* ĐƯỢC KHEN THÌ ĐÚNG RỒI NHƯNG SAO CỨ NGHÈO HOÀI?
Có một chuyện có thật xảy ra ở Trung Quốc vào khoảng năm 1920, một ông khách Tây tới thăm phố Hàng Châu và khen ngợi những người phu kiệu cho ông mặc dù còn đang rất mỏi mệt vẫn cười đùa ầm ĩ. Ông Tây khen những người phu khiêng kiệu sao mà lạc quan và biết cách sống quá.
Câu chuyện này đã tạo ra không ít tranh luận: người thì cho rằng khách nước ngoài đi đến đâu cũng vậy, theo phép tắc xã giao họ cứ ban phát vô tư những lời khen tặng bởi có mất mát gì đâu, lời nói không mất tiền mua mà, cho nên càng tươi cười vô tư theo cách thức mà những vị khách quốc tế khen tặng là lạc quan tếu, chưa thấy được nỗi nhục của sự tụt hậu.
Cũng có thể là người nước ngoài ngạc nhiên không hiểu những người lao động vô cùng cần cù và siêng năng ấy tại sao lại nghèo cứ mãi hoàn nghèo. Nên khen như thế là nhằm động viên, rằng hãy cố gắng, lạc quan và yêu đời để vượt qua những thách thức của cuộc sống và thoát khỏi kiếp nghèo.
Khen chê cũng tùy theo góc nhìn của mỗi người nhưng quan trọng nhất vẫn là cách thức tiếp nhận vấn đề từ phía người được khen: tại sao thực tế ta vẫn cứ nghèo và vẫn tụt hậu, điều gì cho đến giờ vẫn còn chưa làm được hoặc làm chưa tới nơi, cần phải làm gì?
Cứ so sánh hết tất cả những gì mà thế giới đánh giá về VN thì quả thật cái gì cũng nhất: lạc quan nhất, tiềm năng nhất, thần kỳ nhất, và dĩ nhiên còn nhiều cái nhất khác nữa, đáng chú ý nhất là “nghèo nhất”. Bình tĩnh liên kết có hệ thống các xếp hạng nhất này lại với nhau, ta thấy chính nhờ cái nhất đầu tiên, thuộc về bản chất, là lạc quan nhất nên người dân VN mới có thể tự mình cởi trói chính mình ngay cả những lúc khổ ải nhất để rồi sau đó bứt phá đạt tốc độ tăng trưởng nhất thế giới như ngày hôm nay. Điều này không dễ có đối với những dân tộc thiếu tinh thần lạc quan. Rất tiếc các cái nhất này lại bị một cái nhất khác kìm hãm dẫn đến một cái nhất khác là… nghèo nhất.
Vậy thì cái khác kìm hãm đó là gì? Còn gì khác ngoài việc năng lực quản lý quốc gia của ta cũng thuộc loại thấp nhất thế giới. Đánh giá của WB vào năm 2006 tại 213 quốc gia cho thấy khả năng quản lý quốc gia của VN là khá thấp, đặc biệt hiệu năng của chính phủ là rất thấp. Nhưng đáng ngại hơn là hầu như chúng không được cải thiện trong hơn 10 năm qua (năm 1996 được điểm xếp hạng cao nhất rồi sau đó ngày càng tụt?).
Lấy ví dụ môn bóng đá thì rõ. Sở dĩ lấy bóng đá làm ví dụ vì nó không đụng chạm đến ai. Không có dân tộc nào cuồng nhiệt và lạc quan bóng đá “nhất” bằng dân VN cho dù đội tuyển liên tục thua bất tận trước Thái Lan. Sự cuồng nhiệt và lạc quan chính là nền tảng cơ bản để biến bóng đá VN trở thành số một. Nhưng rồi bóng đá VN vẫn liên tục triền miên xếp hạng chót của thế giới.
Thể thao là lĩnh vực dễ xã hội hóa nhất và không chịu bất kỳ ràng buộc nào của WTO, thế mà nhà nước vẫn can thiệp. Liên đoàn bóng đá – cũng giống như các liên đoàn khác – phải có ông quan chức nhà nước của Ủy ban Thể dục Thể thao làm chủ tịch và hàng loạt ban bệ ăn theo, do sợ thể thao nước nhà đi chệch định hướng… theo nghị quyết? Người không biết làm bóng đá lại đi quản chuyện bóng đá, kết quả thì đã thấy. Chuyện dễ nhất làm không xong lấy đâu làm ra các cải cách vĩ mô to tát khác?
Trong từng doanh nghiệp cũng vậy, năng lực quản lý cũng có vấn đề. Khái niệm quản lý doanh nghiệp hiện đại vẫn là một cái gì đó hoàn toàn xa lạ, thậm chí đối với cả các công ty đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Thành thử ra, tiềm năng thì có nhưng do năng lực quản lý yếu kém nên doanh nghiệp VN khó tiến xa.
Còn đối với từng người dân thì sao? Cũng do quá lạc quan nên mới có tình cảnh bà ngoại dám cả gan đi chợ chứng khoán. Tình trạng buồn cười này thì Trung Quốc cũng trải qua và họ gọi đó là “lạc quan mù quáng”. Không cần hiểu biết gì cả, phàm hễ cái gì lên giá là cái đó có một tương lai tươi sáng? Lạc quan kiểu này là do thiếu hiểu biết.
Nếu doanh nghiệp, nhà nước và thậm chí là đến cả từng người dân, vẫn không nâng tầm năng lực quản lý và hiểu biết của mình (đối với nhà nước còn là nâng tầm tư duy), chừng đó cho dù có được xếp hạng bao nhiêu cái tốt nhất trên thế giới này đi chăng nữa thì đất nước của chúng ta sẽ cứ mãi là quốc gia nghèo nhất thế giới.
* NHANH VÀ HÃY NHANH HƠN NỮA
Cỗ máy nhà nước chừng nào vẫn không có những cải cách mang tính hệ thống, chừng đó sẽ không bao giờ đuổi kịp nhịp điệu và tốc độ của cải cách và như thế chúng ta sẽ chỉ mãi là dân tộc nghèo nhất, cho dù tốc độ tăng trưởng có thần kỳ đến mức độ nào đi chăng nữa. Bất kỳ nhà đầu tư trong nước và nước ngoài nào khi được hỏi điều gì làm họ khủng hoảng nhất thì đó chính là căn bệnh thủ tục hành chính quá rườm rà như hiện nay.
Ngoài ra, chính do hiệu năng quản lý thấp kém nên phàm việc gì khó thì không ai muốn xông vào (và thật lòng mà nói cũng chẳng biết trách nhiệm thuộc về ai với cái ma trận bộ ngành ở nước ta) hoặc đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau, cuối cùng huề cả làng. Như vụ xin phép bay thử máy bay của 2 anh Hai Lúa ở Tây Ninh, do sợ trách nhiệm nên phải mất nhiều năm trời đùn đẩy trách nhiệm nhưng vẫn chưa giải quyết xong, cuối cùng phải đợi đến đích thân thủ tướng giải quyết?
Nếu nhìn ở một góc độ nào đó của danh hiệu lạc quan nhất còn là người VN có tâm lý cầu toàn, nhiều khi biến tướng thành tự mãn. Người VN vì vậy thường có tính an phận nên khó tiến xa. Điều này khổ nỗi chính chúng ta lại ít thấy hay không muốn thấy, trong khi người ngoài lại thấy rõ nhất. Không phải ngẫu nhiên mà các vị khách quốc tế luôn nhắc nhở khéo, rằng được khen nhưng hãy nên tỉnh táo và “đừng quá tự mãn” trước những thành tựu gần đây, hãy luôn quan niệm nhanh và hãy nhanh hơn nữa. Chỉ có như thế người dân nước ta mới hy vọng vừa nhận được danh hiệu lạc quan nhất nhưng đồng thời cuộc sống cũng thuộc vào hàng khá giả nhất, lúc đó mới là tự hào… nhất.
Trần Ngọc Thơ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn