NGHĨ VỀ MỘT LỐI SỐNG

Thứ sáu - 06/01/2006 22:29

(NCTG) Tôi cứ băn khoăn mãi về câu chuyện đang còn dở dang với một người bạn, vốn là một người làm báo, thật sự tâm huyết với nghề. Anh hay phàn nàn: "Báo chí của mình kém quá, học tập, cải tiến theo phương Tây mà chẳng khá lên được. Nếu có điều kiện tôi sẽ thành lập một tờ báo đúng là báo chí, hiện đại và chuyên nghiệp, trung thực và công tâm. Sẽ không có chuyện lấy "phong bì" để mua danh dự người viết, không có chuyện nịnh bợ lụy chính quyền để thăng tiến, v.v... và v.v..." Và, dường như anh đang nung nấu lắm cái quyết tâm ấy của mình.

Bravo cho tinh thần ấy của anh! Ở cái xứ sở ưa đạo trung dung, sống bằng quan hệ và giao tiếp như ở ta, ý định ấy của anh là biểu hiện của sự dũng cảm. Duy chỉ không biết anh có dũng cảm đến cùng không?

Còn nhớ chuyện HLV người Áo, hiện đang là HLV trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam: ông Afred Riedl. Ba lần sang Việt Nam là hai thái độ trong giao tiếp và ứng xử. Hai lần trước đó, ông đã thể hiện rất tốt cái khí khái của người phương Tây với báo giới và ban lãnh đạo VFF (Liên đoàn Bóng dá Việt Nam). Sau đó, ngôi HLV trưởng đã thuộc về ông Calisto! Lần thứ ba quay trở lại Việt Nam, người ta đã thấy một Riedl khéo léo, mềm mỏng hơn nhiều trong giao tiếp. Trả lời báo giới ông Afred Riedl luôn miệng nói: "Tôi và VFF rất hiểu nhau và cùng nhìn về một hướng", hay "Câu trả lời thuộc về VFF".

Rõ ràng đây là thái độ ứng xử của một người Á Đông nhún nhường và khiêm tốn. Bởi vì hơn ai hết, ông Ried rất hiểu rằng số phận của ông là do VFF định đoạt. Chính vì vậy chẳng dại gì mà giữ thái độ cương quyết như ban đầu, bởi càng cương quyết càng dễ... thiệt thân.

Lại nhắc ngày 20-11 vừa qua mà nghĩ tới việc học hôm nay. Đi chùa "thầy" là một chuyện phổ biến hiện giờ. Mà thực chất là vấn đề quan hệ và giao tiếp. Nhiều người sống bằng quan hệ, học bằng quan hệ, cứ mùa thi, lễ tết lại mang quà cáp, biếu xén để được biết mặt, được cộng điểm. Biết làm băng hoại giá trị đạo đức nhưng chưa có cách gì để loại trừ nó.

Vụ cá độ vừa qua của các tuyển thủ U-23, phải chăng cũng là dựa trên lý luận "đôi bên đều có lợi": tuyển Việt Nam cũng... không thua, cầu thủ thì hỉ hả vì... có tiền ăn Tết? - Ảnh: "VietNamNet"

Nhân đây, nói về vấn đề nhận phong bì để nói tốt cho cá nhân, tập thể..., một chuyện rất tiêu cực của báo giới. Và to tát hơn nữa là vấn nạn tham nhũng. Vẫn lại là vấn đề lợi ích và quan hệ. Một sự cộng sinh tốt cho cả hai bên. Có lên án, có tìm cách để diệt trừ nó nhưng không có hiệu quả. Nó là một loại vi khuẩn ký sinh hữu hình trong cuộc sống. Mà cơ thể vốn đã suy nhược ốm yếu thì làm sao có sức đề kháng, làm sao chống đỡ nổi. Xét nguyên nhân sâu xa, có người bảo đó là lối sống trọng tình (?) của người dân Việt và người Á Đông, đã ăn sâu vào nếp nghĩ của bao nhiêu thế hệ. Cho nên dù có phép vua thì vẫn thua lệ làng. Muốn thay đổi lề lối làm việc, tác phong... có phải thay đổi cách nghĩ và lối sống chăng?

Nhập gia tùy tục, đó la điều ông Riedl, một người ngoại quốc, đã phải làm. Liệu anh bạn làm báo của tôi, một người Việt, có kiên định được những gì mình đã nói và tâm huyết trên chính quê hương mình???

Lâm Thao, từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn