Nhân Đại hội Đảng lần thứ XI: THỬ NHÌN VỀ ĐẶC ĐIỂM CỘI NGUỒN “VĂN HÓA CHÍNH TRỊ” CỦA NGƯỜI VIỆT TRONG TIẾN TRÌNH VẬN ĐỘNG LỊCH SỬ

Thứ ba - 18/01/2011 04:42

(NCTG) “Trong văn hóa tiếp nhận chính trị của mình, người Việt không chấp nhận sự độc tài và cực đoan hay xa rời thực tiễn mà ưa sự hài hòa, mềm dẻo và thiết thực; trong lịch sử chính trị người Việt chỉ tồn tại mối quan hệ “lãnh đạo” và “bị lãnh đạo” chứ không tồn tại mâu thuẫn của “thống trị” và “bị thống trị” như một số dân tộc khác trên thế giới”.


Thông qua Đại hội lần thứ XI, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn tìm ra một hướng đi, một giải pháp mới nhằm củng cố lại mối quan hệ giữa “ý Đảng – lòng dân” - Ảnh: Internet

Ngày 12-1-2011, Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ XI chính thức được khai mạc. Tham dự Đại hội Đảng lần này có 1300 đại biểu, thay mặt cho hơn 3 triệu đảng viên (chiếm khoảng 3,5% dân số cả nước hiện nay).

Đại hội lần này được đánh giá là “có vai trò và sứ mệnh lịch sử to lớn…”, đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận cả trong lẫn ngoài nước.

Một trong những nội dung quan trọng của Đại hội Đảng lần này là việc đề ra các đường lối, chính sách mới sao cho phù hợp với tình hình mới, trong đó “công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cho trong sạch, vững mạnh” tiếp tục được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến, thậm chí coi đó là vấn đề cốt tử nhất, quyết định đến sự tồn vong của Đảng, của thể chế chính trị.

Từ chuyện “ý Đảng – lòng dân”…

Theo những gì dư luận quan sát được trong những ngày qua cho thấy, thông qua Đại hội lần này, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn tìm ra một hướng đi, một giải pháp mới nhằm củng cố lại mối quan hệ giữa “ý Đảng – lòng dân”.

Lâu nay khi nói về nguyên nhân khiến cho nhân dân giảm sút niềm tin vào Đảng, vào chính quyền, trong tổng kết “cuộc vận động xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” người ta thường đề cập đến một nguyên nhân cơ bản nhất là yếu tố “người đảng viên bị tha hóa”.

Trong Đại hội Đảng, ý kiến mà đại biểu Quốc hội đưa ra cũng chủ yếu xoay quanh vấn đề này, như: “Một thực tế đau lòng hiện nay là tình trạng xa dân, vô cảm với dân, mất dân chủ với dân, hành dân, sách nhiễu dân đang phổ biến ở không ít nơi…” hay “Cùng với đó là nạn tham nhũng chưa được đẩy lùi, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất về chính trị và đạo đức...” (ý kiến tham luận của một đại biểu là thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương).

Điều đó có nghĩa là “sự tha hóa” kia đã đi ngược lại với “đạo đức cách mạng” của người đảng viên cộng sản mà học thuyết Marx – Lenin đề ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã từng dạy các cán bộ đảng viên, đồng chí của mình rằng: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.

Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” (Trích thư gửi “Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” được đăng trên báo “Cứu quốc” số ra ngày 17-10-1945).

Nhưng đến hôm nay thì có lúc, có nơi lời dạy trên đã bị hiểu, bị làm ngược lại!

Ý Đảng – lòng dân” theo cách gọi của nhiều đại biểu Quốc hội ở đây thực chất chính là mối quan hệ giữa người lãnh đạo (Đảng – chính quyền) và người chịu sự lãnh đạo (nhân dân). Đó cũng là hai mặt của mối quan hệ biện chứng trong bối cảnh chính trị hiện nay nói riêng và quy luật chính trị trong không gian văn hóa – lịch sử Việt Nam nói chung.

Vậy đâu là đặc điểm quy luật chính trị chủ yếu trong lịch sử người Việt và cội nguồn văn hóa chính trị người Việt thực sự bắt đầu từ đâu?

Một người nước ngoài khi đến Việt Nam sẽ dễ dàng nhận ra một điều đó là suốt chiều dài lãnh thổ từ địa đầu ải Nam Quan đến tận cùng mũi Cà Mau không hề tìm thấy một công trình kiến trúc vĩ đại nào để minh chứng cho một thời đại huy hoàng của lịch sử.

Có một điều rất thú vị đó là bao giờ các công trình kiến trúc cũng gắn liền (hay là dấu hiệu biểu hiện) một ý thức hệ của giai cấp thống trị; nghĩa là thông qua công trình kiến trúc của một quốc gia, dân tộc, cộng đồng người mà qua đó, người ta có thể biết được sự tự do, sự bình đẳng, sự phân hóa giai cấp đến mức độ nào…

Về góc độ nào đấy, nó được xem là thành tựu của văn minh, văn hóa, nhưng trên thực tế, nó cũng là nơi giam cầm, trói buộc con người về ý thức, gò bó vào ý thức hệ của tầng lớp thống trị. Sự phân hóa giai cấp sâu sắc nhất, bất bình đẳng nhất, độc tài nhất sẽ cho ra đời những công trình kiến trúc đồ sộ nhất, hoành tráng nhất, bởi giai cấp thống trị và kẻ độc tài trong ý thức luôn muốn khẳng định - củng cố - duy trì địa vị thống trị của mình đối với số đông; các công trình kiến trúc là nơi tượng trưng cho sức mạnh quyền lực, cho thiết chế cai trị…

… đến khác biệt giữa lãnh đạo và thống trị

Việt Nam không có các lâu đài, cung điện, đấu trường như của La Mã, Kim Tự Tháp của Ai Cập, Vạn lý Trường thành của Trung Quốc…, ngay cả những nơi đóng đô từ ngàn xưa cho đến bây giờ cũng không thấy các công trình kiến trúc thực sự kỳ vĩ sánh tầm cỡ thế giới. Điều này chứng tỏ chính trị người Việt trải qua mấy ngàn năm không có vấn đề ai thống trị ai.

Trong học thuyết triết lý chính trị của mình, người phương Tây thường phân chia tách bạch ra làm hai chủ thể: một bên là tập đoàn thống trị và một bên là quần chúng nhân dân và coi đó là vấn đề then chốt nhất. Có lẽ người đầu tiên phân chia và đưa ra quan điểm này một cách khoa học đó chính là Niccolò Machiavelli (1469 – 1527) với tác phẩm “The Prince” (Quân Vương), và các học giả khác về sau khi nghiên cứu về chính trị học đã tiếp tục kế thừa, hoàn thiện nó.

Vì hoàn cảnh lập quốc, cùng với một vị thế địa dư đặc thù, toàn bộ chính trị của người Việt là một cuộc đấu tranh để tự hoàn thiện thể chế dân tộc mình và tìm mọi cách thoát khỏi thế địa dư giam hãm đó. Lâu đài, thành quách trở nên không phù hợp với địa dư cũng như đặc điểm cuộc đấu tranh vì sự tồn tại của người Việt, nó sẽ chẳng còn ý nghĩa gì khi luôn luôn phải dời bỏ kinh đô để dùng ruộng đồng, rừng núi làm nơi trú ẩn và chống lại kẻ thù đông gấp bội luôn luôn tìm cách thôn tính.

Có hai lần trong lịch sử người Việt, hai triều đại đã cho xây thành đắp lũy và cũng hai lần lịch sử Việt viết thêm những trang đau thương mất nước.

Lần thứ nhất, vua An Dương Vương cho xây Loa Thành với thành rộng hào sâu, nhưng rồi Triệu Đà đã dùng kế cho con là Trọng Thủy sang lấy Mỵ Châu, đánh cắp nỏ thần và dò la địa thế phòng thủ loa thành rồi đem quân tiến đánh, vì thế mà mất nước.

Lời nói của thần Kim Quy còn văng vẳng bên tai: “Giặc ngồi sau lưng nhà vua đấy” đã khởi phát cho tư tưởng chính trị Việt đời đời về sau chớ có trông cậy vào “nỏ thần”, thành lũy kiên cố, hãy tin tưởng nơi trí tuệ và tình ý con người, đó mới thật là “bảo vật” để giữ nước. Kẻ hại nước, hại dân dù vì lầm lỡ, dù là con gái ruột thịt cũng phải chết chém. Nợ nước cao hơn tình nhà.

Lần thứ hai, Hồ Quý Ly sau khi lên ngôi đã cho xây thành đắp lũy thật vững chãi, hi vọng nhờ vào đó chống được giặc Minh sang xâm lược. Nhưng vì mất lòng dân mà triều đình nhà Hồ đã phải đơn độc kháng chiến chống giặc một mình, cuối cùng thất bại, nước ta lại rơi vào ách đô hộ của giặc Minh.

Câu nói của Tả Tướng Quốc Hồ Nguyên Trừng – con trai cả của Hồ Quý Ly trước cuộc họp triều đình: “Tôi không sợ đánh mà chỉ sợ lòng dân không theo” mãi mãi đã trở thành bài học về vai trò sức mạnh được lòng dân cho các lực lượng lãnh đạo chính trị của người Việt sau này.

Chính vì lẽ trên mà trong chính trị của người Việt, quan hệ giữa chính quyền với nhân dân chỉ thuần túy là quan hệ giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo, không có sự thống trị và bị thống trị. Được thử thách, tôi luyện trong cả ngàn năm đô hộ bởi phong kiến phương Bắc, hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước sau này, quan hệ giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo của người Việt chẳng còn có gì khác hơn là tư tưởng chân lý: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một nước phải thương nhau cùng”, nó khác hẳn hoàn toàn với tư tưởng “Guerre aux chateaux, paix aux cabanes” (Để mặc bọn ở lâu đài chinh chiến, anh em nhà lá cứ sống hòa bình) của Tây phương.

Nói vậy, không có nghĩa là trong lịch sử dân tộc Việt Nam không có những triều đại phong kiến tệ hại, những ông vua tàn ác, hoang dâm vô độ, hèn kém bạc nhược, cầu cạnh lân bang “cõng rắn cắn gà nhà” như Lê Long Đĩnh, Tương Dực, Uy Mục, Lê Chiêu Thống, Những ông vua này đã tự mình tách ra khỏi quy luật chính trị chung, biến thái từ tính chất “lãnh đạo” sang “thống trị”, trở thành một tập đoàn thống trị thực sự, đối lập với nhân dân. Tuy nhiên, đấy chỉ là những cá nhân lầm đường lạc lối và lập tức bị nhân dân và lịch sử chối bỏ.

Như vậy, từ thực tế lịch sử hàng nghìn năm cho thấy, quy luật vận động chính trị của người Việt về cơ bản vẫn là nhằm giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa “ai lãnh đạo ai” chứ không phải “ai thống trị ai”. Những chủ thể chính trị không nhận thức và giải quyết được mối quan hệ ấy một cách triệt để sáng suốt, tự tách mình ra khỏi quy luật chung, đều bị nhân dân và lịch sử vượt qua. Cho đến bây giờ văn hóa chính trị người Việt vẫn còn chịu sự tác động - chi phối bởi quy luật nêu trên.

Yếu tố văn hóa nông nghiệp và “thiết chế làng xã”

Xét trên tổng thể, cội nguồn của văn hóa chính trị người Việt, về cơ bản vẫn đặt trong môi trường văn hóa (hay ảnh hưởng bởi) văn hóa nông nghiệp. Hoàn toàn có đầy đủ cơ sở để khẳng định điều này. Nền tảng vững chắc nhất để cho văn hóa Việt không bị diệt vong và đồng hóa vào văn hóa Hán trong suốt hàng nghìn năm Bắc thuộc đó chính là “thiết chế làng xã Việt”.

Người Hán đã thiết lập bộ máy cai trị của mình đối với người Việt một cách hoàn chỉnh và thống nhất từ trên xuống dưới, từ châu – quận – huyện, nhưng người Hán chưa bao giờ thiết lập được bộ máy cai trị ở cấp hương – xã; chính quyền hương và xã vẫn do người Việt đảm nhiệm, và thực tế thì văn hóa Việt vẫn được lưu giữ lại ở hương – xã, đây mới là đặc trưng cho bản chất văn hóa chính trị Việt. Văn hóa chính trị của người Việt sau này chính là sự mô phỏng lại thiết chế làng xã nông nghiệp.

Văn hóa làng xã nông nghiệp quy định tính chất chính trị người Việt như sau:

- Tính cố kết cộng đồng cao khi có sự tác động từ các ngoại lực (liên kết giữa các hương, xã với nhau khi cùng chống giặc), nhưng trong sự cố kết ấy lại luôn luôn có mầm mống của sự phân chia bè phái, càng rõ rệt và sâu sắc hơn khi không còn có sự tác động từ bên ngoài (tính cục bộ cố hữu của riêng từng làng, xã phân biệt nhau bởi lũy tre làng, mái đình và thờ Thành hoàng làng riêng);

- Thiếu tầm nhìn xa mang tính chiến lược, nhưng lại giỏi về các thủ thuật, (đó là ảnh hưởng bởi sự bó hẹp về không gian, người trong làng nào biết làng ấy, được bao quanh bởi lũy tre và cổng làng, ít có điều kiện tiếp xúc, thi thố ra bên ngoài);

- Người Việt khi làm chính trị cũng ưa tính thực tế nhưng lại không xét nhiều đến tính hiệu quả, nên thiếu triệt để, không dám nhận trách nhiệm cá nhân mà luôn phải dựa vào danh nghĩa tập thể (điều này ảnh hưởng bởi phương thức sản xuất nông nghiệp lạc hậu, cần nhiều lao động mà nên. Khi nhiều người cùng tham gia sản xuất trên một mảnh ruộng, khi mất mùa thì quy cho tất cả cùng làm, không phải riêng ai), v.v…

Mô phỏng lại thiết chế làng xã nông nghiệp nên thứ văn hóa chính trị mà người Việt hướng đến là sự gần gũi, thiết thực và hài hòa. Bó hẹp trong không gian làng xã nông nghiệp, người Việt chỉ có thể định hình những suy nghĩ, những quan niệm rồi thể hiện nó thông qua lối diễn đạt bình dân gần gũi (ca dao, tục ngữ, thành ngữ,…) mà không có điều kiện để phát triển thành những tư tưởng lớn.

Cũng do đó mà người Việt không có triết học thực sự. Người Việt cũng không ưa những thứ tư tưởng, triết học cao siêu, xa rời thực tế. Nếu phải tiếp nhận những tư tưởng triết học ấy (tỉ dụ tư tưởng triết học Nho giáo do ảnh hưởng ép buộc từ công cuộc Hán hóa) thì người Việt luôn tìm mọi cách để tiếp biến nó sao cho phù hợp với mình mà không bao giờ chấp nhận sự rập khuôn, giáo điều và mô phỏng cứng nhắc.

Từ đó cho thấy dạng văn hóa chính trị nông nghiệp của người Việt hướng đến sẽ là:

- Hãy làm cho có gạo đi rồi dân sẽ theo (Túc giả dã dân chi sở qui);

- Hãy làm cho có nhiều gạo đi ắt tài chính phải dồi dào (Túc giả dã tài chi sở qui);

- Hãy lấy gạo để bảo vệ lãnh thổ (Túc giả dã địa chi sở).

Mấu chốt quy luật chính trị của người Việt

Nhìn lại lịch sử Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ XX, Đảng Cộng sản Việt Nam thành công trong việc lãnh đạo nhân dân nổi dậy đấu tranh, giành được chính quyền sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám rồi thiết lập nên bộ máy lãnh đạo với hệ thức tư tưởng của giai cấp vô sản đã là một thực tiễn minh chứng cho đặc điểm quy luật văn hóa chính trị nông nghiệp của người Việt.

Tầng lớp nông dân Việt Nam lúc này chiếm đa số trong xã hội (gần 90%) lại bị đế quốc Pháp, địa chủ bóc lột, tước đoạt hết ruộng đất – thứ tài sản quý giá nhất của họ (ruộng đất là cái thiêng liêng nhất, đã gắn bó từ hàng ngàn đời với người nông dân, cái tạo ra cội nguồn văn hóa nông nghiệp của người Việt) nên muốn giành được sự ủng hộ từ lực lượng đông đảo này để làm cách mạng thì trong tôn chỉ, mục đích lãnh đạo đấu tranh phải có nội dung giành ruộng đất cho nông dân – cái cụ thể và thiết thực nhất.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã nắm bắt và vận dụng đúng quy luật chính trị của người Việt, với khẩu hiệu “giành ruộng đất cho dân nghèo” nên đã giành được sự ủng hộ hoàn toàn từ tầng lớp nông dân – lực lượng chính trong xã hội. Trên thực tế, đông đảo tầng lớp nông dân Việt Nam lúc bấy giờ theo Đảng Cộng Sản để làm cách mạng là bởi hai nguyên nhân chính:

- Một là, tầng lớp nông dân với công nhân (lực lượng lãnh đạo) vốn có mối liên tự nhiên với nhau từ trước, một bộ phận nông dân bị tước đoạt hết ruộng đất sản xuất dẫn đến bị phá sản, phải đi làm thuê cho các xí nghiệp, hầm mỏ, đồn điền… họ trở thành vô sản một cách ngẫu nhiên.

Nói cách khác họ vẫn không phải là giai cấp công nhân “chuẩn” mang đậm thuộc tính công nghiệp rõ rệt như ở các nước công nghiệp phương Tây mà suy cho cùng vẫn mang trong mình một cội nguồn từ văn hóa nông nghiệp. Công nhân Việt Nam là vô sản không triệt để.

- Hai là, tầng lớp nông dân nhận thấy Đảng đem lại cho họ quyền lợi chính trị và kinh tế một cách thiết thực nhất (ruộng đất), đây mới là nguyên nhân chính, còn cho rằng tầng lớp nông dân được Đảng tuyên truyền và giác ngộ học thuyết của chủ nghĩa Marx – Lenin (như trong các văn kiện của Đảng nói đến sau này) thì không đúng với sự thật.

Với hơn 90% dân số Việt Nam bị mù chữ lúc bấy giờ mà đa phần là nông dân thì càng có cơ sở để khẳng định điều ấy. Người nông dân quan tâm đến ruộng đất chứ không quan tâm đến học thuyết của chủ nghĩa Marx – Lenin. Về sau, phản ứng mạnh mẽ của nông dân đối với công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp mà Đảng tiến hành ở miền Bắc sau 1954 đã chứng minh rõ ràng cho điều đó.

*

Như vậy, từ thực tiễn vận động của lịch sử hàng nghìn năm, có thể nhận thấy rằng quy luật chính trị chung nhất, cơ bản nhất trong lịch sử người Việt đó chính là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa hai chủ thể: “lãnh đạo” và “bị lãnh đạo”; trong văn hóa tiếp nhận chính trị của mình, người Việt không chấp nhận sự độc tài và cực đoan hay xa rời thực tiễn mà ưa sự hài hòa, mềm dẻo và thiết thực; trong lịch sử chính trị người Việt chỉ tồn tại mối quan hệ “lãnh đạo” và “bị lãnh đạo” chứ không tồn tại mâu thuẫn của “thống trị” và “bị thống trị” như một số dân tộc khác trên thế giới.

Văn hóa nông nghiệp với “thiết chế làng xã” đã trở thành một mô hình đặc thù cho văn hóa chính trị người Việt. Và suy cho cùng, chính đặc điểm cội nguồn văn hóa nông nghiệp đã hình thành nên những đặc điểm trên của quy luật chính trị người Việt, vấn đề đặt ra là người làm chính trị phải nhận thức được đầy đủ và đúng đắn các quy luật ấy.

Hoàng Sơn, từ Hà Nội - ngày 17-1- 2011


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn