CHUYỆN CHỮ NGHĨA: CHỚ TÁN… CÀN!

Thứ hai - 09/04/2007 05:08

(NCTG) Tờ “An ninh Thế giới Cuối tháng” (tháng 2-2007) có bài viết “Bữa cơm của chủ tịch tỉnh thết… trưởng ty” của tác giả Nguyễn Ánh, thuật về chuyện nhà văn Mạnh Phú Tư, thời đầu cuộc kháng chiến 9 năm, được ông Đặng Thai Mai, khi đó là chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, đãi cơm.

Bìa một tác phẩm nổi tiếng của Mạnh Phú Tư - Ảnh: sachxua.net

Bữa cơm có cá, có đậu, vậy cũng coi là “xôm tụ” thời chinh chiến bấy giờ; nhất là, ông Đặng Thai Mai vốn đau dạ dày nên không ăn được mấy, hầu như một mình tác giả “Làm lẽ” “làm chủ tập thể”.

Tuy nhiên, Mạnh Phú Tư không khoái cá, mà cá trong bữa ăn này lại thuộc loại nhỏ, lắm xương nên nhà văn của chúng ta vừa ăn, vừa nhằn và càu nhàu: “Hừ, cá sao mà lắm xương thế!“.

Cứ thế mấy lần, ông Đặng Thai Mai thoạt đầu chỉ lặng lẽ ngồi uống nước và xỉa răng, sau đành đáp lời: “Này, cậu có muốn bảo mình là cá gỗ thì bảo!“.

Khi đó, Mạnh Phú Tư mới giật mình, buột miệng “bỏ mẹ chưa!”, vì biết sự vô ý của mình đã đụng chạm đến “quê hương bản quán” của ông chủ tịch tỉnh!

Câu chuyện nếu dừng ở đó, thì cũng thú vị, có thể liệt vào hàng vô vàn giai thoại văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, cái… vô duyên của người kể lại chuyện, là ở những dòng “đao to búa lớn” như sau:

… Phải chăng văn tức là người nên con người của Mạnh Phú Tư cũng… đặc Việt Nam? Tính cách Việt Nam đặc biệt của nhà văn Mạnh Phú Tư là ngay ở bữa cơm được ông Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa… thết!

May mà nhà văn mang tính cách Việt Nam đặc biệt cả con người lẫn văn chương chỉ buột… ra ba từ trên thôi [”bỏ mẹ chưa!”] rồi thầm nghĩ: Chết, mình cứ thực thà phê bình cá nhân chứ có phải cạnh khóe gì đến gốc gác quê hương bản quán của Chủ tịch đâu! Bỏ mẹ chưa!

Một lần được ăn cơm thết của Chủ tịch tỉnh lại còn cằn nhằn nhiều điều đến như thế của anh cán bộ cấp dưới là Mạnh Phú Tư hẳn sẽ trở thành… đại họa cho anh!? Nhưng không! Chỉ ít lâu sau Mạnh Phú Tư được Chủ tịch đề bạt làm Trưởng ty Thông tin tỉnh Thanh Hóa! Thế nghĩa là con người và văn chương của Mạnh Phú Tư thật đặc biệt Việt Nam, còn con người của nhà văn hóa lớn cũng thật lớn! Một tính cách thẳng thắn, có sao nói vậy, không uốn éo, xun xoe! Một tính cách đại lượng, đại nhân không tị hiềm, để bụng…“

Rõ chán!

Câu chuyện trên đây, nếu có thực, cũng chỉ phản ánh một cử chỉ không được tế nhị và lịch sự lắm của Mạnh Phú Tư; nói nhẹ đi là “vô tâm”. Nếu coi sự vô ý ấy là “tính cách thẳng thắn, có sao nói vậy, không uốn éo, xun xoe“, thậm chí phong nó thành “đặc biệt [tính cách con người] Việt Nam” như tác giả Nguyễn Ánh đã nhắc đi nhắc lại mấy lần trong bài, thì hẳn là vô duyên!

Việc ông Đặng Thai Mai không trù dập, ngược lại, còn đề bạt Mạnh Phú Tư, cũng có gì ghê gớm mà phải ca tụng đến cả “con người của nhà văn hóa lớn cũng thật lớn“, rồi “một tính cách đại lượng, đại nhân không tị hiềm, để bụng…“? Để làm sáng tỏ điều này, hãy thử xem lại, Đặng Thai Mai và Mạnh Phú Tư “là ai” trong thời gian câu chuyện diễn ra.

- Về mặt tuổi tác, Đặng Thai Mai hơn Mạnh Phú Tư 11 tuổi. Nhưng trong làng văn nghệ thời bấy giờ, tuổi tác không phải là yếu tố khủng khiếp để hễ ai hơn tuổi là có cách cư xử kiểu “cha chú”.

- Về sự nghiệp văn học, tính đến đầu kháng chiến chống Pháp, Đặng Thai Mai nổi tiếng với các tác phẩm nghiên cứu “Văn học khái luận”, “Lỗ Tấn”, “Tạp văn Trung Quốc” (đều năm 1944), cùng một số bản dịch Lôi Vũ, Tào Ngu. Trong khi đó, Mạnh Phú Tư cũng là một nhà văn “có danh”, với tiểu thuyết đầu tay “Làm lẽ” được giải nhất về tiểu thuyết của Tự lực Văn đoàn (1939). Ngoài ra, ông còn tiểu thuyết “Gây dựng” (1941), “Một cảnh sống” (1941), “Một thiếu niên” (1942), “Nhạt tình” (1942) và tập truyện ngắn “Người vợ già” (1942). Mạnh Phú Tư cũng nổi tiếng với tiểu thuyết tự truyện “Sống nhờ” (1942), tác phẩm được coi là tiêu biểu hơn cả, về tuổi thơ bươn chải cay đắng của tác giả trong hoàn cảnh hủ bại của xã hội phong kiến tại nông thôn.

Như vậy, trên tư cách một nhà văn, Mạnh Phú Tư cũng không có gì đáng “hổ thẹn” trước ông Đặng Thai Mai!

- Về hoạt động xã hội và chính trị, Đặng Thái Mai là người đi trước, với sự tham gia trong đòi ân xá Phan Bội Châu, truy điệu Phan Chu Trinh (1925), gia nhập Đảng Tân Việt, cũng như, tham gia phong trào Cứu tế đỏ (1930) và Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ (1936). Ông còn ứng cử Viện dân biểu Trung Kỳ (1939), rồi sau năm 1945, là đại biểu Quốc hội khóa I, ủy viên Ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời, là bộ trưởng Bộ giáo dục trong Chính phủ Liên hiệp. Đầu kháng chiến, Đặng Thai Mai là chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Thanh Hóa.

Ngược lại, Mạnh Phú Tư trước 1945 không tham gia chính trị và sau 1945, ông cũng chỉ chủ tâm viết báo phục vụ kháng chiến, ngoài một chức vụ về sau là phó chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Thanh Hà (Hải Dương). Tuy nhiên, thời đầu kháng chiến, giới văn nghệ sĩ cũng chưa hay mắc phải tệ ỷ “thâm niên” hay chức quyền trong chính trị, xã hội để trù úm hay “chơi xấu” lẫn nhau.

Khen như thế… bằng mười phụ nhau! - Ảnh: Nhà văn hóa Đặng Thai Mai (1902-1984)

Nhất là, một khi đã biết khả năng của nhau, thì chẳng ai “để bụng” mấy chuyện nhỏ (như câu chuyện trên), mà còn cất nhắc, bố trí nhau vào những cương vị xứng đáng, như Đặng Thai Mai đã làm đối với Mạnh Phú Tư. Nếu chỉ vì vậy mà “tung hô” lên là “đại lượng, đại nhân, không tị hiềm”…, tưởng là ca ngợi, thức ra lại là “bỉ” người xưa lắm thay!

Phải chăng, một câu chuyện ngắn ngủi, kể lại đơn thuần có lẽ không đủ thành bài viết, nên cần vẽ rắn thêm chân, “Mao Tôn Cương” bừa bãi, vô duyên?!

Trần Lê


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn