính họ, họ tìm thấy một phần máu thịt của mình, một phần con người họ đã đánh mất từ bao nhiêu năm nay. Sự hòa hợp ấy toàn diện giống như thể họ giành cho nhau những phút giây đã bỏ lỡ và sẽ còn bỏ lỡ của cuộc đời. “Như thể một nhà thơ đang viết bài thơ lớn nhất của mình với một thứ mực có khả năng biến mất ngay tức khắc”.
Sự hoài nhớ khiến con người sống mãnh liệt hơn cái cơ thể già nua của họ mà họ đang tồn tại trong đó.
Chao ôi, giá như lúc này tôi được nhìn thấy những bà người Mèo khoác quẩy tấu đi chợ những buổi sáng, nghe tiếng chuông gió leng keng bên hiên nhà, ngắm những cây bỏng nở từng chùm hoa đỏ rực hay những cánh tường vi nở muộn rụng xuống tầng 2 nhà bà hàng xóm, mặc kệ cái bà già khó tính ế chồng ấy cáu bẳn cầm chổi quét đi và lẩm bẩm một cách khó chịu.
Giá như tôi được nhìn thấy những con chim bồ câu gù ầm ĩ cả chiều, thậm chí còn bay lên nóc bàn thờ khiến mẹ cầm chổi tức tối đuổi... Giá lúc này tôi được chơi đùa với thằng cháu, và quây quần bên mâm cơm có cả gia đình... Những giây phút ấy bây giờ thật hiếm hoi.
Nhưng có một điều tôi biết (bởi đã bao nhiêu lần như vậy), rằng có thể khi về đến nhà thì tôi lại muốn cất bước ra đi, vì thực tại nó không như trong ý nghĩ khi mình hoài nhớ. Trong nỗi hoài nhớ ấy thì quê nhà đã được cách điệu và hình tượng hóa lên nhiều lần, nó đẹp hơn gấp nhiều lần trên thực tế. Nhưng khi trở về tôi lại thấy xa lạ vì nó không còn là của tôi nữa.
Tôi đã đọc một bài viết có câu này: “Chừng nào bạn cảm thấy xa lạ với nơi bạn đang sống, thì bạn nên ra đi. Dù là để tìm kiếm một miền đất mới hay một thế giới quá vãng.”
Có lẽ điều đó đúng, Tôi cảm thấy việc ra đi là nên làm, nhưng chưa chắc tôi đã dứt bỏ được tất cả những gì tôi đang có để đi kiếm tìm một chân trời mới – nơi tôi không cảm thấy xa lạ. Tôi chỉ có thể hy vọng mình sẽ có nhiều điều tốt đẹp hơn ở phía trước. Những điều tốt đẹp sẽ khiến người ta gắn bó với nơi mình đang sống nhiều hơn.
Tôi vẫn đang sống ở một thành phố xa lạ. Đã 5 năm có lẻ nhưng trong lòng tôi nó vẫn là một thành phố không phải của tôi, dù thời gian khiến tôi phải gắn bó với nó còn hơn với ngôi nhà của chính mình.
Chẳng biết sau này tôi sẽ ở nơi nào khác, nhưng tôi biết, mái nhà của bố mẹ tôi, nơi chứng kiến tuổi thơ của tôi, nó vẫn còn nguyên ở đó, là nơi để tôi có thể trở về bất cứ lúc nào.
Mỹ Hạnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn