KHÔNG THỂ SÁM HỐI

Thứ sáu - 23/03/2007 12:39

“Những bức ảnh chụp thời khắc lịch sử của ngày chiến thắng đều là ảnh giả” - tác giả bài viết sau đây, khi ca ngợi tính chuyên nghiệp, lòng yêu nghề và quả cảm của các phóng viên chiến trường ngoại quốc, đã có những nhận xét có thể làm chạnh lòng giới nhiếp ảnh quân đội Việt Nam. Tuy nhiên, đó là một sự thật lịch sử và đã là sự thật lịch sử, thì chỉ có thể thẳng thắn về nó! (NCTG)

(TIA SÁNG) Hồi còn trong bộ đội, nhờ có hoa tay pha mầu, một lần tôi được thủ trưởng đơn vị gọi lên giao trọng trách: sơn tút lại cái chân giả của ông. Cái chân bằng gỗ lâu ngày đã bong tróc gần hết lớp sơn phủ, cùng những long-đen, chốt hãm và ốc vít bị hoen gỉ sắp hỏng.

Tôi hí húi vừa làm vừa nghe ông kể, câu được câu chăng. Trận đánh ác liệt ở Khe Sanh năm 1968 đã cướp đi của ông một phần cơ thể. Chiều cuối năm, mưa phùn gió bấc, thủ trưởng của tôi muốn sửa sang lại hình thức đôi chút trước khi về quê ăn Tết và sau đó thì nghỉ hưu hẳn. Tôi lộ thoáng ngạc nhiên, ông bảo: Tuổi thì cao, mỗi khi trở trời vết thương cũ thức dậy hành hạ, vả lại gân cốt đã nhão, súng đạn đã buồn. Sau khi hoàn thành công việc ông thưởng tôi một điếu thuốc lá Sông Cầu. Thấy ông vui vui, tôi lấy hết can đảm hỏi một câu mà tôi để bụng đã lâu:

- Thưa thủ trưởng, thủ trưởng có dũng cảm thật không ạ?

- Cả nước mình dũng cảm. Ông trả lời câu hỏi của tôi với một thái độ rất khó kể lại chính xác. Nó hao hao cách trả lời những câu nửa hỏi, nửa chào kiểu như “Bác đã đi làm về đấy ạ?” Thế thôi.

Yêu nước thì đương nhiên rồi. Nước như Cha Mẹ, có ai lại không yêu cha mẹ đâu. Nhưng lòng dũng cảm thì đúng là một thứ đặc sản đã tạo nên chiến thắng của hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX: cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.

Ấy thế nhưng ta bỗng giật mình khi chợt nhận ra rằng phần lớn những chiến sĩ, phóng viên cầm máy ảnh của chúng ta trong hai cuộc chiến tranh đó đã gần như không làm được gì đáng kể. Thế mạnh đặc thù của nhiếp ảnh là tính chân thực, thời điểm và nóng hổi đều không được tận dụng. Các phóng viên ảnh chiến tranh của chúng ta có thừa lòng dũng cảm nhưng lại thiếu một quan niệm chuẩn xác về nhiếp ảnh. Họ đã bỏ lỡ, đã tự đánh mất, đã lãng phí một cơ hội ngàn vàng là được sống, được có mặt và được làm việc ngay trong lòng của hai cuộc chiến tranh đó. Nếu có thì chỉ nên nhắc đến một người, đó là phóng viên ảnh, liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng. Tiếc rằng những người hiểu đúng về nhiếp ảnh như anh quá ít. Cũng còn vài ba bức ảnh nữa khá có tiếng nhưng toàn chụp cảnh dẫn giải tù binh, có nghĩa là sự kiện đã bị nguội mất.
 
Trong khi ngược lại có biết bao phóng viên ảnh của tất cả các hãng thông tấn hàng đầu thế giới đã triệt để khai thác cơ hội đó. Rất nhiều những tên tuổi lớn đã phát lộ từ đây. Rất nhiều những tác phẩm đã đi vào lịch sử của nhiếp ảnh thế giới.

Cái kim đồng hồ không thể quay ngược chiều. Cái sai lầm về quan niệm nhiếp ảnh của một thế hệ phóng viên chúng ta không thể sửa chữa được. Một khoảng trống lớn trong lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam mãi mãi sẽ không bao giờ có thể lấp kín.

Những bức ảnh chụp thời khắc lịch sử của ngày chiến thắng đều là ảnh giả. Tấm hình quen thuộc có cảnh các chiến sĩ phất cờ reo hò trên nóc hầm sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ của De Castrie vào lúc 5 giờ 30 phút chiều 7-5-1954 và bức hình chiếc xe tăng đâm đổ cánh cổng sắt của Dinh Độc lập hồi 11 giờ 30 phút sáng ngày 30-4-1975 đều là những bức ảnh được sắp đặt lại để chụp. Điện ảnh thì có phim tài liệu và phim truyện nhưng nhiếp ảnh thì không thể chấp nhận ảnh-truyện được.

Biết bao xương máu của cha anh chúng ta đã đổ. Biết bao người đã chết (trong đó có cả những phóng viên ảnh) để rồi hai khoảnh khắc huy hoàng đó đã không được các phóng viên ảnh của chúng ta bấm máy đúng lúc.


Tác phẩm của Edward T. Adams đoạt giải Pulitzer năm 1969 chụp tướng ngụy Nguyễn Ngọc Loan đang chĩa súng vào thái dương của một chiến sĩ biệt động trên đường phố Sài Gòn tháng Hai năm 1968 có thể nói lên rất nhiều điều mà các loại hình nghệ thuật khác không thể làm thay nó được.

Sự tàn khốc của chiến tranh thì khó có bức ảnh nào vượt được bức ảnh của Nick Út chụp Kim Phúc đang kêu “Nóng quá. Cứu tôi với” tại Trảng Bàng tháng Tám năm 1972. (Giải Pulitzer năm 1973).

Không thể liệt kê ra hết những tác phẩm như thế. Tất cả chúng đều được chụp bằng ống kính 50mm hoặc 35mm, có nghĩa là người chụp và đối tượng gần nhau trong gang tấc. Một câu chuyện sau mang tính biểu tượng.

Tất cả các phóng viên ảnh Phương Tây trước khi ra chiến trường đều tự hàn ống kính tiêu cự 35mm vào thân máy ảnh. Họ muốn gắn chặt họ với không khí của máu lửa, súng đạn và sinh tử. Giống như phi công Nhật trong thế chiến thứ hai trước giờ xuất kích đều vứt dù ra khỏi máy bay.

Bức ảnh chụp vết đạn xuyên thủng chiếc máy ảnh Nikon-F treo ở triển lãm Hồi niệm tại Hà Nội tháng Ba năm 2000 có thể coi là Logo cho nghề phóng viên ảnh chiến tranh. Họ yêu nghề, họ dũng cảm và quan niệm đúng về nghề.

Sức mạnh của nghệ thuật nhiếp ảnh đã giảm đi rất nhiều nếu như chiến tranh chỉ là những bức ảnh chụp các chiến sĩ đang vui vẻ đọc thư nhà, hay đang lau súng để chuẩn bị chiến đấu hoặc vừa hát vừa hành quân qua bản, nghỉ ngơi dọc đường và thậm chí là vô số những bức ảnh chụp các chị dân quân, du kích, thanh niên xung phong đang ngồi chải tóc, bắt chấy cho nhau cạnh dòng suối chảy có hoa nở. Lực lượng nghệ sĩ nhiếp ảnh rất hùng hậu, số lượng ảnh mà họ chụp được vô cùng đồ sộ và chất lượng nghệ thuật rất tốt nhưng công bằng mà nói thì đó không phải là ảnh phóng sự chiến tranh.

Thật đáng tiếc biết bao khi chúng ta, những người chiến thắng lại không phải là tác giả chính của bộ sách vĩ đại về lịch sử của chiến tranh bằng hình ảnh này.

Đối với nhiếp ảnh, nghệ thuật của thời khắc thì không bao giờ tồn tại khái niệm sám hối.

Lê Thiết Cương


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn