NGÀY TẾT NGHĨ VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM (2)

Thứ hai - 19/02/2007 10:30

(NCTG) Tôi nhận thấy là người Việt Nam mình nói chung nhìn ngắn, thích ăn mỳ ăn liền, làm ăn chụp giật cò con. Cái này chắc cũng do tâm lý nông dân mà ra, có đồng nào co vào đồng ấy, không dám đầu tư rộng và sâu, chỉ biết cái lợi trước mắt mà không tính kế lâu dài.

"Văn hóa truyền thống Việt Nam", trong nhiều trường hợp, chưa vượt nổi cổng làng, cây đa bến nước..., thử hỏi hội nhập ra sao với thế giới?

Một dạo báo chí rộ lên chuyện phở chứa phooc-mon. Hậu quả: một loạt hàng phở đóng cửa, tổn thất thu nhập và công ăn việc làm cho biết bao lao động.

Gần đây lại rộ lên chuyện các quán lẩu sử dụng gia vị lẩu nhập lậu không rõ thành phần. Hôm tôi có việc đi ngang qua Phùng Hưng, thấy các hàng lẩu ngồi “ngáp ruồi”. Ai mà dám ăn nữa!

Rồi hai năm nay, bắt đầu nghe phong thanh rằng để bánh chưng nhanh chín, các hàng bánh luộc bằng… pin con thỏ. Khiếp đảm! Thế là dân tình bắt đầu tẩy chay các hàng bánh, tự gói bánh và luộc bánh lấy.

Tôi cứ tự hỏi, người ta không muốn làm ăn lâu dài hay sao mà lại như thế nhỉ? Để xây dựng được một thương hiệu thì khó, nhưng để phá nó thì chỉ cần một cái tầm nhìn ngắn như thế.

Điều đáng suy nghĩ là cái tâm lý chỉ thích mỳ ăn liền đó còn lấn sân cả sang giáo dục! Có một tiến sĩ danh dự, hiệu trưởng một trường đại học lớn từng lên báo phát biểu rất “hoành tráng”: “Chúng tôi muốn trở thành đại học tầm cỡ quốc tế“. Nhưng chỉ vài phút sau đã thấy ông hồn nhiên tuyên bố: “Chúng tôi không cần tiến sĩ, chỉ cần giỏi ngoại ngữ là được“.

Tôi chả hiểu có trường đại học tầm cỡ quốc tế nào mà không cần tiến sĩ không?! Lục khắp các website các trường đại học trên thế giới, chả có trường nào không cần tiến sĩ như “đồng chí” hiệu trưởng vui tính kia tuyên bố cả.

Có một quan chức khác thì bảo tôi: “Tôi chả coi cái bằng tiến sĩ là cái gì!” Làm tôi nhớ đến thời của “đồng chí” Mao bên Tàu ý, trí thức được coi ngang với… cục phân (vinh dự thế còn gì!) Hậu quả: 10 năm không có một trường đại học nào được mở cửa, vì sinh viên còn bận đi… hót phân ở nông thôn theo sự phân công của cụ Mao vĩ đại!

Tôi nghĩ nếu các vị quan chức kia mà lên làm bộ trưởng Bộ Giáo dục, chắc Việt Nam sẽ không có một tiến sỹ nào được đào tạo nữa hết. Nhưng may thay, họ không (chưa lên?) bộ trưởng nên tôi còn có quyền hy vọng tý chút vào tương lai nền giáo dục nước nhà!

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tuyên bố sẽ đào tạo 20.000 (vâng, hai mươi nghìn!) tiến sĩ. Tôi mừng. Mừng vì bộ trưởng không giống “bác” Mao. Nhưng cũng lo. Lo hai chục ngàn tiến sĩ ra lò sẽ giống như mấy cái… nồi lẩu trên phố Phùng Hưng, không rõ thành phần - hay giống mấy cái nồi bánh chưng chín siêu tốc vì đun bằng pin con thỏ.

Nhưng, có vẻ may mắn thay, ơn bộ trưởng, quy chế đào tạo tiến sĩ có vẻ được thắt chặt. Báo chí tuyên bố từ năm 2007 để được công nhận tiến sĩ phải có ít nhất 1 bài báo đăng tạp chí quốc tế. Tôi cực kỳ hoan nghênh quy chế này. Nhưng cũng có ối kẻ giật mình đấy nhé. Và cũng có ối kẻ thở phào vì thoát rồi. Đăng tạp chí quốc tế không phải chuyện đùa, không chạy chọt quen biết được. Nghiên cứu vớ vẩn thì chỉ có… ăn cám thôi. Hoan nghênh lắm.

Tôi hy vọng việc thắt chặt quy chế sẽ nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ và dần dần nâng cao tính học thuật của các trường đại học. Trường đại học không phải là cái lò luyện thi đại học, không phải là trung tâm ngoại ngữ hay cơ sở đào tạo tại chức, mà trước hết phải là môi trường học thuật. Giáo viên đại học không phải là thợ dạy, mà phải đọc rộng, đọc sâu và nghiên cứu.

Tuy nhiên, tôi lại tự hỏi đào tạo xong 20.000 tiến sĩ thì bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân sẽ làm gì với họ? Nuôi dưỡng họ thế nào để họ không đi vào con đường mòn cũ của nhiều bậc tiền bối? Nếu không tính kỹ, tôi e rằng vẫn chưa thoát ra được cái tâm lý nông dân thích nhìn ngắn ăn liền - chạy đua theo thành tích mà quên mất chất lượng.

Nhưng… bộ trưởng học ở Mỹ về nên tôi hy vọng lắm. Biết đâu đấy nhỉ, ông sẽ làm tôi thay đổi “định kiến” về tâm lý nông dân của người Việt ta thì sao?

LỜI CUỐI: Nói nốt vấn đề văn hóa, hôm 30 Tết, tôi đèo mẹ đi có việc. Lúc ngang qua một hàng bán sung, cụ bảo: “Thời thế thay đổi nhanh thật, ngày xưa nghèo mới ăn sung, bây giờ lại bày sung lên bàn thờ vì cho rằng sung là sung túc“.

Tôi khoái quá hét tướng lên: “Đấy mẹ thấy chưa, văn hóa là cái gì? Là một tập hợp của các giá trị, niềm tin, tập tục, thói quen… Nghĩa là văn hóa cũng có thể thay đổi được hết! Thế mà nhiều người lại cứ khăng khăng bám lấy những giá trị cũ rích để bảo đó là “văn hóa truyền thống”, phải giữ lấy. Rồi bạ làm cái gì hủ tục cũng lôi văn hoá ra mà viện dẫn“. Khi ấy, mọi người đi đường quay lại nhìn tôi chắc thấy lạ lắm.

Thày giáo tôi bảo, đại ý, càng cõng gánh nặng lịch sử, văn hóa trên lưng thì càng đi chậm. Có lẽ đúng, cứ nhìn trên thế giới, những nền văn minh lớn của nhân loại thì bây giờ toàn là những nước chậm phát triển (trừ Trung Quốc nhưng Trung Quốc còn thua xa phương Tây về nhiều mặt). Còn các nước phát triển lại toàn trẻ trung như Mỹ. Phải chăng, vì không phải cõng cái gánh nặng ấy mà họ thoáng đạt và “phi” nhanh hơn không?

Xem Phần 1 của bài viết

Một độc giả NCTG, từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn