“TÊN NGƯỜI, TA CỨ… PHIÊN” (!?)

Thứ sáu - 09/12/2005 13:54

(NCTG) “Người Việt mình vốn tùy tiện và vô ý thức…” Câu nói ấy, tôi đã nghe nhiều người nói, khi nhắc đến những nhược điểm trì níu dân ta. Và có thể thấy rất rõ điều này khi đọc sách dịch của nước ngoài ở Việt Nam.

Hơn thế kỷ nay, từ khi nền văn học chữ quốc ngữ hình thành và phát triển, Việt Nam vẫn chưa có một chuẩn (được thông qua và quy định bởi những đạo luật hẳn hoi, như quốc tế) khi viết các danh từ riêng nước ngoài. Cho nên, trên sách báo, ta vẫn thấy “song hành” ít nhất là hai cách viết thông dụng: 1./ để nguyên dạng, và 2./ phiên âm theo cách đọc.

Hãy miễn nói đến những ưu và nhược của từng cách (mà “thư tịch” Việt Nam đã bàn đi tán lại chán chê mà không có được sự đồng thuận), nhưng điều cần nói ở đây là: sao không có được một chuẩn thống nhất? Sao cứ “tra tấn” hoài người đọc vậy?

Thử một vài ví dụ có liên quan đến nuớc Hung!

Trên trang chủ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, tức là một cửa sổ mở ra quốc tế cho “thiên hạ” nhòm vào, tôi tẩn mẩn ghi lại và thấy tên nước Hungary được viết (đồng thời) theo các cách sau: Hungary, Hunggary, Hunggari, Hung-ga-ry, Hung-ga-ri. Vậy cái nào đúng?

Trong tập kỷ yếu “Đến với bạn bè - Cuộc gặp gỡ quốc tế lần thứ nhất những người dịch văn học Việt Nam. Hà Nội 2002″, của Hội đồng Văn học dịch - Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành (nghĩa là phải khá nghiêm túc), tôi tẩn mẩn xem tên người Hung được phiên ra sao. Thì đây! Bài “Văn học Việt Nam ở Hungari” của Thùy Dương (đã được đăng trên tuần báo “Văn nghệ” số 49, 5-12-1998), viết tên nhà thơ, dịch giả Hungary Tandori Dezső (dịch thơ Xuân Diệu, Nguyễn Trãi và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du) theo các cách sau: Tondori Deiwe, Tôn-đô-ri Đê-i-uê (tên ông này, đọc lên là Ton-đô-ri Đe-duê). Còn nhà văn, dịch giả Ördögh Szilveszter (từng dịch “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố từ bản Pháp văn) thì biến thành Overdo Sinvexte và Ô-vơ-đô Xin-ve-xte (nếu muốn phiên chính xác theo cách đọc thì phải là Uê-rờ-đuyệch Xin-vét-xte).

Ở đây, một lần nữa, vấn đề là: có cách gì hay ho hơn, ngoài việc phiên tên “người ta” và viết ra một cách thô thiển như thế không? Như thế, có là tôn trọng các tác giả ngoại quốc không? Và, nếu đã phiên âm, có nên “tự do chủ nghĩa”, tùy hứng, phản mỹ quan, kiểu “tên người, ta cứ phiên” nực cười vậy không?

Trần Lê


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn