Quỹ Bảo hiểm Quốc gia Hungary
Dạo ấy, Hungary vừa gia nhập Liên hiệp Châu Âu nên hệ thống luật phải sửa lại về mọi mặt cho phù hợp với EU. Cả người dân, cả bộ máy hành chính của Hungary cũng phải làm quen với nhiều khái niệm, nhiều thay đổi mới mà việc hiểu và nắm bắt được chúng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Cũng may là mọi sửa đổi đều được đăng tải rộng rãi trên báo chí, mạng Internet và chính quyền cũng làm tất cả để người dân có thể theo dõi được những động thái ấy.
Nhằm dịp đó, tôi phải lên Quỹ Bảo hiểm Quốc gia (OEP) để làm lại các giấy tờ liên quan tới bảo hiểm xã hội (BHXH) cho vài người đồng hương. BHXH là một khái niệm căn bản đối với người dân sở tại, nhưng với đa phần bà con Việt Nam thì còn khá xa lạ vào thời điểm ấy, một phần cũng vì ai cũng thiếu giấy này, tờ nọ và thậm chí, rất nhiều người - đặc biệt là những ai không thạo ngôn ngữ bản địa - còn không hiểu tại sao lại phải trả BHXH, một phần khá đáng kể trong thu nhập của họ.
Sau một hồi chờ đợi khá lâu vì đông người, tôi cũng đến lượt. Tiếp tôi là một cô gái trẻ, có lẽ chừng 25-26 tuổi, rất lịch sự và dễ chịu. Xem qua một lượt những giấy tờ tôi mang đến, cô chậm rãi giải thích những điều khoản mới của luật để lý giải rằng, cô có thể giải quyết những trường hợp nào, và trường hợp nào thì cần bổ sung các văn bản cần thiết. Cô cũng nói thêm là nếu tôi quay lại với những giấy tờ còn thiếu đó thì không cần xếp hàng, mà có thể vào thẳng chỗ cô.
Ðiểm khiến tôi cảm thấy hài lòng là cô đã không tiếc công sức và thời gian để giải thích, và còn nói rằng vì tôi là người ngoại quốc, cô sẵn lòng trả lời mọi thắc mắc của tôi. Khi biết tôi có thể đọc thạo tiếng Hungary, cô ghi cho tôi một loạt các địa chỉ trên mạng, nơi có thể tham khảo và tìm hiểu về những thay đổi trong luật. Cô cũng nói thêm rằng cô rất hiểu rằng bất cứ thay đổi nào cũng gây phiền hà cho dân, và ngay đa phần cư người Hungary cũng khó khăn khi theo dõi những nét mới này.
Cho dù chỉ giải quyết được một phần công việc vào ngày hôm đó, nhưng tôi ra về với tâm trạng rất vui vì cảm thấy mình được tôn trọng. Trong một phút... bốc đồng, tôi còn ra bưu điện mua một tấm thiệp và gửi về địa chỉ OEP (tên cô nhân viên tôi có ghi lại). Trong thiệp, tôi có viết mấy dòng khá “hoa văn mỹ tự”, đại loại “khen” rằng cách tiếp dân của cô cho thấy bộ mặt đẹp đẽ của Hungary ở thời điểm tái nhập “
mái nhà chung Châu Âu”, và rằng chính cách xử sự ấy làm đẹp thêm hình ảnh đất nước cô trong mắt một người ngoại quốc như tôi.
Một tuần sau, trở lại với những giấy tờ bổ sung, tôi đã xong việc rất nhanh nên ngồi nán dăm phút trò chuyện cô nhân viên. Cám ơn tấm thiệp hôm trước, cô nói rằng cô rất ngạc nhiên và thực sự vui mừng, thậm chí hạnh phúc, vì được “
món quà tinh thần bất ngờ” (lời cô). Rồi cô bảo, “
thực chất tôi chỉ làm phận sự của mình thôi”. Khi chia tay, cô cám ơn tôi lần nữa và mỉm cười nói thêm một câu khiến tôi rất ấn tượng đến tận bây giờ: “
Thì chính các anh chị trả lương cho tôi mà...”.
*
Mấy chục năm sinh sống trên xứ sở Hungary, tôi có dịp trải qua những năm cuối trướckhi nước bạn thay đổi thể chế. Từ hồi ấy, chúng tôi đã cảm nhận được rằng dân tộc Hungary rất mến khách và nhìn chung đều cư xử tốt bụng, ít có sự kỳ thị đối với người nước ngoài. Trong cư xử hàng ngày, người dân họ hòa nhã, lịch thiệp và chí tình, và trong những quan hệ nơi công sở, cơ quan hành chính, chúng tôi cũng ít khi gặp phải thái độ nhũng nhiễu, cửa quyền, lạm dụng quyền lực để “hành” dân.
Tuy nhiên, vẫn phải nói rằng như một biểu hiện của cơ chế “xin - cho” đặc thù thời XHCN, tệ nạn “
thủ kho to hơn thủ trưởng”, thái độ lạnh lẽo, hiếm thấy những nụ cười khi tiếp dân và nhiều khi, cách xử sự máy móc, ít sự cảm thông với các “đối tác” cũng vẫn tồn tại ở nước bạn. Thay đổi chỉ đến dần dần, từng bước trong 20 năm qua, khi mối quan hệ giữa chính quyền và người dân được đặt trên một cơ sở khác - rõ ràng và sòng phẳng - của xã hội dân sự: người dân được bình đẳng trong những giao dịch thường nhật tại các cơ quan chính quyền.
Ðiều đó được thể hiện trong câu nói đơn giản, nhưng ý nghĩa của cô nhân viên trong câu chuyện của tôi. Chính quyền thực chất hình thành và tồn tại dưới sự ủy nhiệm của người dân, nên đương nhiên là “của dân” và phải “vì dân”. Nhất là khi người thay mặt cho chính quyền nhìn nhận được rằng, họ tồn tại và hoạt động bởi những đồng thuế của dân, thì việc hoàn thành bổn phận phục vụ dân phải được coi là điều đương nhiên, không có gì cần bàn cãi. Lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo đó, làm cán bộ, tức là suốt đời làm đày tớ, công bộc trung thành của nhân dân, có lẽ cũng phải được hiểu theo nghĩa ấy.
Việt Nam ta trong những năm gần đây đã có nhiều nỗ lực cải tổ hệ thống hành chính với mục tiêu giảm thiểu những biểu hiện “hành là chính” tại các cơ quan, công sở chính quyền. Vấn nạn này vừa mang yếu tố con người, nhưng trên hết, vẫn là xuất phát từ quan niệm chưa thật “chuẩn” về vị trí của chính quyền và công dân trong mối quan hệ đôi bên. Nếu ý thức được rằng bộ mặt một quốc gia được thể hiện khá rõ rệt trong những cuộc tiếp dân như thế, không có lý gì chúng ta không thể cải thiện tình trạng hiện tại theo một chiều hướng khả quan hơn...
(*) Bài viết đã đăng trên mạng eNews.