QUYỀN ĐƯỢC SAI LẦM

Thứ năm - 22/01/2009 21:35

(NCTG) Nhiều người biết rằng một cá nhân trung bình chỉ sử dụng được 10% những năng lực thực sự có sẵn của họ. Vào những thời như Nghiêu Thuấn, khi dân tình sung túc và vấn đề lớn nhất chỉ là mùa hè đưa vợ con đi đâu chơi, con số 10% ấy cũng có thể coi là đủ.


Tuy nhiên, hiện tại, hẳn là bạn cần nhiều hơn thế. Trước một việc không như ý, thế nào bạn cũng có hai lựa chọn: hoặc là chửi rủa rầm rĩ (và dĩ nhiên, cảm thấy trong lòng thoải mái được chút ít, nhưng điều này không hề giúp bạn ra khỏi vũng lầy, cho dù chỉ nửa bước), hoặc tự đặt câu hỏi cho mình: làm sao để có một thêm một chút từ 90% còn lại...? Vì, bây giờ bạn rất cần điều đó!

Hãy thử nói về khả năng thứ hai - không phải vì chuyện chửi bới là không hay, và rất có thể bạn có lý khi chửi nữa kia. Tuy nhiên, câu hỏi cần được đặt ra là "chúng ta sẽ tốt hơn bằng cách nào?", chứ không phải là "vì ai mà chúng ta tệ hại thế?"

Nói cách khác, hãy xem xét những năng lực của bạn và thử tìm hiểu, điều gì ngăn cản bạn tận dụng những năng lực đó.

Nỗi lo thất bại khiến bạn đánh mất những năng lực.

Một nhận định chả có gì đặc sắc phải không bạn? Hãy kiên nhẫn một chút, chúng ta thử đi tiếp. Thực ra, trong khẳng định đơn giản trên, tiềm ẩn lời đáp (cho dù, có thể chưa toàn diện) cho câu hỏi "tài năng là gì?" Một ví dụ điển hình: bạn hãy xem lại những clip cũ của Madonna vào thời 1983 chẳng hạn, cô ta gào thét ca khúc được ưa chuộng đầu đời của mình với chất giọng mà với nó, có thể thắng trong cuộc chiến Iraq. Nhưng nếu xem một concert nào đó gần đây của cô, bạn có thể thấy rằng, Madonna đã học được rất nhiều trong nghệ thuật ca hát.

Nhưng tại sao con người chúng ta sợ thất bại? Vì sợ tổn thất? Bề ngoài thì có vẻ như thế, nhưng sự thật là ở đây:

Cơ sở của nỗi lo thất bại là nỗi lo phạm sai lầm.

Đúng thế. Nói thực, con người có thể vượt qua bất cứ tổn thất nào và hồi sinh từ bất cứ trạng thái nào. Nhưng khi ai đó bị K.O. và trọng tài đếm đến 9 anh ta vẫn nằm dưới sàn, thì đây không phải là do sự tổn thất. Mà do anh ta không dám, không thể trực diện với sai lầm của mình.

Bạn thử nghĩ xem, từ nào khó nói ra nhất? Không phải là tên một hợp chất hữu cơ nào đâu. Mà là: "thật đáng tiếc", "tôi xin lỗi", v.v... Tại sao? Vì khi nói ra những câu đó, bạn đã thừa nhận bạn sai lầm. Nỗi lo phạm sai lầm là thứ trì níu bạn hơn bất cứ điều gì khác. Bất cứ lúc nào, bạn cũng có thể làm lại hầu như bất cứ thứ gì và nói thực, chúng ta không nên tin lắm vào huyền thoại của những vấn đề không có lời giải đáp. Nhưng, một điều có thể dồn bạn vào chân tường: nếu bạn không dám trực diện với khả năng bạn đã sai lầm.

Bạn có quyền sai lầm!

Nhưng tại sao trực diện với khả năng bạn đã sai lầm lại khó nhọc như vậy? Là vì cái thế giới mà chúng ta đang sống luôn có chiều hướng lên án sự sai lầm. Ai sai lầm, đó là kẻ bại. Và kẻ bại là người hạ đẳng.

Nhưng bạn hãy nghĩ theo một hướng khác. Kẻ bại KHÔNG PHẢI là người sai lầm. Kẻ bại là người ĐẦU HÀNG, hạ vũ khí. Nghĩa là, có phạm sai lầm đi nữa, bạn cũng không phải kẻ bại. Ngược lại, bạn hãy để ý rằng, bạn càng cố gắng "phù hợp với những điều kiện ngoại cảnh" mà bạn đang sống bao nhiêu, bạn sẽ càng ít dám sai lầm bấy nhiêu. Và như thế, bạn càng ít có khả năng khai thác được những năng lực tiềm ẩn trong bạn bấy nhiêu.

Bạn có quyền sai lầm! Cố nhiên, mỗi sai lầm đều có giá, có hậu quả của nó, bạn phải gánh chịu những hậu quả ấy. Và vấn đề là ở đây. Dễ dàng tin rằng sở dĩ chúng ta không dám sai lầm là vì chúng ta sợ những hậu quả. Không phải vậy: kỳ thực, chúng ta sợ chính sự sai lầm. Càng có khả năng dẹp đi nỗi sợ hãi này, càng có khả năng ngẩng đầu nói rằng "tôi đã sai lầm" bao nhiêu - thì bạn sẽ càng có thể tận dụng những năng lực tiềm ẩn THỰC SỰ trong bạn bấy nhiêu. Thêm nữa, bạn sẽ càng ít sai lầm!

Chúc bạn thành công!

Nguyễn Hoàng Linh dịch


 
 Từ khóa: sai lầm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn