Truyền thông Việt Nam năm 2010: TẤM GƯƠNG PHẢN ÁNH XÃ HỘI (Phần 2)

Chủ nhật - 26/12/2010 15:28

(NCTG) “Giả sử Hương Trà phạm tội này, muốn tiến hành bắt giữ bà Trà, trước hết cần có đơn kiện từ “người bị hại”, “tổ chức bị hại” có tên tuổi địa chỉ cụ thể. Ở đây, không có khái niệm chung chung “lợi ích của Nhà nước”, “quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (tổ chức, công dân nào?)”.

 Xem Phần 1  của bài viết.

Blogger Cô Gái Đồ Long (nhà báo Hương Trà)


* Blogger Cô Gái Đồ Long bị bắt giam: bàn về tội phỉ báng

Tháng 10, blogger nổi tiếng Cô Gái Đồ Long (tức nhà báo Hương Trà) bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

“VnExpress” ngày 26-10 đưa tin: “Theo nguồn tin từ cơ quan công an, việc bắt giữ này có liên quan đến một số nội dung bà Trà viết trên trang blog Cô Gái Đồ Long. Trong đó có những thông tin được cho là sai sự thật về gia đình của một cán bộ lãnh đạo cấp bộ, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của những người liên quan. Cơ quan công an nói rằng bà Trà đã khai nhận hành vi vu khống của mình”.

Theo những gì được phản ánh, có thể hiểu rằng nhà báo Hương Trà bị bắt vì một tội mà tên tiếng Anh là “defamation” hay “libel”, có nghĩa là bôi nhọ, vu khống, phỉ báng, diễn giải ra là tội truyền bá thông tin sai sự thật làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân hoặc tổ chức.

Ở đây tôi xin trích lại một đoạn trong một bài báo tôi đã viết vào tháng 3-2010, theo đó, ở Việt Nam những năm gần đây, đang diễn ra xu hướng cá nhân và tổ chức liên quan đến thông tin báo chí đưa lại lạm dụng việc kiện bôi nhọ danh dự, xâm phạm đời tư để “trừng trị” báo chí. Cụ thể như sau:

… Những quy định về chống xâm phạm cuối cùng lại biến thành chỗ “náu thân” cho một số người tránh được sự giám sát của công luận, nhất là những người được cho là “người của công chúng”, tức là những chính khách, quan chức Nhà nước hay văn nghệ sĩ, cầu thủ nổi tiếng.

Trong khi đó, nếu cầm một tờ báo hàng ngày của phương Tây, nhất là loại báo “lá cải” chỉ nhằm đưa tin về các “sao”, có thể thấy chi chít tin về đời tư, ảnh “sao xấu”, chuyện “tình non” của Demi Moore hay biểu hiện ngoại tình của Brad Pitt. Tin đời tư các quan chức hoặc nhân vật chính trị cũng bị phơi lên mặt báo. Gần đây nhất, báo chí Đông Âu kể chuyện vợ chồng Ceaucescu lúc bị thi hành án đã “nhục nhã” như thế nào, đưa tin đao phủ xử tử hai vợ chồng Ceaucescu vừa trúng xổ số độc đắc ở Romania, nêu đầy đủ tên tuổi, địa chỉ của ông này.

Không chỉ xâm phạm đời tư, nhiều thông tin rõ ràng có nguy cơ xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Nhưng chúng vẫn được đăng tải. Giải thích điều này, một nhà báo kỳ cựu của BBC, ông Stephen Whittle, cho biết: “Bởi vì một trong các vai trò của báo chí là công khai những việc làm sai trái trong xã hội. Nhiệm vụ quan trọng của các tờ báo là cởi bỏ mặt nạ của những kẻ làm sai, lừa đảo và xì-căng-đan. Đó là lợi ích công để làm như vậy”.

Ông Stephen Whittle giải thích đơn giản: “Báo chí phục vụ lợi ích công khi nó đưa tin nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng, sự an toàn của cộng đồng; khi nó phát hiện và vạch trần tham nhũng; khi nó chỉ ra sự yếu kém năng lực, đạo đức giả, dối trá của những quan chức trong chính quyền dân cử; khi nó giúp công chúng hiểu biết về xã hội và thế giới mà họ đang sống để họ có thể đưa ra những lựa chọn và quyết định đúng đắn, như bỏ phiếu cho ai chẳng hạn”.  

Như vậy, vì lợi ích công, báo chí có thể cung cấp thông tin về một cá nhân bị nghi tham nhũng, trốn thuế, hoạt động gây ô nhiễm môi trường của một doanh nghiệp, hay kết quả thanh tra chất lượng sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng, mà không sợ mắc tội “xâm phạm danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức”.” (Hết trích dẫn)

Trong trường hợp này, tôi thấy tiếc là chị Hương Trà đã chỉ viết bài trên blog với tư cách một blogger, thay vì trên báo chính thống với tư cách nhà báo. Giả sử chị Trà viết bài này trên báo, với tư cách nhà báo, thì chúng ta sẽ có ngay một case study điển hình về báo chí và cán cân “quyền riêng tư – lợi ích công”.

Ở một khía cạnh khác, nếu những gì blogger Cô Gái Đồ Long đăng tải là sai sự thật, như thế cũng chưa đủ chứng tỏ blogger này đã phạm tội bôi nhọ, vu khống, bởi trước hết cần định nghĩa các khái niệm “nhân phẩm”, “danh dự”, “uy tín”. Tôi xin trích tiếp một đoạn khác cũng trong bài viết hồi tháng 3 vừa qua:

Bản thân những khái niệm nhân phẩm, uy tín, danh dự… cũng cần được định nghĩa và có phép thử rõ ràng. Luật báo chí của Anh quy định: “Các từ ngữ không xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm nếu chỉ có ảnh hưởng xấu tới danh dự, uy tín của một người dưới con mắt của một thành phần cộng đồng, trừ khi những từ ngữ này cũng làm ô danh người đó dưới con mắt của những người bình thường có tư duy đúng đắn”.

Ví dụ báo chí đưa tin một quan chức hay mặc áo vest màu hồng thì không được coi là làm tổn hại uy tín, vì những người bình thường có tư duy đúng đắn sẽ không đánh giá ông thấp đi chỉ vì ông mặc áo vest hồng.” (hết trích)

Và điều quan trọng nhất, tội “libel” trong hệ thống luật pháp của đại đa số nước trên thế giới không phải là tội hình sự mà là tội dân sự. Tương tự, nguyên đơn trong các vụ kiện xâm phạm lợi ích không phải là Nhà nước mà chỉ có thể là cá nhân, tổ chức, có địa chỉ cụ thể.

Như vậy có nghĩa là, giả sử Hương Trà phạm tội này, muốn tiến hành bắt giữ bà Trà, trước hết cần có đơn kiện từ “người bị hại”, “tổ chức bị hại” có tên tuổi địa chỉ cụ thể. Ở đây, không có khái niệm chung chung “lợi ích của Nhà nước”, “quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (tổ chức, công dân nào?).

Tất nhiên, có thể “người bị hại” trong trường hợp này đã có đơn kiện blogger Cô Gái Đồ Long rồi mà tôi và chúng ta không biết, vì có được cho biết đâu.

Đoan Trang – Còn tiếp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn