TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG TRONG CÁC DỰ ÁN LỚN

Thứ bảy - 31/03/2007 12:42

Trong thời gian qua, báo chí Việt Nam đã đề cập nhiều đến công trình du lịch Vinpearl (trước kia là khu Hòn Tre), với những dự án đầy bê bối, có nhiều khả năng là trái luật, ảnh hưởng trầm trọng đến môi sinh và cảnh quan thiên nhiên của khu vực. Đáng nói, là thái độ ngang ngược của doanh nghiệp chủ quản, có lẽ chỉ hướng tới mục đích chính là thu được nhiều tiền bỏ túi, mà lờ đi mọi yêu cầu khác.

Bài viết sau đây của GSTS Phạm Quang Tuấn, một Việt kiều ở Úc, cho thấy một cái nhìn đúng đắn khi tiến hành một dự án lớn, có khả năng ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và môi sinh. (NCTG)

Một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp có thể sẽ bị phá hủy bởi bàn tay con người

(NGƯỜI VIỄN XỨ) Đầu năm nay về thăm Việt Nam, tôi thấy rất vui mừng trước những phát triển kinh tế ngoạn mục tại quê nhà. Đường xá mọi nơi khang trang rộng rãi hơn, buôn bán tấp nập, những khu đô thị mới phát triển, các dịch vụ công cộng cũng như tư nhân đều khá hơn rất nhiều, dân chúng có vẻ phấn khởi với những tiến bộ trong việc hội nhập vào thế giới.

Nhưng niềm vui của tôi không được trọn vẹn, vì phải chứng kiến một phát triển đang gây sốc và tai tiếng ngay tại thành phố đẹp vào hàng nhất nhì của Việt Nam. Tôi muốn nói đến công trình du lịch Vinpearl (Hòn Ngọc Việt, trước kia là Hòn Tre) trên hòn đảo lớn nhất trong vịnh Nha Trang. Tôi không khỏi ngạc nhiên, nếu không muốn nói là thất vọng, trước sự tàn phá cảnh quan của khu du lịch nổi tiếng này.

Từ chữ VINPEARL khổng lồ trắng xóa trên đảo tới những núi bị san bằng, biển bị lấp, những cột cáp treo vừa to vừa thô kệch như là những cột điện khổng lồ đã gây ấn tưởng không đẹp về vùng vịnh từng được xem là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới và là thắng cảnh quốc gia của Việt Nam. Từ khắp bãi biển Nha Trang, cũng như từ khu bãi biển kín đáo và duyên dáng của khu du lịch Bảo Đại, nhìn ra chỉ thấy những cột trụ sắt và dây cáp chỉ có thể mô tả bằng hai chữ “kệch cỡm”. Không những gây cảm giác đau mắt, tôi cảm thấy một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng như linh hồn của thành phố đã bị làm tổn hại nghiêm trọng.

Một hệ quả quan trọng khác là cáp treo giăng ngang cảng Cầu Đá làm xâm phạm hành lang cảng, khiến các tàu khách du lịch lớn không thể ghé Nha Trang được như trước, có thể làm cho thành phố mất cả chục ngàn du khách mỗi năm như báo “Tuổi Trẻ” phản ảnh gần đây.

Cáp treo Vinpearl trên cảng biển Nha Trang - Ảnh: P.S.N. (”Tuổi Trẻ”)

Tôi được biết qua báo chí rằng công ty Vinpearl đang làm thủ tục để đăng ký dây cáp treo của họ vào danh mục công trình kỷ lục thế giới Guinness! Thực ra, đứng về mặt công nghệ và kỹ thuật ngày nay, làm một dây cáp treo qua biển vài cây số như vậy không phải là điều quá khó khăn để xứng đáng với một công trình tầm cỡ. Đường cáp treo này do một công ty thầu Hàn Quốc thực hiện (và trình độ kỹ thuật xây dựng của Hàn Quốc chưa được quốc tế đánh giá cao). Có thể nói công trình tốn kém cho ngân sách quốc gia này là một kỷ lục làm xấu thiên nhiên, chứ không phải kỷ lục về thành tựu kỹ thuật.

Kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy trước khi tiến hành tiến hành một dự án lớn có thể ảnh hưởng đến môi trường, người ta đều phải điều nghiên kỹ càng về tác động đến môi trường. Công ty chủ quản dự án có trách nhiệm khảo sát và báo cáo cho cơ quan có trách nhiệm, và trong báo cáo phải mô tả rõ những tác động (nếu có) đến môi trường và những đề nghị những biện pháp để khắc phục nhằm bảo vệ môi trường. Môi trường đây không chỉ là môi trường thiên nhiên, sinh vật, mà còn là phong cảnh, môi trường xã hội, kinh tế, di tích, v.v…

Từ năm 1993 nước ta đã có luật bảo vệ môi trường. Mới đây (năm 2005) đạo luật về môi trường lại được cập nhật, mà theo đó chủ các dự án lớn bắt buộc phải làm báo cáo ảnh hưởng môi trường trước khi thực thi dự án. Tỉnh Khánh Hòa cũng công bố đạo luật như thế. Ấy thế mà theo báo “Tuổi Trẻ”, báo cáo về khả năng tác hại đến môi trường của dự án cáp treo Vinpearl vẫn không được trình báo trước khi xây!

Có lẽ không ai phản đối rằng trong xã hội dân chủ người dân thành phố Nha Trang và người dân trong nước nói chung có quyền được tham khảo ý kiến về những dự án lớn có ảnh hưởng đến quê hương mình. Việc này có ghi rõ ràng trong Luật Môi trường 2005. Chẳng riêng gì ở Việt Nam, đó cũng là quyền được ghi trong Luật về bảo vệ môi trường quốc tế. Nhưng rất tiếc việc tham khảo ý kiến người dân chưa bao giờ được thực hiện trước khi tiến hành dự án Vinpearl. Trước đây, dự án xây khách sạn ở đồi Vọng Cảnh (Huế) khi công bố đã được người dân thành phố Huế và khắp nước góp ý, và dự án phải sửa đổi. Nhưng tiếc thay, người dân Nha Trang không có cái may mắn đó! Người ta có quyền đặt câu hỏi phải chăng có những khuất tất đằng sau việc tiến hành dự án này.

Du lịch sinh thái là một thế mạnh của kỹ nghệ du lịch Việt Nam. Tôi chắc chắn rằng khách du lịch vào Việt Nam không phải muốn ngắm “công trình kỷ lục” với những cột điện kệch cỡm hay đong đưa trên những cọng dây cáp xé cảnh quan; họ muốn ghé thăm một vùng vịnh duyên dáng của Việt Nam và của thế giới.

Bài học phát triển kinh tế nước ngoài cho thấy phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Tôi thiết nghĩ nước ta được thiên nhiên ưu đãi với những vùng biển và rừng đẹp tự nhiên, và đó chính là những gia sản quí báu mà tiền nhân đã để lại cho chúng ta. Chúng ta cần phải gìn giữ và bảo vệ gia sản này cho thế hệ mai sau.

Mong rằng Nhà nước cần lưu ý hơn nữa đến vấn đề bảo vệ môi trường, vốn là một vấn đề bức xúc của cả nước trong giai đoạn phát triển kinh tế nhanh, để trong tương lai môi trường Việt Nam không phải mang trên mình một dự án Vinapearl đầy tai tiếng như hiện nay.

Phạm Quang Tuấn, từ Sydney, Úc


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn