(TTO) Bầu cử Quốc hội phải là ngày hội của dân chủ, là một bước tiến mới trong quá trình đổi mới đất nước để khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng, lạm dụng chức quyền nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Nhà nước ta. Theo đó, dân chủ, trước hết là dân chủ đối với những ý kiến khác với mình, chứ một nền dân chủ “gọi dạ, bảo vâng” không thể đưa đất nước ta tiến lên trong thời đại hội nhập, cạnh tranh gay gắt hiện nay.
Khác ý kiến không phải là chống lại nhau mà là sự tìm tòi những cách tiếp cận mới. Dân chủ trước hết là dân chủ đối với những người ứng cử có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết chứ không phải dân chủ đối với những người chỉ biết “ăn theo, nói leo”.
TS Lê Đăng Doanh
Vì vậy, tiêu chuẩn để đánh giá và chấp nhận ứng cử viên chỉ có thể là những tiêu chuẩn do luật định, không thể là ý kiến của anh A, chị B nào đó, như: “anh X có trình độ nhưng thẳng thắn quá, đồng chí B không hài lòng, không nên để trong danh sách ứng cử”, “chị B phát biểu gay gắt quá, kỳ này nên thôi”, “anh Y hiền, tốt, mặc dù lớn tuổi nhưng nên làm tiếp”… Dường như những ý kiến này quyết định vận mệnh của các người ứng cử, đề cử trước khi được hiệp thương và bầu cử. Có người sẽ bị gạt ra, có người chưa cần bầu đã cầm chắc sẽ trúng cử. Nếu Quốc hội khóa tới chỉ gồm những người hiền và tốt, không có ý kiến gì từ quần chúng khác với lãnh đạo thì có đảm đương được sứ mệnh của người đại biểu nhân dân hay không?
Khoa học thông tin đã chứng minh sự lừa đảo liên quan đến bất đối xứng về thông tin. Bên lừa biết bản chất, giá trị của món hàng nhưng không cung cấp thông tin cho người mua, người mua cũng không có khả năng kiểm chứng chất lượng hàng hóa mà mình mua tại thời điểm mua hàng. Khi mua rồi mới té ngửa ra là “nói vậy mà không phải vậy” thì đã muộn. Để đối phó, trên thế giới đã có qui định về công khai, minh bạch thông tin, về vai trò của các cơ quan giám định độc lập, kiểm chứng. Lừa đảo không phải là bản chất của “mua mua bán bán” của kinh tế thị trường như có người vẫn lớn tiếng lên án. Lừa đảo xuất hiện ở bất cứ đâu có bất đối xứng thông tin.
Để cho quá trình ứng cử, bầu cử được dân chủ, nên thực hiện công khai, minh bạch càng sâu rộng càng tốt. Các cuộc tiếp xúc cử tri nên được thông báo rộng rãi, mời mọi người có quyền tham gia, tránh hiện tượng “lựa chọn đại diện cử tri”, sắp đặt, loại bỏ những cử tri “có ý kiến” không được tham gia. Thông tin về quá trình bầu cử, về các ứng cử viên nên được công bố rộng rãi, ý kiến cử tri đóng góp cần được công bố công khai. Vận động bầu cử cần được tiến hành bình đẳng, tránh bị kỳ thị như có đại biểu đã phát biểu.
TS Lê Đăng Doanh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn