TS. Cù Huy Hà Vũ (phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đầu tháng 11, TS Cù Huy Hà Vũ bị bắt trong một “
vụ án bao cao su” bí ẩn, sau đó bị khởi tố về tội “
tuyên truyền chống phá Nhà nước”.
TS Luật Cù Huy Hà Vũ bị bắt và khởi tố
Cần nói rõ rằng tôi không có bất kỳ lợi ích hoặc tình cảm cá nhân nào liên quan đến ông Cù Huy Hà Vũ. Tôi cũng không đủ độ “liều” và thời gian để tranh luận về tính hợp pháp, hợp lệ trong vụ việc này. Tuy nhiên, vụ bắt ông Cù Huy Hà Vũ làm nổi lên một số điều đáng chú ý liên quan tới truyền thông và dư luận xã hội tại Việt Nam.
Thứ nhất là thói ngụy biện của rất nhiều người Việt, với một lỗi ngụy biện rất phổ biến: tấn công cá nhân. Ông Cù Huy Hà Vũ đã phát ngôn những gì, chính kiến của ông sai ở đâu, lập luận sơ hở ở điểm nào, cơ sở pháp lý của vụ bắt giữ ông, thì không thấy ai phân tích cụ thể.
Người ta chỉ ồn lên chuyện “
tay này từng kiện cả bố đẻ”, “
thằng hoang tưởng, tự tranh cử Bộ trưởng, kiện Thủ tướng”, v.v... Ngay việc ông Vũ bị bắt trong phòng cùng một phụ nữ cũng dẫn đến những lời bình phẩm như “
chết vì gái”, hoặc tấn công cá nhân một cách tầm thường, kiểu “
tưởng đi với ai, hóa ra chơi cái con xấu bỏ mẹ”.
Với cách nhìn nhận như thế, họ không thấy được những vấn đề xa hơn. Vì sao việc một công dân kiện Thủ tướng (cũng là công dân) lại bị coi là hoang tưởng? Vì sao cơ quan an ninh bắt giữ Cù Huy Hà Vũ ở TP HCM vì “
có hành vi đồi bại” mà lại kiểm tra máy tính và tư gia của ông ở Hà Nội?
Có cái gì đó như dấu hiệu lạm quyền, mà ít nhất cũng là sự không minh bạch ở đây, và một việc làm như thế của cơ quan công quyền mà không bị đặt dấu hỏi, không bị phản ứng, thì rồi chuyện gì sẽ xảy ra nữa?
Nghe ra thì có vẻ như cơ quan công quyền phải chịu cái nhìn đầy khắt khe và định kiến từ dư luận xã hội… nhưng biết làm sao được, bởi vì đó là nguyên tắc; nguyên tắc ấy nói rằng công an – cảnh sát – an ninh điều tra bao giờ cũng phải là lực lượng gương mẫu, lực lượng đi đầu tuân thủ luật pháp trong xã hội, và luôn phải nhận phần khó phần thiệt về mình trong quan hệ với nhân dân.
Thứ hai là sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp của báo chí. Một trong các nguyên tắc mà bất kỳ nhà báo nào cũng phải thấu triệt và thực hiện nghiêm ngặt là: trung thực, công bằng, khách quan.
“
Trung thực” có nghĩa là viết đúng sự thật. “
Công bằng, khách quan” nghĩa là phản ánh đầy đủ ý kiến các bên (nhà báo thực hiện “
đúng sự thật” bằng cách sử dụng nguyên vẹn, chính xác thông tin từ một bên nào đó, là chưa đủ, vì như thế là đưa tin một chiều, không khách quan). Ở điểm này, cả báo chí “lề trái” lẫn “lề phải” đều không phải lúc nào cũng giữ được đạo đức.
Trung thực, công bằng, khách quan đòi hỏi nhà báo dùng những từ ngữ đúng mực khi phản ánh thực tế, không dùng ngôn từ có tính miệt thị, hạ thấp nhân phẩm; không gọi nhân vật là “
y, thị, hắn” hoặc trống không.
Trung thực, công bằng, khách quan còn đòi hỏi nhà báo tuân thủ luật pháp: chừng nào chưa có phán quyết cuối cùng của một tòa án hợp lệ, chừng đó không thể coi ai đó là có tội. Mọi thông tin do cơ quan điều tra cung cấp theo hướng bất lợi, hay nhằm chống lại “đối tượng” đều chỉ có tính tham khảo.
Không nên nghĩ hoặc viện cớ rằng cơ quan an ninh điều tra có thể đã có những lời nói, hành vi áp đặt đối với báo chí để buộc báo chí phải đưa tin theo hướng chống lại ông Vũ và ủng hộ công an. Nếu không, đã chẳng có
bài báo sau đây của “VnExpress”, mà theo tôi là tờ báo thường đưa tin rất đúng mực về các vụ việc liên quan tới tòa án.
Có thể thấy, trong bài này, “VnExpress” giữ thái độ khách quan, khi đưa bất kỳ thông tin nào chống lại ông Vũ họ đều nêu rõ: “
theo cáo trạng”, “
cơ quan an ninh điều tra cho rằng”... “VnExpress” cũng không làm cái việc “đá cố” thêm một phát vào cuối bài như nhiều báo khác, chẳng hạn nói Cù Huy Hà Vũ không phải luật sư, từng có tiền sự về tội hành hung, từng kiện bố đẻ hay làm việc gì có tính “tiêu cực” khác.
Thay vì thế, “VnExpress” lại viết một cách… trọng thị: “
Ông Cù Huy Hà Vũ, 53 tuổi, là con trai của nhà thơ Huy Cận, con nuôi thi sĩ Xuân Diệu. Ông có bằng thạc sĩ văn chương, tiến sĩ luật tại Pháp; đồng thời tốt nghiệp Học viện Quốc tế Hành chính công của Pháp. Chưa được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư nhưng ông Vũ từng tham gia bào chữa nhiều vụ án”.
Và trong khi có những bài báo cố gắng đạt tới sự trung thực, công bằng, khách quan như thế trên “VnExpress”, thì cũng có hàng loạt bài trên nhiều tờ báo khác vi phạm những nguyên tắc đạo đức báo chí, kể cả nguyên tắc luật pháp căn bản đã nhắc tới ở trên: chừng nào chưa có phán quyết cuối cùng của một tòa án hợp lệ, chừng đó không thể coi ai đó là phạm tội.