Theo website của “Tạp chí Cộng sản”, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), mới đây, trong ba ngày 8-9-10 tháng Giêng 2007, tại Hạ Long (Quảng Ninh), Ban Bí thư Trung ương ĐCSVN đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc với nội dung “sơ kết hai năm thực hiện Thông báo 162-TB/TƯ của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác lãnh đạo, quản lý báo chí; tuyên truyền các vấn đề, sự kiện lớn của đất nước”.
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị của PGS TS Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Ðảng, trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, có một đoạn khiến tôi đặc biệt chú ý: “Tại sao chúng ta biết có những thông tin nếu công khai trên báo chí sẽ làm tổn hại đến lợi ích đất nước, lợi ích của Ðảng, của nhân dân, sẽ bị kẻ địch bên ngoài lợi dụng bôi nhọ, đả kích, chống phá ta, vậy mà vẫn đăng lên báo, phát trên đài?
Cùng với tuân thủ pháp luật theo tiêu chí đúng/sai, cơ quan báo chí do Ðảng và Nhà nước ta lãnh đạo, quản lý còn có một tiêu chí khác không kém phần quan trọng là: nên hay không nên. Ðể thực hiện tiêu chí này, rất cần nhãn quan chính trị đúng đắn, sự nhạy cảm và tinh thần trách nhiệm cao của người làm báo, nhất là cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí“.
Thiển nghĩ, báo chí có thể đăng tải bất cứ thông tin nào, miễn là nó trung thực và không nằm trong danh mục những “bí mật quốc gia” được liệt kê trong các bộ luật tương ứng. Dĩ nhiên, báo chí cũng phải tuân thủ các điều khoản trong Luật Báo chí, Luật Dân sự, Hình sự, v.v… Vậy là đủ, theo tôi.
Một thông tin khi đăng tải, nếu vi phạm những điều khoản nêu ở trên, tác giả của nó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, sẽ rất khó cho giới ký giả, nếu họ buộc phải “lường trước” được những hậu quả “liên đới” quá rộng như “tổn hại đến lợi ích đất nước, lợi ích của Ðảng, của nhân dân, sẽ bị kẻ địch bên ngoài lợi dụng bôi nhọ, đả kích, chống phá ta“.
Với họ, làm đúng được thiên chức của nhà báo là đưa tin kịp thời, trung thực, xác tín… trong một xã hội chưa thật “mở” và chưa thật dân chủ là đã quá khó khăn, nói gì đến chuyện, nếu cứ đưa một tin - chẳng hạn, phản ánh và cảnh báo tình trạng tiêu cực, một sự thật cần sửa chữa - là lại phải lo ngay ngáy đến những sự việc “ngoài tầm tay” của họ, như PGS TS Tô Huy Rứa nhắc đến ở trên?
Phải chăng, đơn giản nhất, để tránh “địch bôi nhọ”, là “ta” chớ “làm bậy”?
Chủ tịch Hồ Chí Minh, 60 năm trước, vào thuở chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn rất non trẻ và đang đứng trước những thử thách cam go hơn hiện tại rất nhiều, trong các cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc”, “Thuốc đắng giã tật”, v.v… (với bút danh X.Y.Z.), đã nghiêm khắc khuyên giới cán bộ - những người theo lời cụ, là “đày tớ của nhân dân” - bao giờ cũng nên nói thật, nói thẳng, nói hết. Chỉ như thế mới mong khắc phục được những yếu kém, và khiến “kẻ địch” không thể “phá hoại” được “ta”.
Xin chép lại một đoạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tôi nghĩ rằng, sau 6 thập niên, vẫn giữ nguyên thời sự tính và giá trị của nó:
THUỐC ĐẮNG GIÃ TẬT, NÓI THẬT MẤT LÒNG
Có những cán bộ tưởng rằng: nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình, thì sẽ có hại vì:
- Kẻ địch lợi dụng để phản tuyên truyền;
- Giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền;
- Làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy;
- Chỉ phê bình qua loa ở nội bộ là đủ rồi.
Thế là tưởng lầm. Thế là ốm mà sợ thuốc. Thế là không hiểu ý nghĩa và lực lượng phê bình.
Nếu không muốn để kẻ địch phản tuyên truyền thì không gì hơn là tránh các khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm.
Một khi đã phạm đến khuyết điểm, thì dù mình muốn bưng bít, người ta cũng biết. Phải nhớ câu tục ngữ “sừng có vạch, vách có tai”.
Một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình, là một đoàn thể hoặc chính quyền yếu ớt, thoái bộ. Đoàn thể và chính quyền có can đảm vạch rõ khuyết điểm của cán bộ mình, có phương pháp sửa chữa cho cán bộ, thì chẳng những uy tín không giảm mà lại thêm cao.
Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ.
Việc phê bình phải từ trên xuống và từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự, phê bình chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa thì sự phê bình mới hoàn toàn…
Mong giới lãnh đạo văn hóa, tư tưởng và các ký giả Việt Nam chúng ta ngày nay thấu hiểu và làm đúng được theo những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra!
Một độc giả
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn