Cháu bé bị cô giáo "vô tình" làm mù mắt
Gần nhất, vào ngày 25-2-2008, báo điện tử "Vnexpress" có loan bài viết sau, được dẫn là theo tờ "Gia Đình và Xã Hội":
Một cô giáo vô tình làm mù mắt học sinh
Khi quay xuống xem cô giáo Mạc Thị Hinh cầm thước lệnh đánh bạn ngồi bàn dưới, Thiều không may bị đầu cây thước gẫy bật thẳng vào mắt.
Sự việc xảy ra ngày 19/12/2007, tại Trường tiểu học Hiệp An, huyện Kinh Môn (Hải Dương). Nạn nhân là cháu Nguyễn Văn Thiều, học sinh lớp 4. Hiện, một bên mắt của Thiều không nhìn thấy gì.
Chị Tô Thị Thanh (mẹ cháu Thiều) kể lại, sau khi một mắt của cháu bị hỏng, mắt còn lại của cháu Thiều cũng đang có những triệu chứng xấu. Hiện mắt bên phải của cháu đã có dấu hiệu mờ, luôn tiết ra các chất nhờn trong vắt, ngồi học một lúc là cháu lại kêu mỏi và đau mắt. Chị Thanh phải xin nghỉ hẳn việc, hằng ngày đến trường trông cháu, cứ học xong một tiết là lại phải xin cho cháu được nghỉ và nhỏ thuốc vào mắt.
Liên quan đến vụ việc này, cô giáo Hinh cho rằng: “Sự việc xảy ra là ngoài ý muốn. Tôi không hề chủ tâm làm hại em Thiều, đó chỉ là một tai nạn nghề nghiệp”.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Trưởng Công an xã Hiệp An cho biết đã tạo điều kiện cho hai bên tự hòa giải và ngày 31/1/2008 vừa qua, cô giáo Hinh đã bồi thường cho gia đình cháu Thiều 40 triệu đồng.
Ông Trần Bình Lục, Chủ nhiệm Ủy ban DSGĐTE huyện Kinh Môn cho hay, đã báo cáo việc này lên Huyện ủy, UBND huyện cũng trao đổi với bên công an. "Tuy nhiên, tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức từ các ngành liên quan nên chưa biết cụ thể lắm”, ông Lục nói.
Bản tin trên có mấy điểm chú ý:
- Cô giáo gây thương tích đáng kể cho học sinh (một mắt của cháu bị hỏng, mắt còn lại cũng đang có những triệu chứng xấu), chưa biết phải trái ra sao, trước hết, có lẽ công an cũng nên truy cứu hình sự, rồi để tòa phán xét, "hạ hồi phân giải". Sao ông trưởng công an Nguyễn Văn Lâm lại tự tiện "tạo điều kiện cho hai bên tự hòa giải", trong khi nhiệm vụ của họ, đáng ra, là phải mở cuộc điều tra?
- Phát biểu của ông chủ nhiệm Trần Bình Lục rất đặc trưng cho cách hành xử của nhiều quan chức ở Việt Nam: "thây kệ" thiên hạ, chuyện gì xảy ra thì xảy, các vị cứ "an nhiên tự tại" "tôi chưa biết". Hoặc, "tôi sẽ biết khi tôi muốn biết" (kiểu cách trịch thượng và kém ăn hóa của ông Nguyễn Xuân Hiển, tổng giám đốc Vienam Airlines khi trả lời phỏng vấn phóng viên BBC).
Thử hỏi, ông Lục ăn lương của dân để điềm nhiên "chưa biết cụ thể lắm", thì có nên không?
- Sự việc diễn ra ngày 19-12 năm ngoái, cô giáo Hinh bồi thường ngày 31-1 năm nay và công luận thì chỉ được biết đến trên báo chí ngày 25-2, tức là sau hơn 2 tháng. Phải chăng ở đây, đã có sự phối hợp, "toa rập" giữa công an và chính quyền địa phương, để "xử lý nội bộ" một vụ việc tai tiếng và đáng công phẫn?
- Nhưng rốt cục, "hay" nhất vẫn là câu trả lời của cô giáo Hinh: "đó chỉ là một tai nạn nghề nghiệp". Tức là, cô coi việc cô đánh học sinh ngồi bàn dưới là một hành vi "nghề nghiệp", thực ra cô chỉ muốn đánh bạn ấy thôi, mà giữa chừng em Thiều nhỡ quay xuống nên bị mù mắt. Chứ cô có muốn đánh em Thiều đâu?
Nguy tai cho các bậc phụ huynh có con đến trường, mà gặp những cô giáo có... tay nghề như cô Hinh!
Trần Lê
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn